Đầu tư vào khu công nghiệp TP Hồ Chí Minh tăng gấp hơn 2 lần
Để thu hút đầu tư, Ban quản lý Các khu chế xuất, khu công nghiệp TP đã tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ, cũng như đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính.
Ngày 12/4, Ban quản lý Các khu chế xuất, khu công nghiệp TP Hồ Chí Minh (HEPZA) cho biết tổng vốn đầu tư thu hút kể cả cấp mới và điều chỉnh quý I vừa qua đạt 191,93 triệu USD, đạt 34,90% kế hoạch năm, tăng 112,12% so với cùng kỳ năm ngoái (90,48 triệu USD).
Diện tích đất cho thuê đạt 0,81ha; diện tích nhà xưởng cho thuê đạt 6.634m2.
Trong số đó, tổng vốn đầu tư nước ngoài thu hút đạt 176,7 triệu USD, tăng 3,6 lần so với cùng kỳ năm ngoái (49,14 triệu USD); thu hút đầu tư trong nước đạt 352,42 tỷ đồng (tương đương 15,23 triệu USD), giảm 63,15% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng Ban quản lý Các khu chế xuất, khu công nghiệp TP Hồ Chí Minh, 3 tháng đầu năm, doanh nghiệp trong khu chế xuất, khu công nghiệp hoạt động ổn định, nhiều doanh nghiệp trước đây gặp khó khăn nay có đơn hàng trở lại.
Kim ngạch xuất khẩu quý I vừa qua của khu chế xuất, khu công nghiệp ước đạt 2,17 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái; lao động làm việc khoảng 277.000 người, tăng 10% so với cuối năm ngoái.
Để thu hút đầu tư mạnh mẽ vào các khu chế xuất, khu công nghiệp, Ban quản lý Các khu chế xuất, khu công nghiệp TP Hồ Chí Minh sẽ tập trung thực hiện đề án Định hướng phát triển các khu chế xuất, khu công nghiệp TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2023-2030 và tầm nhìn đến năm 2045; dự án Khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ chương trình khu công nghiệp sinh thái toàn cầu tại Khu công nghiệp Hiệp Phước; tập trung triển khai lập Đồ án quy hoạch phân khu 1/2000 Khu công nghiệp Phạm Văn Hai I và II.
Đồng thời, đơn vị tham mưu Ủy ban Nhân dân Thành phố ban hành Quy chế thu và sử dụng tiền duy tu, tái tạo cơ sở hạ tầng các Khu chế xuất, Khu công nghiệp TP Hồ Chí Minh trên cơ sở Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh.