Đâu là hàng hóa thiết yếu được lưu thông trong những ngày giãn cách

01/08/2021 12:25 PM | Xã hội

Trước những vướng mắc phát sinh trong lưu thông vận chuyển hàng hóa khi thực hiện Chỉ thị 16 ở các tỉnh giãn cách xã hội thì phương án giải quyết nhanh vấn đề cũng liên tục được đưa ra.

Hơn 1 tuần nay, chị Hồng (quận Bình Thạnh) phải đi mượn bếp gas mini của hàng xóm để nấu ăn vì bếp gas của gia đình bị hỏng. Trong khi đó, nhiều nơi sửa, bán bếp gas đều thông báo nghỉ, đặt hàng shipper cũng từ chối vì không phải hàng thiết yếu.

Nhiều gia đình cũng mong tủ lạnh, vòi nước, điều hòa và các đồ điện tử đừng dở chứng, nếu không sẽ không biết xoay sở làm sao vì tất cả đều thuộc danh mục hàng hóa không thiết yếu.

Anh Quang, chủ một đơn vị chuyên cung cấp vật tư nông nghiệp ở Đồng Nai cũng cho biết mặt hàng vật tư sử dụng cho các trại nuôi heo của anh cũng bị coi là không thiết yếu nên không được qua chốt.

Hay vài ngày trước đại diện của Công ty cổ phần Diana Unicharm cho biết, các nhà phân phối, nhân viên bán hàng của doanh nghiệp bị lực lượng chức năng tại trạm kiểm soát chặn khi vận chuyển mặt hàng băng vệ sinh, tã, bỉm đến các điểm bán lẻ với cùng lý do: sản phẩm này không thuộc nhóm mặt hàng thiết yếu.

Trước những vướng mắc phát sinh này Văn phòng Chính phủ đã có văn bản để giải quyết nhanh chóng vấn đề này. Cụ thể, văn bản yêu cầu không kiểm tra tại chốt kiểm soát dịch với những phương tiện có giấy QR Code còn thời hạn do ngành giao thông vận tải cấp, vận chuyển hàng hóa phục vụ xây dựng, sản xuất kinh doanh, miễn là không phải những hàng hóa cấm.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cũng đã gửi văn bản tới các tỉnh về việc coi vật tư nông nghiệp (phân bón, giống cây trồng vật nuôi, thức ăn chăn nuôi…) như trường hợp của anh Quang là mặt hàng thiết yếu.

Ngoài ra, các Sở nông nghiệp tại địa phương có thể cấp giấy giới thiệu, xác nhận cho đi thì các trạm kiểm soát cũng sẽ ưu tiên cho mặt hàng đó đi qua.

Đâu là hàng hóa thiết yếu được lưu thông trong những ngày giãn cách - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Hiện tại, hàng hóa thiết yếu được quy định làm 4 nhóm.

- Nhóm thực phẩm bao gồm: Nước uống đóng chai, thực phẩm chức năng, phụ liệu, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm; Dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm…Ngũ cốc, ngũ cốc đã sơ chế; Thịt và các sản phẩm từ thịt, thủy sản và sản phẩm thủy sản.

Cùng với đó là các loại rau, củ quả và sản phẩm rau, củ quả, trứng và các sản phẩm từ trứng, sữa tươi nguyên liệu. Mật ong và sản phẩm từ mật ong, muối, gia vị... và các nông sản thực phẩm khác như hạt hướng dương, hạt bí, mộc nhĩ, tổ yến… Ngoài ra, nước giải khát, sữa chế biến, các loại sữa dạng lỏng, sữa dạng bột, kem sữa, bơ, pho mát và các sản phẩm khác từ sữa chế biến… Cùng với đó là các loại dầu, bột và tinh bột, bánh, mứt kẹo...

- Nhóm hàng hóa nguyên liệu phục vụ (bao gồm các mặt hàng như sắt, thép, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi...)

- Nhóm nhiên liệu, năng lượng (như xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, than...).

- Nhóm mặt hàng khác theo nhu cầu phục vụ sản xuất, sinh hoạt của địa phương.

Thực tế, cụm từ "hàng hóa thiết yếu" còn phụ thuộc rất lớn vào nhu cầu của người sử dụng. Đặc biệt việc kiểm soát "hàng thiết yếu" lại chưa từng có tiền lệ, chưa được tập huấn.

Chính vì thế, Bộ Công Thương đã đề xuất ban hành danh mục hàng hóa "cấm lưu thông" thay vì liệt kê danh mục "hàng hóa thiết yếu" được phép lưu thông nhằm hạn chế cách hiểu mỗi nơi mỗi kiểu, đang gây nhiều khó khăn.

Nếu đề xuất này được thông qua, các cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp chỉ cần tham chiếu theo danh mục hàng hóa cấm lưu thông.

Hàng hóa, dịch vụ còn lại không nằm trong danh sách này sẽ được cấp "thẻ xanh" để lưu thông trên địa bàn, địa phương, hoặc từ địa phương này sang địa phương khác.

Hồng Nhung

Cùng chuyên mục
XEM