Để đại gia không ‘sớm nở tối tàn’
Chính kiểu làm ăn chụp giật khiến không ít đại gia phất lên nhanh nhưng chẳng bao lâu sau lâm vào cảnh bế tắc.
Nhiều đại gia thủy sản miền Tây nợ nần chồng chất, phá sản… nhưng ngược lại cũng có không ít đại gia vẫn sống khỏe, phát triển bền vững, ăn nên làm ra.
Đầu tư kiểu ăn xổi, chụp giật
Bình luận về việc một đại gia thủy sản ở miền Tây vừa vỡ nợ và giám đốc lẫn kế toán trưởng bị bắt, ông Trần Văn Lĩnh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản và Thương mại Thuận Phước, nói: “Tôi không bất ngờ”.
Không bất ngờ bởi vị giám đốc công ty này vốn làm phiên dịch viên cho một công ty thủy sản nước ngoài. Thấy lợi nhuận cao từ việc xuất khẩu thủy sản, người này liền đứng ra lập công ty thủy sản riêng, kiếm được một số tiền khá lớn sau vài đơn hàng bán được giá và phất lên.
“Nhưng để thành công và phát triển bền vững thì lãnh đạo công ty cần phải có kiến thức chuyên môn về ngành nghề mình đang kinh doanh, cần biết quản trị công ty, quản lý dòng vốn, quản lý rủi ro… chứ không thể là tay ngang ngày một ngày hai mà thành công được” - ông Lĩnh nói.
Không chỉ công ty trên phất lên nhanh nhờ một vài phi vụ trúng quả, một chuyên gia cho rằng việc nhiều công ty thủy sản lên “như diều gặp gió” rồi vỡ nợ không có gì là quá bất ngờ. Bởi chỉ vài năm trước đây, thời điểm xuất khẩu thủy sản thuận lợi, các nhà máy chế biến cá tra ở miền Tây mọc lên như nấm.
Thậm chí nhiều công ty trái ngành như đồ gỗ, dầu khí, nhà đất… cũng nhảy vào đầu tư kinh doanh thủy sản. Những đơn vị này không am hiểu về thị trường thủy sản, không có chuyên môn về thủy sản, không tay nghề, quản trị theo kiểu “tình cảm gia đình, họ hàng”. Thế nhưng thấy đầu tư vào cá tra, con tôm có vẻ dễ ăn nên ồ ạt xây dựng nhà máy, mà phần lớn đều dựa quá lớn vào nguồn vốn vay từ các ngân hàng với lãi suất cao.
“Điều đáng nói hơn là không ít đại gia vay tiền từ ngân hàng nhưng lại không đầu tư vào sản xuất kinh doanh mà mang đi xây lâu đài, sắm xe sang đắt tiền để tạo thanh thế, tạo niềm tin cho nông dân… Đến khi thị trường thủy sản gặp khó khăn, giá bán giảm cộng thêm tiền lãi ngân hàng phải trả cao đã “gặm” hết lợi nhuận, dẫn đến thua lỗ” - đại diện một công ty thủy sản phân tích.
Chưa kể một số công ty thủy sản thu mua nguyên liệu không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng. Thế nên khi xuất khẩu bị thị trường nước ngoài trả về vì nhiễm chất cấm, kháng sinh khiến họ càng lún sâu vào nợ nần, bế tắc. Hệ quả tất yếu là công ty thua lỗ, nợ ngân hàng, nợ đối tác, nợ tiền cá của nông dân, nợ tiền lương công nhân... Chính kiểu làm ăn chụp giật như trên khiến không ít đại gia phất lên nhanh nhưng chẳng bao lâu sau đã lâm vào cảnh “sớm nở tối tàn”.
Ở khía cạnh khác, một chuyên gia kinh tế nhìn nhận các công ty thủy sản “có vấn đề” phần nhiều do gặp vướng mắc về vốn hoặc “tay không bắt giặc”. Chẳng hạn vay vốn ngắn hạn lãi suất cao để đầu tư dài hạn, đầu tư dàn trải trái ngành nghề, quản trị không tốt, thiếu minh bạch… Đến khi trả lãi tiền vay không nổi nên lãi mẹ đẻ lãi con, dẫn đến nợ chồng nợ và “chết”.
Thủy sản Bình An (KCN Trà Nóc, Cần Thơ) một thời nổi như cồn nhưng vướng vào nợ nần nên chủ sở hữu phải chuyển cho người khác và đổi luôn thương hiệu. Ảnh: GIA TUỆ
Không “bỏ trứng vào một giỏ”
Trên thực tế ngành thủy sản những năm gần đây gặp nhiều khó khăn: Dịch bệnh khiến thiếu hụt nguyên liệu, hàng rào kỹ thuật khắt khe của nước nhập khẩu, thuế chống bán phá giá, rồi sự cạnh tranh mạnh từ các đối thủ Thái Lan, Ấn Độ, Indonesia…
“Nhưng vẫn có rất nhiều công ty xuất khẩu thủy sản đứng vững, phát triển tốt. Vì sao? Thứ nhất, họ biết quản trị, điều tiết chi tiêu hợp lý dòng vốn, không dựa quá nhiều vào vốn vay ngân hàng. Thứ hai, những công ty thủy sản xuất khẩu sức khỏe tốt là những đơn vị làm chủ được nguồn nguyên liệu, thiết lập được chuỗi liên kết từ nuôi trồng đến chế biến xuất khẩu.
Làm lãnh đạo công ty xuất khẩu cá tra sang Mỹ mà không biết nuôi cá ra sao, cách chế biến cá thế nào, những món ngon của cá tra là gì… thì khó mà phát triển bền vững được” - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản và Thương mại Thuận Phước Trần Văn Lĩnh nói.
Đồng quan điểm, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), nêu thực tế những công ty không chủ động được nguồn nguyên liệu, không có vùng nuôi, không tính toán được giá thành con cá… thì sẽ mất khả năng cạnh tranh.
“Ngược lại, những công ty đang sống khỏe hiện nay vì họ có lãnh đạo giỏi, biết liên kết chuỗi giá trị với nhà máy thức ăn và người nuôi, cộng với sự hỗ trợ chuyên môn của những cơ quan quản lý, nhà khoa học trong ngành nông nghiệp và sử dụng hiệu quả nguồn vốn từ ngân hàng” - ông Hòe nhìn nhận.
Không chỉ vậy, các doanh nghiệp thành công này luôn tìm cách đa dạng hóa thị trường, không “bỏ trứng vào một giỏ”, từ đó tránh được rủi ro.
Phó Tổng Giám đốc Công ty Anmyfishco Nguyễn Anh Thư dẫn chứng thị trường xuất khẩu của công ty phân bổ hợp lý tùy theo năng lực khai thác. Thị trường EU là chủ lực chiếm 40%, cân bằng lại có thị trường Trung Đông chiếm 35%, thị trường châu Úc, châu Mỹ lần lượt là 10% tổng kim ngạch xuất khẩu của công ty. Trong khi đó, những thị trường đang phát triển tại các nước châu Á, công ty cũng chú trọng khai thác với thị phần 5%.
Đáng tiếc là vẫn có không ít công ty “chưa thuộc” bài học này và họ lâm nạn một phần do chỉ phụ thuộc vào một vài thị trường. Đơn cử thị trường Trung Quốc có thời gian thu mua tôm, cá dễ dãi, bất chấp chất lượng và kích cỡ. Thế nên một số công ty Việt chỉ tập trung xuất khẩu vào thị trường này. Đến khi họ đột ngột ngưng mua thì doanh nghiệp không biết bán cho ai, thậm chí bị quỵt tiền hàng, trả hàng.
Nói thêm về vấn đề này, ông Trần Văn Lĩnh, Tổng Giám đốc Công ty Thuận Phước, chia sẻ nếu tập trung vào một thị trường có thể lúc thuận lợi thì lợi nhuận rất cao nhưng khi khó khăn thì điêu đứng vì khó xoay sở, vực dậy.
Ông Lĩnh chia sẻ: “Vì vậy, công ty luôn tuân thủ thị trường theo nguyên tắc 3-3-2-1. Tức là 30% xuất sang Mỹ, 30% sang EU, 20% sang Trung Quốc và 10% sang Nhật, Hàn. Phần còn lại bán nội địa hoặc tìm thị trường mới. Như vậy, xuất khẩu không phụ thuộc thị trường nào, nếu xảy ra rủi ro ở thị trường Trung Quốc sẽ có thị trường EU hay Mỹ bù đắp”.
Việc chú trọng đến đa dạng hóa sản phẩm, tăng sản phẩm cao cấp thay vì chỉ xuất thô cũng là một cách để phát triển vững chắc. “Có một số công ty đã đầu tư công nghệ, liên kết với nhà máy thức ăn để khai thác hết phụ phẩm liên quan đến con cá như da, mỡ cá chiết xuất ra dầu cá Collagen, xương cá làm thức ăn chăn nuôi… Điều đó nâng cao khả năng cạnh tranh, nâng giá trị sản phẩm và giảm rủi ro cho công ty Việt” - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám khuyến cáo.
Chưa khi nào thiếu cá như hiện nay
Theo ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Hùng Vương, trong vòng 18 năm qua chưa khi nào ngành cá tra gặp khó khăn do thiếu nguyên liệu như hiện nay. Những năm trước cũng có những lúc thiếu nguồn nguyên liệu nhưng chủ yếu là cục bộ một vài thời điểm, sau đó vượt qua. Riêng năm 2016, ngay từ đầu năm đã thiếu cá trong dân, đặc biệt đến tháng 10 tới là nghiêm trọng.
Nguyên nhân của việc thiếu hụt này là do năm 2015, khó khăn về thị trường tiêu thụ nước ngoài khiến giá cá tra xuất khẩu giảm sút. Từ đó kéo theo giá mua cá nguyên liệu từ nông dân cũng phải hạ. Nông dân thấy giá giảm, bị lỗ thì bỏ trống ao không thèm nuôi nữa hoặc chuyển sang nuôi cá lóc, cá rô phi phục vụ thị trường nội địa.
Tuy vậy, giá xuất khẩu cá tra tăng liên tục. Hiện tại cung không đủ cầu. Riêng thị trường Trung Quốc nhập rất nhiều cá tra Việt Nam.
“Chúng tôi có nhà máy chế biến với nguồn cá tự nuôi, bao tiêu lên đến 140.000 tấn. Ngoài ra công ty cũng thu mua cá do nông dân nuôi. Với cá thu mua từ nông dân, Hùng Vương hỗ trợ tín dụng bằng thức ăn cho cá. Nông dân sẽ bán cá cho công ty và công ty cam kết mua cao hơn giá thị trường. Mối liên kết này đã thực hiện nhiều năm, khá vững chắc nên năm 2016, tuy trong ngành cá tra rất thiếu hụt nhưng Hùng Vương cũng đỡ lo hơn” - ông Minh cho hay.