Đây là cách người Ấn Độ sản sinh ra đội ngũ nhân lực IT đông đảo nhất thế giới

19/04/2017 12:42 PM | Xã hội

Các khóa học do các nhà cung cấp phần mềm tổ chức vẫn có nhưng có giá lên đến 357.000 rupee (~5.765 USD). Học phí ở các trung tâm không chính thức tại Ameerpet thường là dưới 25.000 rupee cho các khóa học kéo dài từ 3-6 tháng.

Vào buổi sáng, các giảng đường đại học phải mất một lúc mới trở nên đông đúc. Trái ngược với quang cảnh đó là Ameerpet, một khu vực nhỏ ở Hyderabad, nay đã trở thành thủ phủ đại học không chính thức của Ấn Độ.

Từ lúc 7:30 sáng, nơi này đã rất náo nhiệt khi hơn 500 "lò luyện" mở cửa để đón hơn 100.000 học viên muốn nâng cao trình độ IT của mình. Các bảng hiệu cắm đầy khắp nơi, nhấp nháy đèn huỳnh quang, hứa hẹn về đủ mọi kỹ năng IT từ sửa lỗi các server của Oracle cho đến sử dụng thành thạo code Java để làm việc với điện toán đám mây của Microsoft.

Chuyên môn trong ngành IT nhanh chóng trở nên lỗi thời khi các hệ thống hoặc phần mềm được nâng cấp. Các công ty chuyên về dịch vụ thuê ngoài lớn của Ấn Độ như Infosys và Wipro phải tốn rất nhiều công sức tiền của để giúp cho nhân viên liên tục cập nhật kiến thức và kỹ năng.

Nhưng những ai muốn thay đổi hướng đi trên con đường sự nghiệp của mình vẫn cần có sự nâng cấp nhanh hơn đối với bản thân họ. Các khóa học do các nhà cung cấp phần mềm tổ chức vẫn có nhưng có giá lên đến 357.000 rupee (~5.765 USD). Học phí ở các trung tâm không chính thức tại Ameerpet thường là dưới 25.000 rupee cho các khóa học kéo dài từ 3-6 tháng.

Những cơ sở có uy tín nhất ở Ameerpet cũng có dáng dấp của các chương trình MBA. Tuy nhiên học viên của các khóa học "hot" ở đây vẫn phải ngồi trong những lớp học tồi tàn với ghế nhựa. Chi phí thấp một phần là nhờ sử dụng phần mềm lậu vì tiền bản quyền rất đắt. Đôi khi cũng có một đợt kiểm tra truy quét, và các server phải bị xóa sạch, nhưng người ta nhanh chóng cài lại các phần mềm. Rốt cuộc thì đây cũng chính là những việc mà các học viên phải làm, nếu họ kiếm được việc làm.

[A TÙNG] Đây là cách người Ấn Độ sản sinh ra đội ngũ nhân lực IT đông đảo nhất thế giới - Ảnh 1.

Mục đích của Ameerpet là trong thời gian cực ngắn dạy các kỹ năng có khả năng mang lại cho học viên mức lương cao. Nhiều giảng viên cũng đang làm thêm, bên cạnh công việc chính của mình ở các công ty công nghệ. Trong lớp học họ sử dụng các dự án có đặc điểm như thật. Tài liệu học tập thường xuyên được cập nhật để đáp ứng nhu cầu của các công ty IT hàng đầu trên khắp Ấn Độ.

"Ở Đại học, bạn được nhận một tấm bằng. Ở Ameerpet, bạn nhận được kiến thức thật sự", một nghiên cứu viên tại Đại học Bristol (Anh Quốc) tên là Narasimham Peri, cho biết.

Ameerpet thành công là do nó lấp đầy được khoảng trống giữa phạm vi bao phủ toàn cầu của nền IT ở Ấn Độ với nền giáo dục nghèo nàn mà họ nhận được (ngoài những trường kỹ thuật top đầu). Theo báo cáo của chính phủ Ấn Độ vào tháng 3/2017, 3/5 sinh viên kỹ thuật khi ra trường thiếu kiến thức để làm việc. Hơn một nửa trong số khoảng 3300 trường kỹ thuật không đủ tiêu chuẩn.

Nasscom, một nhóm vận động cho ngành IT, ước tính rằng chỉ 3/10 giảng viên đủ khả năng giảng dạy. Các cơ sở giáo dục uy tín do chính phủ quản lý thường khá dè dặt khi mở rộng phạm vi đào tạo và tin rằng chất lượng sẽ được chắt lọc nhờ thắt chặt nguồn cung. Và theo Mohandas Pai, một cựu giám đốc ở Infosys, thì "điều đó thật tồi tệ".

[A TÙNG] Đây là cách người Ấn Độ sản sinh ra đội ngũ nhân lực IT đông đảo nhất thế giới - Ảnh 2.

Các tác vụ IT cơ bản được thực hiện bởi những học viên ở Ameerpet, về lâu về dài, có thể dần dần được giao cho máy móc. Tình hình tuyển dụng nhân lực trong ngành IT đang ở mức thấp nhất trong 10 năm gần đây và một số công ty còn phải sa thải nhân viên. Nhưng theo Suresh Golla – một chủ cơ sở đào tạo ở Ameerpet – thì nơi này vẫn sẽ tồn tại. Golla bắt đầu post các bài giảng trên mạng để thu hút thêm học viên nước ngoài, những người sẵn sàng trả nhiều tiền hơn người Ấn Độ. Và vẫn có nhiều người Ấn Độ mong muốn có được một sự nghiệp mà chất lượng giáo dục chính thức cho rằng họ không thể đạt được.

Đinh Vân

Cùng chuyên mục
XEM