Đào tạo văn bằng 2 ngoại ngữ: Lợi nhuận khủng
Công chức, viên chức thăng hạng cần có văn bằng chứng chỉ ngoại ngữ. Thạc sĩ, tiến sĩ nếu muốn “hanh thông” phải có kim bài miễn thi ngoại ngữ… Đó là những lý do mà đại học văn bằng 2 (VB2) các môn ngoại ngữ trở nên đắt hàng và xuất hiện những đơn vị đào tạo “đốt cháy giai đoạn” như trường ĐH Đông Đô.
Theo quy định của Bộ GD&ĐT, một người học thạc sĩ nếu có bằng tốt nghiệp VB2 ngành ngôn ngữ nước ngoài sẽ được miễn môn ngoại ngữ cả đầu vào và đầu ra.
Tương tự, đối với quy chế tuyển sinh và đào tạo tiến sĩ, một trong những điều kiện để được dự tuyển phải có văn bằng, chứng chỉ ngoại ngữ theo quy định. Trong đó, chấp nhận bằng tốt nghiệp đại học các ngành ngôn ngữ theo quy định nước ngoài do các cơ sở đào tạo của Việt Nam cấp (VB2 ngành ngôn ngữ nước ngoài).
Cuối tháng 7 vừa qua, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú, Lệnh khám xét chỗ ở, nơi làm việc về tội “Giả mạo trong công tác” đối với 4 bị can, gồm: Dương Văn Hòa, Hiệu trưởng Trường Đại học Đông Đô; Trần Ngọc Quang, Phó trưởng phòng Đào tạo và quản lý sinh viên, Trường Đại học Đông Đô; Phạm Vân Thùy và Lê Thị Lương cùng là cán bộ Trường Đại học Đông Đô.
Trong quá trình làm việc với cơ quan điều tra, ông Trần Ngọc Quang thừa nhận: ĐH Đông Đô tổ chức các lớp VB2 ngôn ngữ tiếng Anh tốc độ nhanh (không tổ chức học, chỉ hoàn thiện các bài thi và cấp bằng)... Các lớp này không thông báo tuyển sinh, không thành lập hội đồng thi, không phê duyệt danh sách học viên và cán bộ coi thi.
Trong đó, ông Quang là người được ông Dương Văn Hòa giao ký bảng điểm cho học viên. Ngoài ra, ông Quang cũng thừa nhận đã giúp 8 trường hợp có bằng ngôn ngữ tiếng Anh mà không phải đi học.
Có 5/8 trường hợp này là do vợ ông Quang - giảng viên Khoa Tài chính ngân hàng (ĐH Đông Đô) trực tiếp đưa hồ sơ, 3 trường hợp còn lại, ông Quang nhận hồ sơ từ một nguyên cán bộ Khoa Thú y của trường.
Bà Phạm Vân Thùy, Lê Thị Lương thừa nhận, ĐH Đông Đô có tổ chức các lớp VB2 Ngôn ngữ Anh cấp tốc. Theo bà Thùy, trong khóa học 2016-2018 có khoảng 400 hồ sơ VB2 ngành Ngôn ngữ Anh được đào tạo theo hình thức trên. Trong đó, bà Thùy trực tiếp được chỉ đạo nhận khoảng 200 hồ sơ (20 hồ sơ từ ông Dương Văn Hòa, 20 hồ sơ từ một trường hợp khác, số còn lại nhận từ các cán bộ của trường).
Bà Thùy trực tiếp nhận 3 hồ sơ của người thân với số tiền 32 triệu đồng/người và nộp về Phòng Tài vụ của trường số tiền 90 triệu đồng. Tại buổi làm việc, bà Thùy đã xác nhận 225 văn bằng cử nhân ngôn ngữ tiếng Anh.
Có thể thấy, nhu cầu của người học, công tác tuyển sinh, đào tạo VB2 tiếng Anh chính quy đang mang lại khoản lợi nhuận khá cao khiến không ít trường ĐH bất chấp quy định pháp luật làm liều.
Bộ GD&ĐT cho biết, hiện nay, mọi văn bản của Bộ GD&ĐT cho phép các cơ sở giáo dục đại học được đào tạo VB2 đều được lưu trữ theo quy định tại Văn phòng Bộ GD&ĐT (trừ các cơ sở giáo dục ĐH là thành viên của 2 ĐH Quốc gia, 3 ĐH Vùng và 23 cơ sở giáo dục ĐH được phép thí điểm tự chủ).
Nhưng không hiểu sao đến thời điểm này, Bộ GD&ĐT vẫn im lặng trong việc công bố công khai danh sách các trường được phép đào tạo VB2, đặc biệt là VB2 ngành ngôn ngữ nước ngoài.
Mới đây nhất, Bộ GD&ĐT chỉ thông tin, trước khi cơ quan công an ra quyết định khởi tố vụ án xảy ra tại Trường ĐH Đông Đô, Bộ thanh tra công tác đào tạo VB2 tại 3 trường: ĐH Chu Văn An, Khoa Ngoại ngữ (ĐH Thái Nguyên) và ĐH Thành Đô. Kết quả phát hiện Trường ĐH Chu Văn An cũng có vi phạm tương tự Trường ĐH Đông Đô. Tuy nhiên kết quả thanh tra đến nay vẫn chưa được công bố.
Trong số 27 nghiên cứu sinh trúng tuyển năm 2019 tại Học viện Khoa học xã hội có 7 trường hợp sử dụng VB2 tiếng Anh của Trường ĐH Đông Đô. Học viện đang chờ Bộ GD&ĐT công bố chính thức thu hồi VB2 ngôn ngữ Anh của ĐH Đông Đô. Chỉ khi Bộ công bố, Học viện mới căn cứ vào đó để hủy kết quả đầu vào nghiên cứu sinh của những học viên dùng bằng đại học tiếng Anh của trường Đông Đô để đủ điều kiện đầu vào đợt 1/2019. Hiện tại, bằng tiếng Anh của những nghiên cứu sinh này là bằng thật, phôi bằng xịn nên Học viện phải công nhận họ đủ điều kiện đầu vào.