Đào Chi Anh: 'Tôi hiểu sự nhạy cảm khi gọi vốn cộng đồng cho dự án xây dựng lại The KAfe'
Cựu CEO The KAfe cho biết, gọi vốn cộng đồng khác với góp vốn sở hữu, số tiền nhà đầu tư đóng góp trên GoFundMe sẽ được quy đổi ra quyền lợi sử dụng và ưu đãi tại dự án cafe mới của cô.
Sau khi công bố việc gọi vốn cộng đồng trên nền tảng GoFundMe, dự án “mang The KAfe trở lại” của Đào Chi Anh đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều.
Chia sẻ với Người Đồng Hành, cựu CEO của The KAfe cho biết cô hiểu sự nhạy cảm khi gọi vốn cộng đồng cho dự án của mình, đặc biệt khi khái niệm này còn khá mới mẻ. Tuy nhiên, Đào Chi Anh tin rằng những người đã và sẽ góp vốn là những nhà đầu tư phù hợp nhất cho dự án này.
“Đó là những người hiểu về mô hình gọi vốn cộng đồng, và thực sự đang tìm kiếm một không gian và trải nghiệm ẩm thực như đã từng có với The KAfe. Đồng thời muốn cùng tôi xây dựng một điều gì đó có ý nghĩa cho giới trẻ và xã hội nói chung”, Đào Chi Anh nói.
“Tôi tin vào sức mạnh của giới trẻ Việt Nam, vào sự tích cực trong niềm tin, và những đóng góp tích cực của mỗi người cho một mục đích lớn hơn chính họ - có ngày sẽ trở thành một cái gì đó tuyệt đẹp - mà không một công ty hay nguồn vốn đầu tư “khủng" nào có thể tạo nên, vì nó đã đi lên từ tình yêu và giá trị cộng đồng”, cô nói thêm.
Đào Chi Anh, cựu CEO The KAfe. Ảnh: FBNV.
Theo Đào Chi Anh, quyên góp từ cộng đồng (crowdfunding) là một hình thức mới đối với cộng đồng khởi nghiệp nhưng rất ý nghĩa. Nó cho phép tạo dựng những dự án với sự ủng hộ và quyên góp từ chính những khách hàng - các bạn trẻ đã từng yêu thích KAfe - để dự án có thể phục vụ những khách hàng đó một cách tốt nhất có thể.
Nữ doanh nhân 35 tuổi cho rằng đây không phải là hình thức góp vốn sở hữu, số tiền gọi được từ cộng đồng sẽ được quy đổi ra quyền lợi sử dụng và ưu đãi tại dự án cafe mới của cô.
“Chúng tôi sẽ cập nhật chi tiết về việc này với những người đã đóng góp, nhưng chắc chắn sẽ luôn đặt quyền lợi người khách hàng lên trên hết”, cô nhấn mạnh.
Theo Đào Chi Anh, nếu ai góp tiền cũng là một cổ đông hưởng lợi tức, thì đó là tính chất của việc mua chứng khoán của một công ty trên sàn chứng khoán, không phải là một dự án crowdfunding. Còn crowdfunding vốn là một hình thức đầu tư mang tính chất xã hội của giới trẻ, để ủng hộ, giúp đỡ nhau, cùng nhau tạo dựng một điều gì đó tích cực mà tất cả cùng tin tưởng có thể làm xã hội và cuộc sống tốt hơn.
“Với dự án cafe này, tôi hy vọng có thể cùng mọi người tạo nên những giá trị tích cực đó”, cô nói.
Dự án của Đào Chi Anh huy động được 1.329 USD sau 5 ngày. Ảnh chụp màn hình.
Trước đó, trên trang cá nhân, cựu CEO The KAfe Đào Chi Anh cho biết cô đang huy động vốn dưới hình thức crowdfunding (gọi vốn cộng đồng) trên nền tảng GoFundMe với mục tiêu “mang The KAfe trở lại”.
Chương trình gọi vốn bắt đầu từ ngày 15/6 với số tiền mục tiêu là 200.000 USD. Sau 5 ngày triển khai, có 39 người tham gia đóng góp với số tiền 1.329 USD.
Bên cạnh những người ủng hộ, cũng có ý kiến cũng cho rằng việc gọi vốn cộng đồng của Đào Chi Anh chưa hợp lý. Một trong số những lý do đưa ra là những người góp vốn nên được xem như cổ đông và cần được chia lãi kinh doanh.
Đào Chi Anh sinh năm 1984 tại Nga, lớn lên ở Đức và Đài Loan. Cô học phổ thông tại Việt Nam và tốt nghiệp Đại học Singapore. Năm 2013, Chi Anh sáng lập KAfe Group - công ty khai thác và phát triển 4 nhãn hiệu: The KAfe, The KAfe Village, The KAfe Box và The Burger Box.
Giữa tháng 10/2015, KAfe Group "gây sốt" cộng đồng khởi nghiệp Việt khi huy động thành công 5,5 triệu USD ngay trong vòng đầu tiên của quá trình gọi vốn từ các quỹ đầu tư tại London và Hong Kong.
Suốt nhiều tháng liền sau đó, người ta nhắc đến Đào Chi Anh - người sáng lập và giám đốc của thương hiệu này như một hình mẫu nữ doanh nhân thành đạt, người truyền cảm hứng cho các bạn trẻ dám sống với đam mê và dám khởi nghiệp.
Tuy nhiên không lâu sau, dư luận xôn xao về việc KAfe Group bị đối tác tố chây ì công nợ và chiếm dụng vốn kinh doanh đến hàng tỷ đồng. Tháng 10/2017, Đào Chi Anh bất ngờ tiết lộ trên trang cá nhân rằng, cô không còn đảm nhiệm chức vụ CEO của công ty này. Một thời gian sau, các cửa hàng của KAfe Group cũng đóng cửa.