Đằng sau việc Mỹ đánh thuế cao kỷ lục với thép Việt

06/07/2019 11:08 AM | Xã hội

Ngành thép Việt Nam tiếp tục bị giáng một đòn nặng khi Mỹ quyết định áp thuế với mức rất cao do nghi ngờ gian lận thương mại.

Bộ Thương mại Mỹ ( DOC ) vừa cho biết Cục Hải quan và Biên phòng Mỹ sẽ bắt đầu thu khoản thuế lên tới 456, 23% giá trị sản phẩm thép chống gỉ và thép cán nguội nhập khẩu từ Việt Nam (VN) với nguyên liệu sử dụng được nhập khẩu từ Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc để sản xuất thép chống gỉ và thép nguội. Nói một cách dễ hiểu, Bộ Thương mại Mỹ áp thuế 456 % lên một số loại thép nhập từ VN vì cho rằng Hàn Quốc và Đài Loan chuyển hàng tới VN gia công rồi xuất sang Mỹ.

Đây được xem là mức thuế chống lẩn tránh thuế cao nhất từ trước đến nay Mỹ dành cho sản phẩm thép nhập khẩu từ VN.

Choáng váng vì bị đánh thuế khủng

Bộ Thương mại Mỹ cảnh báo mức thuế nói trên sẽ được áp dụng lên các sản phẩm nhập khẩu tương tự trong tương lai, thậm chí với cả các đơn hàng nhập khẩu chưa giao hết được ký từ ngày 2-8-2018.

Giải thích thêm về vấn đề này, ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương, cho biết: Vụ việc này được phía Mỹ khởi xướng điều tra từ ngày 2-8-2018, sau khi Mỹ áp dụng biện pháp chống bán phá giá với thép cán nguội, thép chống ăn mòn của Đài Loan, Trung Quốc và Hàn Quốc khiến lượng sản phẩm nhập khẩu từ VN sang Mỹ tăng đột biến, lần lượt 331,9% và 916,4% so với các năm trước đó.

Sau 11 tháng điều tra, phía Bộ Thương mại Mỹ đã sơ bộ kết luận về việc sản xuất thép cán nguội và thép chống ăn mòn của VN sử dụng thép cán nóng, thép nền được nhập khẩu từ Đài Loan, Trung Quốc và Hàn Quốc là sự chuyển đổi không đáng kể và giúp lẩn tránh thuế, chống bán phá giá, chống trợ cấp mà Mỹ đang áp dụng.

“Trong trường hợp mà thép cán nguội, thép chống ăn mòn của VN được sản xuất từ nguyên liệu của VN thì sẽ không bị áp thuế. Theo thông lệ trước đây của Mỹ, nếu doanh nghiệp nhập khẩu thép cán nóng, sau đó sản xuất thành các chủng loại thép khác được coi là chuyển đổi đáng kể và không bị coi là lẩn tránh thuế. Trong ba năm trở lại đây, phía Mỹ đã thay đổi quan điểm và yêu cầu thép phải được sản xuất từ thép cán nóng, được sản xuất trong nước mới được coi là không trốn thuế” - ông Dũng giải thích thêm.

Lãnh đạo Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết thêm đã yêu cầu các doanh nghiệp thép có liên quan của VN cung cấp những thông tin đầy đủ về quá trình sản xuất tại VN cũng như mức độ giá trị gia tăng của sản phẩm.

“Bộ yêu cầu các công ty này đề ra các chiến lược kinh doanh phù hợp, chuyển sang nguồn nguyên liệu sản xuất trong nước” - ông Dũng cho hay.

Đằng sau việc Mỹ đánh thuế cao kỷ lục với thép Việt - Ảnh 1.

Bộ Công Thương cho rằng có tình trạng hàng hóa đội lốt hàng hóa của Việt Nam nhưng không chỉ xuất khẩu sang nước thứ ba mà còn tiêu thụ ngay tại thị trường trong nước. Trong ảnh: Cục Quản lý thị trường Hà Nội vừa kiểm tra, thu giữ hàng ngàn sản phẩm giả mạo, gian lận thương mại… Ảnh: BCT


Coi chừng không chỉ có thép

Trước thông tin Mỹ áp thuế trên, ông Đỗ Duy Thái, Tổng giám đốc Công ty Thép Việt, cho rằng trước mắt chưa ảnh hưởng tới việc sản xuất và xuất khẩu của công ty. Bởi các loại thép trên phần lớn doanh nghiệp Việt không xuất khẩu mà chủ yếu xuất khẩu thép xây dựng.

“Ngoài ra, các công ty thép của VN đều đã có thể chủ động hơn nguồn nguyên liệu sản xuất nên không bị tác động tiêu cực khi Mỹ áp thuế cao như vậy đối với thép chống gỉ và thép nguội” - ông Thái tự tin nói.

Báo cáo của Bộ Công Thương ghi nhận trong giai đoạn 2007-2016, ngành thép VN đã đối mặt với 29 vụ kiện phòng vệ thương mại từ các nước. Chiếm nhiều nhất là kiện chống bán phá giá, tiếp theo là kiện chống trợ cấp và hình thức tự vệ từ nhiều quốc gia khác nhau trong và ngoài khu vực. 

Ông Nguyễn Văn Sưa, nguyên Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép VN (VSA), cũng cho hay quyết định áp thuế của Mỹ đối với một số mặt hàng thép VN không gây ra quá nhiều tác động tiêu cực tới ngành thép trong nước. Song vị chuyên gia này khuyến nghị các doanh nghiệp thép VN không nên dùng nguyên liệu nhập từ Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc để tránh việc bị áp thuế vạ lây từ các thị trường như Mỹ, châu Âu.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng đó chỉ là giải pháp ngọn, không phải là giải pháp căn cơ. Bởi động thái mạnh từ phía Mỹ cho thấy họ muốn ngăn chặn tận gốc các hàng hóa gian lận xuất xứ chứ không riêng gì ngành thép. Nếu doanh nghiệp VN vì lợi nhuận trước mắt tiếp tay cho gian lận sẽ rất nguy hiểm cho hàng loạt ngành hàng xuất khẩu của VN. Nghiêm trọng hơn, phía Mỹ có thể tạm dừng nhập, điều tra chống bán phá giá hoặc gian lận thương mại. Khi đó các công ty làm ăn chân chính cũng bị vạ lây.

Chính vì vậy, các cơ quan chức năng đang quyết liệt ngăn chặn tình trạng gian lận xuất xứ để xuất khẩu sang Mỹ. Ví dụ mới đây Bộ Công Thương đã có văn bản đề nghị Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan kiểm soát chặt một mặt hàng của Trung Quốc đang có thông tin bị phía Cục Hải quan và Biên phòng Mỹ điều tra.

Bộ Công Thương cũng đã có đề án phối hợp với Bộ Tài chính đánh giá, xem xét để tách bạch hàng nhập về tiêu thụ nội địa hay tái xuất khẩu. Cùng với đó là kiểm soát chặt quy trình cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa C/O, nhất là với các thị trường có nguy cơ áp đặt trừng phạt thương mại.

Đã phát hiện nhiều vụ gian lận

Tổng cục Hải quan cho biết hành vi giả mạo xuất xứ, thực hiện chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp thường xảy ra đối với hàng dệt may, thủy sản, nông sản, gạch men, mật ong, sắt, thép, nhôm, gỗ ép... Điển hình là nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc về VN, sau đó thay bao bì hoặc bỏ bao bì, ghi "Made in VN", xin cấp giấy chứng nhận xuất xứ để xuất khẩu sang Mỹ, châu Âu, Nhật Bản…

Ngành hải quan đã phát hiện, xử lý hàng chục vụ gian lận C/O, chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp. Điển hình như Cục Hải quan TP Hải Phòng từng phát hiện một công ty xuất nhập khẩu đã nhập khẩu mặt hàng theo khai báo là "củ loa, sạc điện thoại mới, C/O Trung Quốc", có xuất trình C/O mẫu E nhưng khi kiểm tra thực tế trên hộp đựng sản phẩm hàng hóa và trên hàng hóa thể hiện chữ đúc chìm "Made in VN".

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài thương mại luật gia VN (VLCAC), cho biết hiện nay đã có Nghị định 185/2013 và Nghị định 124 sửa đổi, bổ sung Nghị định 185 của Chính phủ nhằm xử phạt những hành vi vi phạm về xuất xứ hàng hóa xuất nhập khẩu.

"Trường hợp có căn cứ xác định hàng hóa nhập khẩu có chỉ dẫn giả mạo về nguồn gốc hàng hóa, nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hóa thì tùy theo hành vi vi phạm cụ thể, tính chất, mức độ, hành vi vi phạm để xử lý theo thủ tục tố tụng hình sự hoặc xử phạt vi phạm hành chính theo khoản 2 Điều 13 Nghị định 185/2013" - ông Hậu cho biết.

Theo Quang Huy

Cùng chuyên mục
XEM