"Đánh giá sâu hơn việc sắp xếp đất đai trước cổ phần hóa"

20/01/2017 08:56 AM | Xã hội

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ làm việc với Kiểm toán Nhà nước về công tác cơ cấu lại khối doanh nghiệp...

Qua kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước đã xác định giá trị vốn nhà nước tăng thêm tại 6 doanh nghiệp là hơn 4.600 tỷ đồng khi các doanh nghiệp này tiến hành sắp xếp, định giá lại để tiến hành cổ phần hóa.

Báo cáo trên được Kiểm toán Nhà nước đưa ra tại buổi làm việc giữa Phó thủ tướng Vương Đình Huệ với cơ quan này về công tác cơ cấu lại khối doanh nghiệp mà trọng tâm là doanh nghiệp nhà nước, ngày 17/1.

Kiểm toán Nhà nước cho hay, trong giai đoạn 2011- 2015, cả nước đã cổ phần hóa được 499 doanh nghiệp, đạt 96% kế hoạch. Các doanh nghiệp sau cổ phần hóa đều có lãi, góp phần tăng thêm nguồn thu cho ngân sách nhà nước và cải thiện thu nhập của người lao động. Số vốn nhà nước tại các doanh nghiệp theo giá trị sổ sách đã được thoái là 26.222 tỷ đồng, thu về 36.537 tỷ đồng.

Tuy nhiên, Kiểm toán Nhà nước nêu rõ việc thực hiện đề án còn chưa đáp ứng được yêu cầu và kế hoạch đề ra về tiến độ sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn; công tác chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước tại các doanh nghiệp về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) chậm, hiệu quả sản xuất kinh doanh tại một số doanh nghiệp chưa cao.

Qua kiểm toán kết quả định giá doanh nghiệp và xử lý các vấn đề về tài chính trước khi xác định giá trị doanh nghiệp tại 7 doanh nghiệp, Kiểm toán Nhà nước nhận thấy việc định giá và xử lý các vấn đề tài chính trước khi chính thức công bố giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa của các đơn vị còn thiếu chính xác, chưa phù hợp với quy định hiện hành và làm giảm giá trị tài sản được định giá, ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của Nhà nước.

Đặc biệt báo cáo nêu lên những sai sót trong việc xác định chi phí thương hiệu, lợi thế kinh doanh, các khoản đầu tư tài chính, giá trị quyền sử dụng đất, tài sản cố định, dự án, công trình đã hoàn thành chưa quyết toán. Kiểm toán Nhà nước đã xác định giá trị vốn nhà nước tăng thêm tại 6 doanh nghiệp theo phương pháp tài sản là: 4.625,4 tỷ đồng. Trong đó, Công ty mẹ - Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam là 440 tỷ đồng; Công ty mẹ - Tổng công ty Lương thực Miền Nam 393 tỷ đồng; Công ty mẹ - Tổng công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp 1.333 tỷ đồng; Công ty mẹ - Tổng công ty Điện lực Dầu khí 2.050 tỷ đồng; Công ty Truyền hình cáp Saigontourist - SCTV 140 tỷ đồng; Công ty TNHH Một thành viên Tổng công ty Truyền hình Cáp Việt Nam - VTVCab 267,7 tỷ đồng.

Kiểm toán nhà nước kiến nghị Chính phủ và các bộ nghiên cứu bổ sung, chỉnh sửa nhiều quy định, cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp và ngăn ngừa thất thoát nguồn lực nhà nước.

Theo Phó thủ tướng Vướng Đình Huệ, nhờ kiểm toán đã phát hiện và kiến nghị để bịt nhiều lỗ hổng pháp luật, thu hồi vốn nhà nước và tăng hiệu lực, hiệu quả thực hiện các kết luận của Kiểm toán Nhà nước.

Tuy nhiên, Phó thủ tướng đề nghị Kiểm toán Nhà nước đánh giá sâu sát hơn việc sắp xếp đất đai trước khi cổ phần hóa. Bởi khi thực hiện cổ phần hóa, nhà đầu tư cam kết sử dụng đất đai theo quy hoạch nhưng sau khi cổ phần hóa xong thì lại có chuyện chuyển đổi quy hoạch và chuyển đổi mục đích sử dụng đất không theo quy hoạch ban đầu.

“Chính phủ đang giao các bộ, ngành nghiên cứu có cho phép doanh nghiệp nhà nước khi cổ phần hóa được chuyển đổi quyền sử dụng đất hay không? Trường hợp nào được phép và cấp nào có thẩm quyền nào sẽ ra quyết định cho phép chuyển đổi? Đồng thời mong muốn Kiểm toán Nhà nước nghiên cứu và tham vấn với Chính phủ về nội dung này”, Phó thủ tướng cho hay.

Cùng với đó, Phó thủ tướng thông báo về việc Chính phủ đã và sẽ ban hành các văn bản hướng dẫn quá trình cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước trong giai đoạn mới theo tinh thần không bán hay thoái vốn nhà nước bằng mọi giá. Việc giữ lại các doanh nghiệp mà nhà nước nắm 100% vốn phải bảo đảm các doanh nghiệp này phát triển thành các tập đoàn có thương hiệu mạnh và cạnh tranh hiệu quả.

Lãnh đạo Chính phủ cũng nhấn mạnh, cổ phần hóa không phải là mục đích mà chỉ là phương tiện thực hiện mục tiêu của Chính phủ. Mục đích cuối cùng là nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp và Chính phủ mong muốn Kiểm toán Nhà nước chú ý trong mọi hoạt động ở lĩnh vực này.

Theo Bảo Quyên

Cùng chuyên mục
XEM