Đầu tháng 9, mỗi tuần TP. HCM có thể nhận 500.000 liều vaccine Covid-19 của Mỹ nếu đàm phán nhanh

26/08/2021 18:45 PM | Xã hội

Ngày 26/8, Văn phòng UBND TP. HCM đã có văn bản truyền đạt kết luận của Phó chủ tịch UBND TP. HCM Dương Anh Đức về buổi làm việc với Tổ Công tác đàm phán và mua vaccine phòng Covid-19 để nghe báo cáo việc kết nối nhập khẩu nguồn vaccine từ đối tác Mỹ.

Theo đó, Sở Ngoại vụ phối hợp với Sở Y tế và Công ty TNHH MTV Dược Sài Gòn (Sapharco) khẩn trương trao đổi với các đối tác để làm rõ một số nội dung liên quan đến nguồn gốc, thời hạn sử dụng và các vấn đề khác liên quan đến cung ứng vaccine.

Đáng chú ý, trong báo cáo gửi UBND TP. HCM ngày 22/8, Sở Ngoại vụ TP. HCM thông tin, thời gian qua đã chủ động đẩy mạnh hoạt động "ngoại giao vaccine" bằng mọi biện pháp, qua nhiều kênh nhằm thúc đẩy viện trợ, kết nối nguồn mua, nhập khẩu vaccine để đáp ứng yêu cầu tiêm nhanh nhất, nhiều nhất có thể, sớm đạt miễn dịch cộng đồng.

Sở Ngoại vụ nhấn mạnh, chính sách vaccine của Mỹ bắt đầu có những linh hoạt nhất định trong bối cảnh ở một số bang xuất hiện tình trạng dư thừa vaccine (chủ yếu là Pfizer, Moderna, AstraZeneca và J&J). Trước tình hình này, Chính phủ Mỹ và các bang đang có chương trình giải quyết số lượng dư thừa trong kho dự trữ vì vaccine có hạn sử dụng nhất định.

Tối 20/8, Sở Ngoại vụ đã phối hợp với Công ty TNHH MTV Dược Sài Gòn làm việc trực tuyến với Tập đoàn AASuccess và Tập đoàn East West International, liên doanh hợp tác với SAG (Hội Cựu binh lục chiến Mỹ). Đây là tổ chức rất có uy tín với Chính phủ Mỹ, được Chính phủ cho phép xuất khẩu vaccine dư thừa tại các bang. Liên doanh này được SAG ủy quyền trao đổi chi tiết với TP. HCM tại buổi họp.

Theo Sở Ngoại vụ TP. HCM, hiện loại vaccine nằm trong chương trình gồm Pfizer, Moderna, AstraZeneca và J&J. Song, phía Mỹ đang tập trung ưu tiên xử lý vaccine Pfizer và Moderna.

Nếu các bên thúc đẩy hợp đồng sớm thì lô vaccine đầu tiên sẽ được xuất sang Việt Nam vào tuần đầu tháng 9, bình quân 500.000 liều/tuần. Từ tuần thứ 3 của tháng 9/2021, bình quân mỗi tuần sẽ xuất sang Việt Nam 1 triệu liều; dự kiến đến tháng 12 có thể cung cấp 10 - 12 triệu liều nếu thành phố có nhu cầu.

Tại buổi làm việc, phía đối tác thông tin theo yêu cầu của chương trình này, điều kiện tiên quyết là SAG sẽ cử 2 - 4 chuyên gia sang TP. HCM để khảo sát năng lực tiếp nhận, lưu trữ vaccine của thành phố.

Sau đó, các chuyên gia sẽ báo cáo ngay về Mỹ để tiến hành các bước tiếp theo, đồng thời sẽ tiếp tục ở lại Việt Nam để giám sát quy trình nhập khẩu, lưu trữ, tư vấn về công nghệ lưu trữ cũng như đảm bảo tiêm hết vaccine cho người dân theo hạn sử dụng và kế hoạch tiêm.

Phía đối tác nhận định, việc triển khai các chuyên gia này là điều kiện tiên quyết vì muốn đảm bảo lượng vaccine dư thừa (có hạn sử dụng) được tiếp nhận chặt chẽ, an toàn về bảo quản và tiêm chủng, an toàn cho người dân, hạn chế ảnh hưởng đến uy tín của Chính phủ.

Cùng với đó, TP. HCM có thể cử 2 quan chức (có thể từ Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ) tới kho vaccine của SAG để kiểm tra trực tiếp chất lượng vaccine. Sau khi các bên thống nhất thì 2 - 3 ngày sau sẽ có chuyến bay giao vaccine theo số lượng đã cam kết.

Các bên trong cuộc họp thống nhất Công ty Sapharco và phía Mỹ tiếp tục đàm phán trực tiếp về giá để có cơ sở báo cáo lãnh đạo thành phố.

Hà Trần

Cùng chuyên mục
XEM