Đây là "hầm trú ẩn" được các nhà đầu tư tìm đến sau khi thua lỗ nặng vì cổ phiếu

20/10/2022 20:30 PM | Xã hội

Khoảng 140 tỷ USD đã được rót vào các quỹ thị trường tiền tệ do nhà đầu tư muốn tạm thời đứng ngoài thị trường.

Sau những tháng ngày tồi tệ với cơn bán tháo bao trùm thị trường chứng khoán toàn cầu suốt từ đầu năm đến nay, khiến hàng nghìn tỷ USD vốn hóa bốc hơi nhanh chóng, các nhà đầu tư nhỏ lẻ buộc phải có cái nhìn hoàn toàn khác với các tài sản rủi ro và đang quay sang tích trữ tiền mặt.

Theo số liệu từ Investment Company Institute, kể từ đầu năm đến nay, gần 140 tỷ USD đã được rót vào các quỹ thị trường tiền tệ (money market funds). Sau 10 tuần liên tục đón nhận dòng vốn ồ ạt, hiện tổng tài sản mà các quỹ này đang nắm giữ đã lên tới 1.550 tỷ USD. Chỉ riêng 3 tuần gần nhất các quỹ đã hút được tổng cộng gần 36 tỷ USD.

Trong khi đó cơn bán tháo kéo dài và đầy biến động bao phủ thị trường chứng khoán Mỹ đã khiến các công ty đại chúng mất tổng cộng gần 15.000 tỷ USD giá trị vốn hóa. Tháng 9, chỉ số S&P 500 chốt lại chuỗi các quý giảm điểm dài nhất kể từ khủng hoảng tài chính 2008.

Nguyên nhân khiến chứng khoán Mỹ chao đảo là do lạm phát và chi phí đi vay tăng cao giữa lúc Cục dự trữ liên bang (Fed) đổi hướng sang thắt chặt chính sách tiền tệ. Những yếu tố này đè nặng lên tâm lý của nhà đầu tư cũng như người tiêu dùng. Và giờ thì ngày càng có nhiều chuyên gia kinh tế dự báo suy thoái sẽ ập đến ngay trong năm 2023.

“Năm nay ai cũng thua lỗ, đây thực sự là môi trường mà bạn sẽ cảm thấy mình không muốn thử nhúng chân xuống nước”, Joe D’Angelo, người đang điều hành quỹ PGIM Fixed Income nói.

Kể từ khi Fed bắt đầu tăng lãi suất vào tháng 3, tỷ suất lợi nhuận của các quỹ thị trường tiền tệ đã tăng lên đều đặn. Điều này ngay lập tức thu hút các nhà đầu tư nhỏ lẻ, đặc biệt khi mà lãi suất tiền gửi tiết kiệm tại các ngân hàng lớn như JPMorgan Chase và Bank of America gần như bằng 0.

Quỹ thị trường tiền tệ 240 tỷ USD của Fidelity hiện có lợi suất đạt gần 2,6%, trong khi quỹ quy mô 218 tỷ USD của Vanguard cũng có lợi suất tăng lên mức gần 2,83% trong tháng này.

Chỉ số gồm 100 quỹ thị trường tiền tệ lớn nhất ở Mỹ do Crande Data thống kê cho thấy lợi suất của các quỹ đã tăng từ con số khiêm tốn 0,02% ở thời điểm đầu năm lên mức 2,77% ở thời điểm hiện tại.

Không chỉ nhà đầu tư cá nhân, các quỹ quản lý tài sản lớn cũng đang muốn đứng ngoài thị trường và chờ đợi những điều tồi tệ qua đi. Khảo sát mới nhất do Bank of America thực hiện cho thấy trong tháng 10 tỷ trọng tiền mặt trong danh mục của các nhà quản lý quỹ lên tới 6,3% - cao nhất kể từ tháng 4/2001.

Tuy nhiên kể cả khi nhiều người coi tiền mặt là hầm trú ẩn an toàn, bản thân các quỹ thị trường tiền tệ vẫn bị rút 87,4 tỷ USD kể từ khi Fed bắt đầu tăng lãi suất. Tổng cộng kể từ đầu năm đến nay họ bị rút 250 tỷ USD.

Một phần nguyên nhân là do các công ty bắt đầu dùng đến lượng tiền mặt đã tích trữ được để ứng phó với đại dịch. Tháng trước, các chuyên gia phân tích tại Goldman Sachs cảnh báo lượng tiền mặt tại các công ty (cả những công ty bluechip và các công ty có mức xếp hạng đầu tư thấp hơn và do đó sẽ rủi ro hơn) đang quay trở lại với mức trước dịch.

“Các doanh nghiệp dùng tiền để trả nợ, tái đầu tư và với lạm phát tăng cao thì mọi thứ đều trở nên đắt đỏ hơn”, Matt Jones, chuyên gia của Western Asset Management nhận định. “Chi phí vận hành 1 doanh nghiệp đã tăng lên đáng kể”.

Tuy nhiên tiền bị rút ra không phải là dấu hiệu cho thấy các công ty giảm hứng thú với tiền mặt. Thay vào đó, có 1 cuộc cạnh tranh từ cả tổ chức tài chính phi ngân hàng đang áp dụng mức lãi suất cao để thu hút tiền gửi. Một số lãnh đạo doanh nghiệp thì lựa chọn tự quản lý tiền mặt của mình.

“Chúng tôi thấy nhiều khách hàng tự đầu tư thay vì qua các quỹ, một số người tìm đến những công cụ đầu tư ngắn hạn như thương phiếu, trái phiếu hoặc chứng chỉ tiền gửi”, giám đốc đầu tư John Tobin của quỹ Dreyfus.

Tobin cho biết không phải lúc nào chiến lược này cũng mang lại hiệu quả cho nhà đầu tư, đặc biệt khi Fed tăng lãi suất nhanh hơn so với dự đoán. Fed đã tăng lãi suất 0,75% 3 lần liên tiếp, hiện lãi suất đã ở trong mức 3 – 3,25%.

Về phần mình, các quỹ thị trường tiền tệ đã chuyển sang các khoản đầu tư ngắn hạn từ đầu năm. Nhiều quỹ tìm đến hợp đồng repo đảo ngược qua đêm của Fed – loại tài sản mà chỉ một vài ngân hàng và quỹ đầu tư có thể tiếp cận. Với loại hình này, các quỹ sẽ tận dụng được mức lãi suất cao ngay sau khi NHTW tăng lãi suất.

Nhu cầu tiền mặt sẽ phụ thuộc rất lớn vào chính sách của Fed và mức độ biến động của thị trường tài chính. Một số lưu ý rằng khi Fed quyết định kiểm soát lạm phát chặt hơn thì sức hấp dẫn của tiền mặt sẽ giảm xuống.

Lâu nay các quỹ thị trường tiền tệ vốn không được ưa chuộng, nhưng các nhà quản lý đang tự hỏi liệu sức hút của chúng có thể kéo dài hay không, theo John Croke, nhà quản lý tại Vanguard. “Nếu lạm phát vẫn cao thì lãi suất sẽ tiếp tục tăng và các quỹ thị trường tiền tệ vẫn còn hấp dẫn”, ông nói.

Tham khảo Financial Times

Theo Thu Hương

Cùng chuyên mục
XEM