Đế chế chaebol khổng lồ SK Group góp vốn vào Vingroup, Massan, PV Oil và các dự án hóa dầu tỷ đô của Việt Nam lợi hại như thế nào ?

18/05/2019 08:32 AM | Kinh doanh

Ngày 16-5, "đế chế" trị giá hơn 180 tỉ USD SK Group của Hàn Quốc chính thức ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược với Tập đoàn Vingroup, bằng thương vụ đầu tư khoảng 23.300 tỷ đồng (tương đương 1 tỷ USD) mua cổ phiếu VIC. Vậy SK Group "lợi hại" như thế nào ?

Gã khổng lồ trỗi dậy từ hoang tàn chiến cuộc

Sau chiến tranh Triều Tiên (1950 - 1953), Chủ tịch sáng lập của SK là ông Chey Jong-Gun đã khôi phục lại các tòa nhà dệt may Sunkyong bị phá hủy và quyết định thành lập một công ty dệt Sunkyong hoàn toàn mới.

Trải qua gần 70 năm, Sunkyong trỗi dậy thành SK Holdings - một trong những tập đoàn thương mại lớn nhất Hàn Quốc với 111 công ty con. 

SK Holdings hoạt động đa ngành, bao gồm lĩnh vực giải trí (hợp tác cùng ba công ty lớn là SM, YG và JYP), công nghệ viễn thông (SK Telecom), điều chế dược phẩm, khai thác vận chuyển dầu khí, kinh doanh bất động sản, khách sạn và trung tâm thượng mại (Coex Mall đang được điều hành bởi SK).Đáng chú ý, tập đoàn này khá thành công trong các thương vụ M&A tiềm năng. 

Cụ thể, năm 1980, SK Holdings mua lại công ty dầu khí nhà nước Korean Oil. Năm 1994, tập đoàn tiếp tục đặt chân vào lĩnh vực viễn thông với việc tham gia cổ phần hóa công ty viễn thông Korean Mobile Telecommunications và đổi tên thành SK Telecom vào năm 1997, sau đó trở thành công ty viễn thông lớn nhất Hàn Quốc.

Bước sang năm 2012, SK Telecom nắm cổ phần chi phối Hyundai Electronics và đổi tên thành SK Hynix.

Về lĩnh vực dược phẩm, tập đoàn sở hữu nhà máy sản xuất BMS ở Ireland (2017) với công nghệ sản xuất tự động cùng nhà máy hóa chất AMPAC tại Mỹ (2018). Ngoài ra, SK Holdings còn sở hữu hai nhà máy năng lượng là Eureka Midstream (2017) và Brazos Midstream (2018). 

SK còn góp mặt vào cuộc chiến vận tải đang diễn ra khốc liệt khi đầu tư phát triển dịch vụ chia sẻ xe tại Hàn Quốc (Socar), Mỹ (Turo) và Châu Á (Grab).

Ngoài những thành công trên thương trường, SK Group từng đứng bên bờ vực phá sản vì phải đối mặt với hàng loạt các vụ kiện tụng hồi năm 2011, tuy nhiên, công ty đã thoát khỏi tình trạng nguy kịch, doanh thu tăng trưởng trở lại vào năm 2012 và đến nay, đế chế kinh doanh của SK Group trải rộng hơn 40 quốc gia, với doanh thu 132 tỷ USD và tổng tài sản đạt 184 tỷ USD.

Đế chế chaebol khổng lồ SK Group góp vốn vào Vingroup, Massan, PV Oil và các dự án hóa dầu tỷ đô của Việt Nam lợi hại như thế nào ? - Ảnh 1.

Các thương vụ M&A với nhiều doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam đang giúp cho SK Group có lợi thế lớn lao trong cuộc cạnh tranh ở thị trường gần 100 triệu dân.

Tìm cách "bắc cầu đưa lối" vào thị trường Việt Nam hơn 15 năm trước

Từ năm 2003, SK Group đã phát triển mạng di động CDMA (Code Division Multiple Access - đa truy cập phân chia theo mã) với mức giá rẻ mang tên S-Fone tại Việt Nam.

Thương hiệu S-Fone ra đời theo hợp đồng hợp tác kinh doanh giữa đối tác Việt Nam là SPT và SLD Telecom (thuộc SK Telecom). Với tư cách nhà mạng sử dụng công nghệ CDMA đầu tiên của Việt Nam, S-Fone được xem như nhân tố tiên phong trong việc phá vỡ thế độc quyền viễn thông di động của VNPT.

Tuy nhiên, quá trình thương mại hóa mạng CDMA tại Việt Nam diễn ra chậm do gặp nhiều khó khăn về mạng lưới và các thiết bị đầu cuối kém đa dạng, chưa tính đến sự lên ngôi của mạng 3G. Chính vì vậy, S-Fone chính thức dừng hoạt động vào năm 2012.

Thế nhưng thất bại của S-Fone không đặt dấu chấm hết cho SK Group tại Việt Nam. Trên thực tế, tập đoàn này đã đầu tư đa dạng vào nhiều công ty thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau.

Trong lĩnh vực dầu khí – năng lượng, Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) bắt đầu thiết lập quan hệ với SK Energy từ đầu những năm 90 bằng việc nhập khẩu xăng dầu từ Yukong Singapore (tiền thân của SK Energy).

Năm 2007, SK Energy bắt đầu cung cấp dầu diesel cho Petrolimex bằng tàu trọng tải lớn tại vịnh Vân Phong (Khánh Hoà, Việt Nam). Tới năm 2008, SK Energy cung cấp thêm xăng RON 95 và sau đó là RON 92. Mười năm sau, SK Energy trở thành cổ đông lớn thứ hai tại PV Oil với tỷ lệ sở hữu 5,23%.

Cũng trong năm 2018, SK Energy đã trúng gói thầu trị giá hơn 2,7  tỷ USD nhằm xây dựng nhà máy polypropylene và polythylene tại Dự án Hóa dầu Long Sơn thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. 

Ở lĩnh vực FMCG, vào tháng 09/2018, SK Holdings đã đầu tư 470 triệu USD mua lại toàn bộ 109,9 triệu cổ phiếu quỹ của Masan, tương ứng tỷ lệ sở hữu 9,5% vốn cổ phần, trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của Masan.

SK Group thông qua thương vụ với Masan, đã trực tiếp thâm nhập vào một loạt các công ty có liên quan đến Tập đoàn Masan, điển hình như Masan Resources - doanh nghiệp chuyên cung cấp hóa chất từ vonfram (như APT, BTO, YTO) lớn nhất thế giới ngoài Trung Quốc với thị phần 36% sau khi mua lại mỏ Núi Pháo và  Masan Nutri-Science - doanh nghiệp chiếm 35% thị phần thức ăn chăn nuôi cho heo tại Việt Nam;

Như vậy, các thương vụ M&A với nhiều doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam đang giúp cho SK Group có lợi thế lớn lao trong cuộc cạnh tranh ở thị trường gần 100 triệu dân.

Ứng Minh

Cùng chuyên mục
XEM