Đập phá máy ATM ngân hàng sẽ bị xử lý thế nào?
Nhiều vụ đập phá ATM ngân hàng do không rút được tiền hoặc bị nuốt thẻ ATM.
Như chúng tôi đã thông tin, sáng ngày 10/12, S.N.S đến trụ ATM tại Phòng giao dịch Sacombank ở khu phố An Hòa, phường Hòa Lợi, thị xã Bến Cát rút tiền bằng thẻ của vợ. Qua 5 lần rút tiền, tài khoản bị trừ hết 11 triệu đồng nhưng thực tế chỉ nhận được 5 triệu đồng.
Tối cùng ngày, sau khi đi nhậu về, S kể lại sự việc cho vợ nghe và nói đã gọi cho tổng đài của ngân hàng khiếu nại. Ngân hàng trả lời sẽ giải quyết trong 45 ngày. Sau đó, S vào phòng trọ lấy 1 cây búa và chạy xe máy đến trụ ATM rút tiền trước đó đập bể máy.
Ngay sau đó, người vợ chạy đến can ngăn nên cả hai trở về phòng trọ và lên Công an phường Hòa Lợi đầu thú. Hiện công an thị xã Bến Cát đang tạm giữ S.N.S để điều tra làm rõ vụ việc.
Đây không phải là trường hợp đầu tiên có đối tượng đập phá máy ATM. Còn nhớ cách đây hơn 2 năm, một đối tượng đã đập phá máy ATM tại An Thới, Phú Quốc, Kiên Giang. Theo điều tra, đối tượng tên Sang ngày 16/9/2018 có đến rút tiền tại máy ATM của Ngân hàng Sacombank tại thị trấn An Thới nhưng không rút được tiền lại bị máy nuốt mất thẻ, nam thanh niên bực tức và đập hỏng luôn cây ATM. Hậu quả của hành vi nói trên là toàn bộ phần màn hình giao dịch, khe bỏ thẻ và khe lấy tiền của máy ATM này bị hư hỏng.
Hay một vụ đập phá ATM khác xảy ra hồi tháng 6 năm nay tại Tp. Hồ Chí Minh. Tối 28/6, Lê Lan Em (31 tuổi, ngụ tại quận 12) sau khi nhậu xong đã đến trụ ATM ở khu phố 7 (phường Hiệp Thành, quận 12) để rút tiền nhưng không rút được và trụ ATM không nhả lại thẻ ra. Em bực tức bỏ về nhà lấy một cây búa quay lại trụ ATM đập bể cửa kính, sau đó đập vào màn hình ATM.
Ngày 28/3, một vụ đập ATM khác xảy ra với ATM của ngân hàng VPBank và Eximbank ở Thủy Nguyên, Hải Phòng. Đối tượng tên Trần Mạnh Tuấn vào ngày 28/3 cầm thẻ đến ATM của VPBank để rút tiền nhưng không rút được nên dùng gạch đập phá làm hư hỏng màn hình cây ATM của ngân hàng này. Tiếp đó, Tuấn đến ATM của Eximbank để rút nhưng cũng không được nên tiếp tục đập phá làm hư hỏng màn hình cây ATM của ngân hàng.
Theo các luật sư, hành vi đập phá máy ATM dù bất cứ lý do gì cũng có thể bị xét vào tội cố ý phá hoại tài sản. Tùy mức độ vi phạm và giá trị của tài sản bị hư hỏng thì sẽ có hình thức xử phạt phù hợp.
Cụ thể, theo quy định tại Điều 178 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2017 về Tội huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản, đối tượng phá hủy tài sản có giá trị từ 2 triệu đồng trở lên hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc trường hợp vi phạm theo quy định thì bị xem xét truy tố trách nhiệm hình sự. Mức phạt nhẹ nhất là bị phạt tiền từ 10 triệu đồng và chịu phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm. Với vi phạm nghiêm trọng và giá trị tài sản rất lớn (trên 500 triệu đồng), khung hình phạt cao nhất có thể lên tới 20 năm tù.