Đập ti vi - 'nghề muôn năm cũ' ngay giữa đất Sài Gòn
Ngày nay, nhiều nghề xa xưa đã dần bị lãng quên nhưng bà Cao Thị Thủy gần 20 năm ngồi ở một góc ngã tư Sài Gòn luôn gắn bó với “cái nghề phá đập ti vi".
Nằm ở cuối đường Vĩnh Viễn (gần chợ “trời” điện tử Nhật Tảo), cái tên “xóm chuyên nghề đập phá ti vi” được nhiều người xung quanh gọi vui là hình ảnh một người phụ nữ có làn da ngâm, cùng đôi bàn tay tháo lắp chuyên nghiệp, tỉ mỉ từng chiếc ti vi cũ mua lại với giá rẻ.
Mưu sinh 20 năm với nghề đập phá ti vi
Hỏi ra mới biết đó là bà Cao Thị Thủy (76 tuổi, quê ở huyện Cái Bè, Tiền Giang) lên Sài Gòn lập nghiệp qua nhiều nghề. Cuối cùng bà bám trụ mưu sinh với cái “nghề đập phá ti vi” đã được gần 20 năm trời tại “xóm chuyên nghề”.
Gọi là xóm cho vui vậy thôi chứ thực ra chỉ có vài gia đình nhưng chính cái nghề này đã nuôi sống họ ngay giữa đất Sài Gòn đắt đỏ suốt gần mấy chục năm.
Khi được hỏi về nghề, bà Thủy vui vẻ trả lời: “Tôi làm nghề này lâu lắm rồi cô ơi! Cái nghề đập phá ti vi này khoảng 30 năm trước thịnh hành lắm. Cái thời đó người ta còn dùng ti vi dạng thùng thì tôi cũng cùng lúc đó hành nghề này luôn”.
Được biết trước đó gia đình bà làm nghề buôn bán tạp hóa. Nhưng do thua lỗ nên gia đình bà phải chuyển lên Sài Gòn để lập nghiệp. Ban đầu bà Thủy mở tiệm kinh doanh ti vi rồi lại sang bán cơm nhưng đều thất bại.
Cuối cùng, khi gia đình gặp cảnh khó khăn thì bà chuyển việc thu mua ti vi cũ, hỏng rồi đem tháo lắp tận dụng những thiết bị còn lại bên trong, bán cho người cần với giá rẻ. Bà Thủy chia sẻ: “Lúc đầu khi mới vô làm nghề này tôi được các sinh viên trường Cao đẳng nghề hay mua đồ chỗ tôi chỉ dạy, làm riết rồi nó quen tay”.
Bà Thủy có lẽ là người có thâm niên nhất trong nghề mà người ta gọi vui tai là đập phá ti vi. Bà không nhớ nổi suốt hai thập kỷ qua bà đã đập hết bao nhiêu chiếc ti vi nữa. Chỉ biết nhờ cái nghề này đã nuôi sống được cả gia đình của bà ở đất phồn hoa đô thị này tới ngày hôm nay.
Cái nghề “bữa hên bữa xui”
“Hên xui” ở chỗ bởi mỗi khi có người đến bán thì không bao giờ chịu cho kiểm tra bên trong bao giờ nên quan trọng người mua nếu có kinh nghiệm thì nhìn vào và hỏi người bán vài câu rồi chào giá.
Nếu may mắn mua được chiếc ti vi còn sử dụng được nhiều bộ phận thì lời sẽ nhiều hơn. Còn nếu xui thì cũng đành chịu lỗ. Vì thế, cái nghề tưởng chừng dễ nhưng không phải ai cũng có thể trụ được bởi bữa đói bữa no,…
Chiếc xe đẩy nhỏ chở đầy những linh kiện điện tử, những chiếc ti vi thời xa xưa của bà Thủy nằm gọn ngay gốc ngã 4 Sài Gòn. Ảnh: Ngọc Nhiên
Chắc do là người có thâm niên nhất trong xóm nghề này nên khi hỏi về các loại ti vi thì bà Thủy đều biết tháo lắp như thế nào.
Bà Thủy chia sẻ: “Cái nghề này nó khó lắm cô ơi! Mình cần phải nhớ hết tất cả về đời, hãng sản xuất của ti vi và còn các loại bóng đèn, các mạch nối nữa chứ. Không khi mua về tháo ra không có nhiều linh kiện còn sử dụng được thì đành chịu lỗ vốn”.
Hằng ngày thu nhập của bà Thủy chỉ khoảng 100 ngàn đồng. Khi bán các linh kiện cho các cửa hàng sửa chữa điện tử thì bà chỉ lời từ 10 ngàn đến 15 ngàn. Bữa nào may có được món còn ngon thì lời 20 ngàn.
Theo bà Thủy, bóng đèn thì bà thu mua với giá từ 3 ngàn đến 5 ngàn đồng/bóng tùy loại. Loa còn sử dụng được thì giá khoảng 10 ngàn đồng. Còn dây đồng tách ra từ linh kiện thì giá 120 ngàn đồng. Khách đến đây mua thì chỉ toàn là những tiệm sử điện tử và sinh viên kỹ thuật.
Một người cùng trong nghề biết hoàn cảnh của bà Thủy nên thường hay chở những chiếc ti vi cũ, hư bị bỏ đi lại cho bà. Ảnh: Ngọc Nhiên
Qua cuộc trò chuyện với bà tôi được biết, bà Thủy có 9 người con đa số đã lập gia đình. Điều đáng bất ngờ là các con của bà cũng làm nghề thu mua, sữa chữa điện tử. Hiện tại, bà đang ở với chồng (72 tuổi) bị tai nạn nằm liệt giường và đứa trai cả, 2 người con thứ (trú tại phường 5, Quận 10, Tp. HCM).
Lúc trước, khi mới bước vào nghề “đập ti vi” do một người cháu gợi ý bà gặp nhiều khó khăn bỏi bà không biết cách xem máy nên không còn vốn làm nữa. Nhưng bà vẫn cố gắng làm nhiều nghề kiếm tiền để cho hai người con trai đi học ở một trường nghề về điện tử trên đường Nguyễn Chí Thanh (Q.10, Tp. HCM). Rồi không may, khi đang học nữa chừng thì hai người con của bà lại đổ bệnh về thần kinh khiến cuộc sống của gia đình bà bấp bênh khó khăn hơn.
Thấy thương cho gia đình của bà Thủy nên một số người bạn học chung lớp của con bà hằng ngày đến tận nhà chỉ cho bà cách tháo lắp, nhận biết các bộ phận còn tốt của chiếc ti vi. Rồi khi đi làm bà cũng được các người dân lao động nghèo cùng nghề chỉ thêm kinh nghiệm rồi dần dần bà trở thành một “thợ đập phá ti vi chuyên nghiệp”.
Thỉnh thoảng những người cùng làm nghề đập ti vi cũng lại giúp đỡ bà Thủy vác những đồ nặng. Ảnh: Ngọc Nhiên
Cứ vậy, mặc cho mưa hay nắng bà Thủy vẫn ngồi nhìn theo những dòng người tấp nập và mong có người đến bán ti vi hay đến mua những linh kiện điện tử của bà để có tiền lo thuốc men cho chồng đang bị bệnh, cho con đang chờ ở nhà bởi bà là nguồn thu nhập chính của gia đình.
Hằng ngày, bà Thủy vẫn cứ thế ngồi ở góc ngã 4 Sài Gòn hy vọng có người đến bán những chiếc ti vi cũ cho bà đập. Ảnh: Ngọc Nhiên
Ngày nay, những đời ti vi thùng, ti vi bóng đèn dần dần được thay thế bằng những chiếc ti vi siêu mỏng có thiết kế nhỏ gọn, nhẹ, mẫu mã đẹp mà giá lại hợp túi tiền nên cái nghề của xóm “đập phá ti vi” của những người dân nghèo dần đi vào dĩ vãng. Nhưng họ vẫn luôn lạc quan rằng “Còn ti vi thì chúng tôi còn đập phá”.