Đau đầu có thể là dấu hiệu căn bệnh gây tử vong nhanh đe doạ nhiều người trẻ

02/07/2017 15:59 PM | Sống

Xuất huyết não do dị dạng mạch máu là một dạng của đột quỵ khiến bệnh nhân có thể gặp nguy hiểm tới tính mạng thậm chí không kịp đến bệnh viện đã tử vong.

Tử vong khi chơi thể thao

Trường hợp của bệnh nhân Nguyễn Văn S. 23 tuổi, trú tại Mỹ Đình, Hà Nội là điển hình của bệnh nhân trẻ bị xuất huyết não. S. vừa đi làm về thì cùng bạn bè đi chơi thể thao. Khi vào chơi được 10 phút, bỗng dưng S. ngã ra sân chơi.

Các bạn chơi cùng đã gọi xe cấp cứu những khi vào đến Bệnh viện 108, bác sĩ cho chụp CT cấp cứu nhưng không kịp bởi S. bị xuất huyết não lớn. Nghi ngờ có thể do dị dạng mạch máu não mà S. không biết.

Người nhà của em có nói khoảng 1 tuần nay S thi thoảng than đau đầu và mất ngủ nhưng chủ quan không đi khám nào ngờ để ra tai biến đáng tiếc trên.

Theo PGS TS Lương Tuấn Khanh – Giám đốc Trung tâm Phục hồi chức năng, Bệnh viện Bạch Mai cho biết trung tâm gặp trường hợp bệnh nhân dù rất trẻ đã bị đột quỵ do có dị dạng mạch máu não mà bệnh nhân không biết chỉ đến khi gắng sức hay trong lúc ngủ, ngủ dậy mạch máu phình và vỡ ra gây nguy hiểm cho bệnh nhân.

Dị dạng mạch máu gây đột quỵ ở người trẻ là chủ yếu.

PGS Khanh cho biết ông đã gặp trường hợp bệnh nhân Cao Mạnh H. 17 tuổi Hà Nội được người nhà đưa vào bệnh viện cấp cứu tình trạng hôn mê sâu.

Khi khai thác từ người nhà bệnh nhân cho thấy, khoảng 1 tiếng trước khi vào viện, bệnh nhân H vẫn cười nói vui vẻ cùng mọi người. Tuy nhiên, H đột ngột ôm đầu kêu đau dữ dội kèm theo nôn ói, ho ra đàm nhớt có máu tươi, sau đó thanh niên này nhanh chóng rơi vào tình trạng hôn mê và được đưa vào viện gấp.

Tại đây, các bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân bị đột quỵ nên tiến hành chụp mạch máu não. Kết quả kiểm tra hệ thống mạch máu não của bệnh nhân cho thấy bị dị dạng kèm giả phình động mạch, đe dọa trực tiếp đến sinh mạng của người bệnh.

Rất may mắn H được cấp cứu kịp thời, bằng phương pháp bơm keo vá mạch máu não nên tình trạng xuất huyết não đã không để lại di chứng.

Trường hợp của em Nguyễn Thị D. 27 tuổi, trú tại Thái Nguyên nhập viện với triệu chứng nhức đầu, mệt mỏi, tê nhẹ nửa người.

Gia đình bệnh nhân D. cho biết, tình cờ, trong quá trình dạy tập bơi sải, thầy giáo đã phát hiện bệnh nhân D. không thể thực hiện các động tác đồng đều giữa 2 chân, 2 tay. Trước đó D đã thường xuyên kêu đau đầu nhưng không ai để ý.

Gia đình đưa D đi khám và chụp cộng hưởng từ và chụp cắt lớp vi tính đa dãy. Kết quả cho thấy, ở vùng đỉnh trái của bệnh nhân có khối dị dạng thông động tĩnh mạch não kích thước 2,5x3,5cm. Trường hợp của D. nếu không can thiệp thì D. có thể bị vỡ mạch gây xuất huyết não bất cứ lúc nào.

Đau đầu vô cớ cũng có thể là dấu hiệu của xuất huyết não

Theo GS Phạm Gia Khải – Nguyên Viện trưởng Viện Tim mạch, Nguyên Chủ tịch Hội Tim mạch học Việt Nam, đột quỵ dạng xuất huyết não ở người trẻ không phải là hiếm và đa số là liên quan tới dị dạng mạch máu não, số ít trường hợp bị do lối sống như béo phì, hút thuốc lá, uống bia rượu và tăng huyết áp.

Nếu do dị dạng mạch máu, GS Khải cho biết đó là bệnh bẩm sinh, không có biện pháp phòng tránh. Các triệu chứng khi khối dị dạng chưa vỡ như: Đau đầu, lơ mơ, mờ mắt… lại rất dễ bỏ qua và nhầm với các căn bệnh khác. Nhiều bệnh nhân còn rất trẻ bị xuất huyết đến viện gia đình mới cho biết cháu cũng hay đau đầu nhưng không nghĩ đó là bệnh nguy hiểm.

GS Phạm Gia Khải.

Tại các bệnh viện, ghi nhận bệnh nhân đến khi đột ngột đau đầu dữ dội, lên cơn động kinh, bị xuất huyết não, liệt nửa người

Xuất huyết não, GS Khải cho biết bệnh thường khởi phát rất đột ngột và dữ dội, có thể ngay sau lúc gắng sức về tâm lý và thể lực hoặc trong lúc đang làm việc, sinh hoạt bình thường.

Người bệnh sẽ đột ngột ngã gục xuống, hôn mê, liệt nửa người; thậm chí căn bệnh bộc phát ngay trong giấc ngủ hay khi vừa thức dậy nên có bệnh nhân đến sáng gia đình mới phát hiện mất từ lúc nào, có bệnh nhân trên giường xuống đất thì xuất hiện cơn đột quỵ.

Khi xuất hiện cơn đột quỵ, nếu bệnh nhân bị nặng chảy máu vào não nhiều, hôn mê sâu, rối loạn nhịp thở, rối loạn nhịp tim bệnh nhân phần lớn tử vong trong vòng 48 giờ.

Nếu may mắn, bệnh nhân qua khỏi sau chảy máu não nặng thường bị di chứng nặng nề, nhiều trường hợp ở trong tình trạng sống thực vật và sẽ chết do bội nhiễm, suy kiệt.

Theo thống kê của tổ chức đột quỵ thế giới, tỷ lệ tử vong của xuất huyết não trong vòng 30 ngày là 50%, trong đó một nửa số bệnh nhân tử vong trong 2 ngày đầu tiên. Trong những trường hợp sống sót, chỉ có khoảng 1/5 số bệnh nhân có thể sống tự lập tại thời điểm 1 năm sau xuất huyết não.

GS Khải khuyến cáo khi có các triệu chứng đau đầu, tê yếu chân tay vận động dù rất nhỏ…nên đến bệnh viện khám, chụp mạch để phát hiện sớm dị dạng mạch máu. Việc phát hiện bệnh dị dạng mạch máu não sớm, kịp thời điều trị sẽ nâng cao hiệu quả trong quá trình điều trị và tránh được nguy cơ xuất huyết não.

Theo Thảo Nguyên

Cùng chuyên mục
XEM