Đầu tư góp vốn nhận đất biệt thự với Tập đoàn Nam Cường, 10 năm sau khách “mất đất”
Sau hơn 10 năm tham gia góp vốn với Tập đoàn Nam Cường để xây dựng cơ sở hạ tầng khu đô thị Dương Nội, khách hàng bỗng dưng..."mất đất".
Trong biên bản thoả thuận góp vốn đầu tư đã ký với Công ty TNHH – Tập đoàn Nam Cường, ông Phạm Việt Thịnh sẽ phải nộp 1.458.000.0000 đồng để đổi lại một lô đất biệt thự tại Khu đô thị Dương Nội. Thế nhưng, hơn 10 năm sau, Tập đoàn Nam Cường lại đơn phương chấm dứt hợp đồng với vị khách hàng này.
Lĩnh vực hoạt động chủ yếu của Tập đoàn Nam Cường là bất động sản (Ảnh: Internet)
Hơn 10 năm góp vốn bỗng… “mất đất”
Theo đơn phản ánh gửi đến các cơ quan chức năng, ông Phạm Việt Thịnh có địa chỉ thường trú tại Hà Đông, Hà Nội cho biết, năm 2008, ông có nộp vào Công ty CP Tập đoàn Nam Cường số tiền là 1.458.000.0000 để thực hiện theo đúng cam kết đã thoả thuận trong biên bản thoả thuận góp vốn đầu tư đã ký với Công ty TNHH – Tập đoàn Nam Cường.
Theo nội dung thoả thuận góp vốn đã ký thì Tập đoàn Nam Cường sẽ nhận số tiền 1.458.000.000 đồng của ông Thịnh để xây dựng cơ sở hạ tầng tại Khu đô thị mới Dương Nội – thành phố Hà Đông – tỉnh Hà Tây (nay là thành phố Hà Nội). Đổi lại ông Thịnh sẽ được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng 1 ô đất ở biệt thự có ký hiệu A01- L50 (diện tích 180m2) tại khu đô thị mới Dương Nội với mức giá là 8.100.000 đồng/m2.
Tuy nhiên theo ông Thịnh, “từ đó đến nay, tôi thường xuyên đôn đốc, thúc giục Tập đoàn Nam Cường sớm bàn giao đất và Giấy chứng nhận quyền Sử dụng đất của ô biệt thự trên nhưng Tập đoàn Nam Cường không thực hiện bàn giao đất”.
Đến tháng 2/2021, ông Thịnh nhận được Thông báo số 02/3030/TB/A0150 của Tập đoàn Nam Cường về việc thanh lý biên bản thoả thuận góp vốn đầu tư căn A01-L50 khu đô thị mới Dương Nội.
Ông Thịnh cho rằng: “Như vậy, Tập đoàn Nam Cường đã đơn phương chấm dứt hợp đồng, không thực hiện đúng biên bản thoả thuận đã ký kết, đơn phương chấm dứt thoả thuận không thông qua thương lượng là hành vi vi phạm pháp luật gây thiệt hại đến tài sản của tôi và có dấu hiệu lừa đảo để chiếm dụng vốn hơn 10 năm nay nhằm trục lợi bất chính”.
Thông báo số 02/3030/TB/A0150 của Tập đoàn Nam Cường gửi cho ông Thịnh ghi rõ về lý do thanh lý hợp đồng. Cụ thể, thông báo ghi, biên bản thoả thuận góp vốn đầu tư được ký kết từ năm 2008, có thời gian thực hiện kéo dài. Hiện tại, do các quy định hạn chế của pháp luật về việc phân lô bán nền, do vậy, căn cứ Điều 422 Bộ Luật dân sự 2015, Công ty CP Tập đoàn Nam Cường xin thông báo chấm dứt Biên bản thoả thuận góp vốn với Quy khách hàng kể từ ngày 5/2/2021.
Cũng trong thông báo, Tập đoàn Nam Cường mời ông Phạm Việt Thịnh đến trụ sở của Tập đoàn Nam Cường để làm thủ thục thanh lý Biên bản thoả thuận góp vốn và nhận lại số tiền đã góp vốn là 1.458.000.000 đồng.
Hàng loạt những dấu hỏi
Như vậy, sau hơn 10 năm góp vốn, thay vì lô đất biệt thự 180m2 như thỏa thuận ban đầu, ông Phạm Việt Thịnh chỉ nhận lại được khoản tiền đúng bằng với số tiền mà ông đã tham giá góp vốn vào xây dựng cơ sở hạ tầng Khu đô thị Nam Cường từ 10 năm trước.
Rất nhiều dấu hỏi cần phải đặt ra trong trường hợp này:
Một, tại sao hơn 10 năm trôi qua, đến tháng 2/2021, Tập đoàn Nam Cường mới phát đi thông báo thanh lý thoả thuận góp vốn? Cần phải nhắc lại, Khu đô thị Dương Nội tổng diện tích quy hoạch 197,3ha bắt đầu khởi công xây dựng từ năm 2008. Đây là dự án bao gồm nhiều khu như liền kề, biệt thự…
Đến thời điểm hiện tại, theo khảo sát PV, về cơ bản, khu đô thị Dương Nội đã hoàn thiện và bàn giao các căn biệt thự cho khách sở hữu. Một số khu phố trong khu đô thị Dương Nội đã có người dân về ở, buôn bán, kinh doanh. Điều này có nghĩa khu đô thị Dương Nội vẫn được đầu tư phát triển… chỉ có hợp đồng góp vốn của khách hàng bị quên lãng hơn 1 thập kỷ.
Hai, theo quy định của pháp luật, quy hoạch của dự án cần phải được phê duyệt từ trước. Như vậy, năm 2008 trong biên bản thoả thuận góp vốn thì việc ông Phạm Việt Thịnh được chuyển nhượng lô biệt thự trong khu đô thị có nghĩa lô biệt thự này nằm trong quy hoạch, được chấp thuận. Tại sao đến nay, lý do chấm dứt hợp đồng của Nam Cường lại là do các quy định hạn chế của pháp luật về việc phân lô bán nền?
Có phải do Tập đoàn Nam Cường đã liên tục điều chỉnh quy hoạch nên dẫn tới vấn đề lô đất biệt thự đã không được “nằm trong quy hoạch” từ đầu? Nếu dẫn quy định về hạn chế phân lô bán nền từ năm 2015 thì tại sao 5 năm sau, Nam Cường mới đưa ra thông báo? Hay Tập đoàn Nam Cường phải mất 5 năm để “đợi chờ” xem có tiếp tục được “lách luật” phân lô bán nền hay không rồi mới ra quyết định thông báo tới khách hàng?
Mặt khác, cần phải nhìn vào thực tế rằng, giá đất tại Khu đô thị Dương Nội sau 10 năm đã có nhiều thay đổi. Nếu 10 năm trước, ở thời điểm ông Thịnh góp vốn đầu tư, giá đất biệt thự là 8.100.000 đồng/m2 thì đến nay con số này đã tăng gấp nhiều lần. Xét trên góc độ đầu tư, số tiền 1.458.000.000 đồng 10 năm trước của ông Thịnh sẽ sinh lời bao nhiêu sau 10 năm? Nhưng điều đáng tiếc, ông Thịnh đã bị đơn phương chấm dứt hợp đồng và chỉ được nhận một phương án: nhận bằng số tiền hơn 10 năm trước, không có bất kỳ một khoản lãi hay phương án bồi thường khác.
Luật sư nói gì?
Khi tiếp cận thông tin vụ việc, một luật sư đã phải cho rằng: “Tập đoàn Nam Cường làm ẩu quá!” Với hồ sơ hiện tại, vị luật sự này nhận định: “Tôi không rõ quá trình thực hiện dự án. Rõ ràng, Nam Cường đẩy toàn bộ rủi ro về phía khách hàng là không phù hợp. Khi có sự thay đổi về quy định pháp luật (không cho phép góp vốn và được phân chia lợi nhuận bằng quyền sử dụng đất) thì dưới góc độ của chủ đầu tư cần tiến hành thương thảo với khách hàng để ký kết Hợp đồng mới phù hợp với quy định của pháp luật ở thời điểm hiện tại. Không thể lấy lý do thay đổi pháp luật để đơn phương chấm dứt hợp đồng”.
“Hơn nữa, khi đơn phương chấm dứt hợp đồng thì phải hoàn lại số tiền bên kia đã góp, tiền lãi suất phát sinh, khoản lợi nhuận bên kia đáng lẽ được hưởng nếu chấm dứt” – vị luật sư này nói.
Cũng chung quan điểm đó, luật sư Trần Đức Phượng cho rằng, theo Nghị định 71, từ năm 2010 trở về trước, khách hàng được phép góp vốn để nhận sản phẩm (ở đây là đất biệt thự). Quy định này phù hợp với trình độ phát triển của thị trường bất động sản Việt Nam thời điểm đó. Hợp đồng này có hiệu lực.
Luật sư Phượng phân tích thêm, đến năm 2021, công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng thiếu căn cứ. Đúng lý, nếu chấm dứt hợp đồng cần căn cứ vào các thông tin trách nghiệm nghĩa vụ của 2 bên trong trường hợp này.
Mặt khác, luật sư Phượng cho rằng, việc kéo dài hợp đồng hơn 10 năm sẽ đẩy khách hàng vào rủi ro lớn. Trong trường hợp này, khách hàng có quyền yêu cầu chủ đầu tư phải tiếp tục thực hiện hợp đồng. Khách hàng hoàn toàn có quyền yêu cầu chủ đầu tư phải chuyển nhượng lại sản phẩm (lô biệt thự - PV) như trong thoả thuận ban đầu.
Đơn phương chấm dứt hợp đồng với một khách hàng từng tham gia góp đồng vốn để xây dựng khu đô thị Dương Nội bằng phương thức bỏ qua thoả thuận với khách hàng, Tập đoàn Nam Cường đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận. Một Tập đoàn được quảng cáo là: "Với hơn 30 năm xây dựng và phát triển, Tập đoàn Nam Cường đã khẳng định là nhà đầu tư và phát triển chuyên nghiệp trong các lĩnh vực quy hoạch đô thị, đầu tư bất động sản và du lịch nghỉ dưỡng” nhưng câu chuyện thoả thuận với khách hàng còn nhiều vướng mắc có lẽ cần phải nhìn nhận lại về sự "uy tín" và "chuyên nghiệp" của doanh nghiệp này?
KĐT Dương Nội và tai tiếng
KĐT Dương Nội (Hà Đông, Hà Nội) là dự án thuộc Công ty CP Tập đoàn Nam Cường (Tập đoàn Nam Cường) được UBND tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội) phê duyệt năm 2007. Năm 2008, Nam Cường đã rốt ráo triển khai xây dựng trên quỹ đất 197ha (đất đối ứng từ dự án đường phía Bắc Hà Đông theo hình thức BT). Thời điểm đó, Nam Cường tuyên bố sẽ rót vốn khoảng 7.600 tỷ đồng để biến vùng đất trũng hoang sơ này thành khu đô thị hiện đại dành cho 2,5 - 3 vạn dân, với nhiều toà chung cư cao tầng, biệt thự, nhà liền kề, bệnh viện, trường học…
Tuy nhiên dự án này từng dính tai tiếng khi liên tục điều chỉnh quy hoạch khiến số lượng biệt thự vượt quá số lượng đã quy hoạch ban đầu.
Những lùm xùm của Tập đoàn Nam Cường
Hơn 30 năm xây dựng và phát triển, cùng với nhiều khu đô thị mọc lên, Tập đoàn Nam Cường cũng từng dính phải không ít lùm xùm.
Trước đó, TP. Hà Nội vừa có báo cáo về tình hình quản lý các dự án vốn ngoài ngân sách sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn. Hàng loạt dự án của Tập đoàn Nam Cường như KĐT Chương Mỹ, xây dựng đường giao thông, khớp nối hạ tầng kỹ thuật KĐT Cổ Nhuế đang "đắp chiếu", xanh cỏ…
Nhiều sai phạm trước đó của Tập đoàn Nam Cường đã từng được cơ quan chức năng "sờ gáy". Cụ thể là dự án BT đường Lê Văn Lương kéo dài từng dính lùm xùm về "đội vốn" đầu tư lên tới 1.000 tỷ đồng, vượt gấp 43% tổng mức đầu tư ban đầu. Chi phí xây dựng mỗi km đường này lên tới 200 tỷ đồng, tương đương hơn 12 triệu USD/km đường, được cho là rất đắt đỏ ở thời điểm năm 2008.
Cuối năm 2018, Kiểm toán Nhà nước đã đưa dự án khu đô thị Dương Nội và Handico vào kế hoạch kiểm toán để làm rõ các vấn đề đầu tư, tài chính.
Trước đó, Hà Nội cũng kiểm tra, hậu kiểm và xử lý theo pháp luật với dự án Xây dựng đường trục phát triển kinh tế xã hội Bắc Nam đoạn qua Thạch Thất. Quyết định thu hồi khu đô thị Quốc Oai, huyện Quốc Oai. Đồng thời kiến nghị ra hạn 24 tháng, nộp nghĩa vụ tài chính đối với dự án Bệnh viện Quốc tế 500 giường tại Dương Nội do Nam Cường làm chủ đầu tư...
Không chỉ ở Hà Nội, Tập đoàn Nam Cường triển khai nhiều khu đô thị tại các tỉnh thành. Cụ thể, khu đô thị mới phía Tây TP. Hải Dương, khu đô thị mới Mỹ Trung tại tỉnh Nam Định... Các dự án này cũng vướng phải những lùm xùm trong một thời gian dài.
Khu đô thị mới phía Tây Hải Dương của Tập đoàn Nam Cường từng bị Thanh tra Chính phủ chỉ ra sai phạm nợ đọng tiền sử dụng đất khi chuyển đổi từ đất du lịch sinh thái thuộc khu đất Đảo Ngọc sang đất ở.
Khu đô thị Mỹ Trung tại Nam Định cũng bị bỏ hoang, cỏ mọc cao giữa những công trình xây dựng dang dở. Nhiều lô đất trở thành nơi tập kết rác, các công trình công cộng xây dựng đã xuống cấp.