Đây là sáng kiến cải cách môi trường kinh doanh của Việt Nam đang được nhiều nước trên thế giới học hỏi

14/03/2017 13:09 PM | Kinh tế vĩ mô

Đích đến của PCI không phải là bảng xếp hạng mà là dư địa cải cách, chia sẻ lan toả những tín hiệu tốt của địa phương.

Trong buổi phát biểu sáng nay tại buổi công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2016, ông Vũ Tiến Lộc, chủ tịch phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) tự hào chia sẻ rằng đã xuất khẩu thành công chỉ số PCI ra 10 nước trên thế giới. Ông Lộc cho biết PCI là sáng kiến của Việt Nam, là công việc của Việt Nam nhưng được sự hỗ trợ, giúp đỡ không nhỏ của các tổ chức quốc tế như Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ USAID, đưa PCI tới chuẩn mực quốc tế.

Vậy chỉ số PCI là gì? PCI (Provincial Competitiveness Index) được xây dựng nhằm đánh giá môi trường cạnh tranh, chất lượng điều hành kinh tế và nỗ lực cải cách hành chính của chính quyền các tỉnh, thành phố của Việt Nam, qua đó thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân trong nước. Chỉ số PCI được thực hiện từ năm 2005.

Và báo cáo PCI đại diện cho tập hợp tiếng nói cộng đồng doanh nghiệp dân doanh về chất lượng điều hành kinh tế của 63 tỉnh, thành phố Việt Nam. Hay như cách mà ông Lộc giải thích, PCI chỉ là người ghi chép, người kể lại câu chuyện. Sau 12 năm thực hiện, PCI từ là bộ chỉ số chỉ mang tính khuyến khích tự nguyện về cải cách địa phương thì đến nay đã là tiêu chí bắt buộc trong nghị quyết của Chính phủ.

PCI đo lường gì? Chỉ số PCI gồm 10 chỉ số thành phần, phản ánh các lĩnh vực điều hành kinh tế có tác động đến sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân. Một địa phương được coi là có chất lượng điều hành tốt khi có:

1) Chi phí gia nhập thị trường thấp;

2) Tiếp cận đất đai dễ dàng và sử dụng đất ổn định;

3) Môi trường kinh doanh minh bạch và thông tin kinh doanh công khai;

4) Chi phí không chính thức thấp;

5) Thời gian thanh tra, kiểm tra và thực hiện các quy định, thủ tục hành chính nhanh chóng;

6) Môi trường cạnh tranh bình đẳng;

7) Chính quyền năng động, sáng tạo trong giải quyết vấn đề trong doanh nghiệp;

8) Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, chất lượng cao;

9) Chính sách đào tạo lao động tốt;

10) Thủ tục giải quyết tranh chấp công bằng, hiệu quả.

Đây là sáng kiến cải cách môi trường kinh doanh của Việt Nam đang được nhiều nước trên thế giới học hỏi - Ảnh 1.

Qua 12 năm thực hiện, ông Lộc cho rằng hiện Dàn đồng ca cải cách PCI đã đồng điệu hơn. Đích đến của PCI không phải là bảng xếp hạng mà là dư địa cải cách, chia sẻ lan toả những tín hiệu tốt của địa phương.

Với định hướng này VCCI luôn đóng vai trò kể chuyện: Nụ cười công chức của Đà Nẵng, Cà phê doanh nhân của Đồng Tháp, Tuyên Quang, Bác sĩ doanh nghiệp của Bắc Ninh hay Ngày doanh nghiệp thứ 6 mỗi tuần ở Cần Thơ. Trong ngày thứ 6 này, các sở ban ngành của Cần Thơ không họp mà dành thời gian lắng nghe, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Người đứng đầu VCCI hy vọng có 1001 câu chuyện rất thực để thúc đẩy cải cách môi trường kinh doanh ở các địa phương.

Về kết quả năm 2016, Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI nhìn tổng thể, bảng xếp hạng năm nay có nhiều diễn biến thú vị. Nhóm 5 tỉnh đứng đầu trong bảng xếp hạng PCI 2016 lần lượt là Đà Nẵng (70 điểm), Quảng Ninh (65,60 điểm), Đồng Tháp (64,96 điểm), Bình Dương (63,57 điểm) và Lào Cai (62,76 điểm).

Thảo Nguyên

Cùng chuyên mục
XEM