Đâu là “bệ đỡ” của Hoà Phát trong những tháng ngày bão tố của ngành thép?

07/10/2022 08:19 AM | Kinh doanh

Những khó khăn của ngành thép vẫn còn kéo dài khi nhu cầu thấp do ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế, dòng tiền vào thị trường bất động cũng bị siết chặt trong thời gian qua. Tuy nhiên, ngành thép được kỳ vọng sẽ phục hồi vào quý IV năm nay và triển vọng lợi nhuận của Hoà Phát có thể được cải thiện.

Nhiều tháng nay, cổ phiếu của CTCP Tập đoàn Hoà Phát (Mã: HPG) liên tục bị nhắc tên trên khắp các diễn đàn chứng khoán vì giá giảm mạnh. Nguyên nhân thì có nhiều nhưng chủ yếu là lý do khách quan như thị trường chứng khoán chung giảm điểm mạnh khiến dòng tiền bị rút ra, ngành thép vẫn đang “thê thảm” như những gì mà ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT của Hoà Phát dự báo trước đó.

Những ngày tháng bão tố của thị trường thép và Hoà Phát

Những khó khăn của ngành thép vẫn còn kéo dài khi nhu cầu thấp do ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế, dòng tiền vào thị trường bất động cũng bị siết chặt trong thời gian qua. Điều này khiến sản lượng thép của các công ty vẫn chưa thể phục hồi. 

Theo số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), sản lượng thép xây dựng của các nhà máy trong tháng 8 đạt 979.124 tấn, giảm 7% so với tháng 7. Đây đồng thời là tháng có sản lượng thấp thứ 2 trong năm nay. 

Đâu là “bệ đỡ” của Hoà Phát trong những ngày dông bão của ngành thép? - Ảnh 1.

Nguồn: VSA

Kể từ tháng 5 đến tháng 8, giá thép giá thép xây dựng giảm 15 lần với tổng mục giảm khoảng 3.600 - 3.800 đồng/kg, tuỳ thuộc vào từng doanh nghiệp xuống khoảng 15.200 đồng/kg. Nhu cầu nội địa yếu, giá thép giảm giúp các chủ đầu tư dễ tiếp cận với các công trình đầu công đã được phê duyệt, tuy nhiên họ lại phụ thuộc vào tiến độ giải ngân của dự án. Theo Bộ Tài Chính, giải ngân vốn đầu tư công trong 8 tháng đầu năm mới chỉ đạt khoảng 35% so với kế hoạch.

Đa phần các nhà máy đều trong tình trạng khó khăn do hàng tồn kho giá cao. Mức độ cạnh tranh giữa các nhà máy cũng ngày càng khốc liệt về giá bán và xâm lấn thị phần của nhau. Trong khi đó, giai đoạn từ tháng 5 đến tháng 8, các nhà phân phối lại cố gắng giảm tối đa hàng tồn kho trong bối cảnh giá liên tục đi xuống và nhu cầu sử dụng thấp. 

Trong bối cảnh đó, các nhà máy đẩy mạnh xuất khẩu nhằm bù đắp sự sụt giảm ở thị trường trong nước vân đối với kế hoạch sản xuất.

Trong 8 tháng đầu năm, lượng thép xuất khẩu đạt hơn 1,7 triệu tấn, tăng 31,5% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm khoảng 20% tổng lượng tiêu thụ mặt hàng này.

Tình hình sản xuất và bán hàng thép cuộn cán nóng (HRC) càng “thê thảm” hơn. Theo số liệu từ VSA, sản lượng trong tháng 8 giảm 30% xuống 314.708 tấn và giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Bán hàng đạt 390.811 tấn tăng 7% so với tháng 7 nhưng giảm gần 38% so với cùng kỳ năm 2021. 

Giá thép HRC cảng Đông Á tiếp tục xu hướng đi xuống khi giảm 40 USD/tấn ở mức khoảng 566 USD/tấn, chỉ bằng khoảng một nửa so với mức đỉnh thiết lập hồi tháng 3 năm nay. 

Quý III cũng đã kết thúc, Hoà Phát và các doanh nghiệp thép khác cũng chuẩn bị công bố kết quả kinh doanh trong quý. Với những tín hiệu xấu của thị trường, nhiều nhà đầu tư tỏ ra không mấy lạc quan.

Trước đó, trong quý II, kết quả kinh doanh của Hoà Phát cũng không mấy khả quan do ảnh hưởng bởi nhu cầu thị trường yếu trong khi các chi phí đầu vào, đặc biệt là giá than vẫn ở mức cao. 

Cụ thể, doanh thu của công ty chỉ tăng 6% lên gần 38.000 tỷ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế giảm tới 59% so với cùng kỳ năm ngoái xuống 4.023 tỷ đồng do biên lợi nhuận giảm mạnh.

Đâu là “bệ đỡ” của Hoà Phát trong những ngày dông bão của ngành thép? - Ảnh 2.

Tổng hợp từ BCTC CTCP Tập đoàn Hoà Phát

Giá vốn hàng bán của Hòa Phát trong quý II tăng 31% so với cùng kỳ năm ngoái trong khi doanh thu chỉ tăng 6%.

Bên cạnh đó, Hoà Phát cho biết thêm các lệnh trừng phạt của Châu Âu và Mỹ áp đặt lên Nga gây gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu cùng giá xăng dầu cao làm tăng chi phí vận chuyển. Cước vận chuyển và xuất khẩu của Hòa Phát quý này tăng 205 tỷ, tương ứng 61% so với quý II/2021 giải thích cho chi phí bán hàng tăng mạnh ở mức 79%.

Giá bán thép giảm trong khi giá thành cao làm chi phí dự phòng giảm giá hàng tồn kho phải trích lập ở mức rất lớn là 575 tỷ.

Ngoài ra, với nguồn nguyên liệu chủ yếu là nhập khẩu và dư nợ vay USD lớn, Hoà Phát ghi nhận khoản lỗ chênh lệch tỷ giá khoảng 1.100 tỷ đồng, tăng 6,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái do đồng USD tăng mạnh sau nhiều lần FED tăng lãi suất. Chi phí đi vay tăng 118 tỷ tương ứng 20% do lãi suất cao cũng đồng thời cũng làm phồng lên chi phí tài chính của tập đoàn trong quý này.

Bệ đỡ cho Hoà Phát

Liệu thị trường thép đã “tạo đáy” chưa? Và “bệ đỡ” cho Hoà Phát lúc này là gì? Đó là những câu hỏi mà giới đầu tư quan tâm trong bối cảnh khó khăn hiện tại. 

Một tín hiệu tích cực của ngành thép bắt đầu xuất hiện từ tháng 9 khi các nhà máy 3 lần tăng giá bán liên tiếp. Nguyên nhân là cuối tháng 8, các nhà máy ngưng giảm giá và bãi bỏ chính sách bảo lãnh giá. 

Đâu là “bệ đỡ” của Hoà Phát trong những ngày dông bão của ngành thép? - Ảnh 3.

Tổng hợp từ Steelonline và VSA

Động thái này đã phần nào tác động tích cực lên thị trường khi các nhà phân phối bắt đầu nhập hàng. Các nhà máy tăng sản lượng để kịp phục vụ nhu cầu từ tháng 9 đến cuối năm. Giá bán thép xây dựng trong nước kể từ đầu tháng 9 cũng đã được cải thiện lên mức 15.950 - 16.500 đồng/kg (chưa bao gồm VAT).

Với Hoà Phát, tình hình kinh doanh được kỳ vọng sẽ cải thiện trong quý IV bởi yếu tố chu kỳ. 

Trong báo cáo kết quả kinh doanh quý II, Hoà Phát cho rằng: “Biên lợi nhuận của quý III có thể sẽ vẫn tiếp tục thấp do ảnh hưởng của chu kỳ nguyên vật liệu tồn kho mua từ quý II. Tuy nhiên giá nguyên liệu hạ nhiệt trong quý III sẽ được phản ánh vào giá thành và góp phần cải thiện biên lợi nhuận của quý IV”.

Theo thông lệ mọi năm, quý IV được xem là thời điểm sôi động của thị trường bất động sản. Các công trình cũng đẩy nhanh tiến độ để kịp bàn giao trước cuối năm. 

Bên cạnh đó, theo VSA, giá nguyên liệu đầu vào sản xuất thép bắt đầu có dấu hiệu hạ nhiệt. Điển hình như giá quặng sắt loại 62%Fe giảm khoảng 10% trong tháng 8 còn khoảng 98 USD/tấn. Ngoài ra, giá thép phế, than cốc trong quý III liên tục giảm, với mức giảm gần 50% so với hồi quý I. 

CTCP Chứng khoán VNDirect kỳ vọng biên lợi nhuận gộp của Hoà Phát  sẽ được cải thiện dần từ quý IV nhờ giá thép được dự báo sẽ

ổn định hơn trong những tháng cuối năm trong khi giá nguyên liệu đầu vào liên tục giảm. 

VNDirect cho rằng rủi ro giảm giá thép là thấp khi hiệu suất vận hành và lượng tồn kho tại các nhà máy thép Trung Quốc đang ở mức thấp nhất 1 năm qua.

Về trung và dài hạn, VNDirect vẫn tỏ ra lạc quan trước “sức khoẻ” của Hoà Phát với biên lợi nhuận trong năm 2023 - 2024 cải thiện khoảng 2 điểm phần trăm so với năm 2022 lên 22,5%-22,2%. Lợi nhuận ròng có thể trưởng trở lại ở mức 18,7%-8,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Về dài hạn, Khu liên hợp Dung Quất 2 được dự kiến đi vào hoạt động từ cuối 2024 sẽ giúp Hoà Phát lọt top 30 nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới với công suất 14,6 triệu tấn, tăng 66% so với hiện nay. 

Vị thế hàng đầu của Hoà Phát trong ngành thép Đông Nam Á sẽ giúp công ty hưởng lợi từ nhu cầu xây dựng mạnh mẽ ở cả mảng dân dụng và cơ sở hạ tầng.

Bên cạnh đó, bảng cân đối kế toán lành mạnh của công ty với lượng tiền mặt dồi dào sẽ giúp HPG có thể gia tăng thị phần trong giai đoạn giá thép giảm. Tính đến ngày 30/6, tổng khoản tiền và tương đương tiền lên 20.325 tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi ngân hàng là 8.449 tỷ đồng và tiền mặt là hơn 9.584 tỷ đồng. 

Trong tháng 8, Hoà Phát vẫn duy trì vị trí số 1 thị phần thép xây dựng với 36%. Tương tự với ống thép hàn, Hoà Phát vẫn dẫn đầu thị trường với với 29,12%.

Đâu là “bệ đỡ” của Hoà Phát trong những ngày dông bão của ngành thép? - Ảnh 4.

Tổng hợp từ VSA

Bên cạnh đó, thép cuộn cán nóng (HRC) - sản phẩm đầu ra chính của dự án Dung Quất 2, vẫn đang đối mặt với tình trạng khan hiếm nguồn cung tại thị trường nội địa và phụ thuộc vào xuất khẩu.

 “Những lo ngại về tình trạng dư cung thép của HPG trong giai đoạn 2025-2030 là thấp”, VNDirect nhận định.

Bộ phận phân tích của CTCP Chứng khoán SSI (SSI Research) cũng cho rằng trong năm 2023 lợi nhuận của Hoà Phát sẽ tăng 11% lên 24 nghìn tỷ đồng nhờ sản lượng các dòng sản phẩm thép chủ đạo tăng 9% và tỷ suất lợi nhuận gộp ổn định trở lại.

"Chúng tôi tin rằng Hoà Phát sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng sản lượng tích cực, mặc dù thị trường đang chững lại, vì công ty đang dần chiếm thêm thị phần”, SSI Research dự báo.

Minh Khôi

Cùng chuyên mục
XEM