Đây là sự thật đằng sau thiết kế cụm camera hình tam giác của Apple
Nếu như tai thỏ là đặc điểm nhận diện dễ thấy nhất trên những chiếc iPhone của Apple trong nhiều năm trở lại đây, thì cụm camera sau hình tam giác cũng là một nét đặc trưng của riêng Apple.
Tuy nhiên, Apple không chỉ thiết kế cụm camera sau để nhận diện hay vì tính thẩm mỹ. Đằng sau thiết kế cụm camera tam giác của Apple còn có một chức năng quan trọng hơn, hướng tới trải nghiệm của người dùng.
Sự thật đằng sau thiết kế cụm camera hình tam giác của Apple
iPhone 13 Pro được trang bị cảm biến camera lớn hơn, nhưng đó không phải là lý do Apple thiết kế cụm camera sau theo hình tam giác. Apple đã sử dụng thiết kế này kể từ iPhone 11 Pro ra mắt năm 2019. Khi đó, Apple hoàn toàn có thể đặt các cảm biến theo chiều dọc giống như Huawei P30 Pro, hay theo chiều ngang như Samsung Galaxy S10.
Về mặt kỹ thuật, không gian còn lại bên trong khung máy vẫn giống nhau, chỉ là cách sắp xếp các linh kiện sẽ khác nhau. Nhưng Apple lại quyết định xếp các cảm biến của mình theo hình tam giác, hóa ra lý do không phải là vì tính thẩm mỹ hay để khác biệt.
Nếu đã trải nghiệm tính năng chụp ảnh trên iPhone 12 Pro hay iPhone 13 Pro, bạn sẽ nhận ra một điều. Đó là khả năng chuyển đổi rất mượt mà giữa các ống kính camera thường, camera góc siêu rộng và camera tele.
Chuyển đổi giữa các ống kính trên iPhone 13 Pro.
Điều này sẽ không thể xảy ra nếu như Apple thiết kế các cảm biến của mình theo hàng dọc hay hàng ngang. Có một sự thật dễ nhận thấy, đó là khoảng cách giữa các cảm biến theo hình tam giác sẽ là giống nhau và ngắn nhất, nếu so với việc sắp xếp thành hàng dọc hoặc hàng ngang.
Với thiết kế theo hình tam giác, khi bạn chuyển đổi sang bất kỳ ống kính nào thì sự thay đổi về bố cục sẽ là nhỏ nhất. Khoảng cách giữa các ống kính là tối thiểu và tất cả đều giống nhau, sự chuyển đổi giữa các ống kính cũng trở nên mượt mà nhất.
Bằng chứng là có thể thấy sự khác biệt trên Google Pixel 6
Pixel 6 Pro mới ra mắt của Google cũng sử dụng 3 camera sau, với cảm biến chính, camera góc siêu rộng và camera tele 4x. Tuy nhiên Google thiết kế cụm camera của mình theo chiều ngang và có vẻ ngoài rất ấn tượng. Nhưng có thể Google đã không để ý đến trải nghiệm của người dùng khi chụp ảnh và chuyển đổi giữa các ống kính.
Chuyển đổi giữa các ống kính trên Google Pixel 6 Pro.
Camera chính của Pixel 6 Pro nằm ở ngoài cùng bên trái, còn camera tele 4x nằm ở ngoài cùng bên phải. Do đó, khi chuyển đổi giữa camera 1x thông thường và chế độ zoom 4x, bạn sẽ nhận thấy bố cục của khung hình bị thay đổi một chút. Không chỉ vậy, quá trình chuyển đổi giữa hai ống kính cũng không được mượt và có khựng lại đôi chút.
Samsung cũng có thiết kế camera sau rất thông minh
Galaxy S21 Ultra có tới 4 camera sau, nhưng cách sắp xếp lại rất thông minh để giúp nâng cao trải nghiệm của người dùng, và có gì đó giống với cách thiết kế của Apple.
Với việc có tới 4 camera sau, nếu sắp xếp cùng trên một đường thẳng theo hàng dọc hoặc hàng ngang, thì sự thay đổi sẽ là rất lớn khi chuyển đổi giữa các ống kính. Với 4 camera, Samsung cũng không thể thiết kế thành hình tam giác giống như Apple.
Tuy nhiên, Samsung đã tìm thấy điểm trung gian. Đó là đặt cụm camera chính, camera tele 3x và camera tele 10x thành một hình tam giác, còn camera góc siêu rộng được đặt ở phía trên. Nó giống như hai hình tam giác kết hợp với nhau.
Chuyển đổi giữa các ống kính trên Galaxy S21 Ultra.
Nhờ vậy mà khi chuyển đổi giữa camera 0,5x đến 1x rồi 3x và 10x, cũng sẽ giống như việc chuyển đổi giữa camera 0,5x đến 3x hoặc 1x đến 10x. Sự thay đổi lớn nhất có lẽ chỉ là từ camera góc siêu rộng đến camera tele 10x. Còn lại thì sự chuyển đổi sẽ vẫn rất mượt và không làm thay đổi nhiều bố cục hình ảnh.