Đằng sau những vụ cha mẹ kiện con cái, đòi "tiền công" chăm cháu: Khi những điều hiển nhiên trở thành vô trách nhiệm và chữ "Hiếu" thời hiện đại

04/10/2019 07:39 AM | Sống

Nhiều con cái thường coi việc ông bà chăm sóc cháu là điều hiển nhiên mà quên đi nỗi lòng của những bậc sinh thành.

Trong thời gian gần đây, dư luận Trung Quốc đang dấy lên cuộc tranh luận kịch liệt liên quan đến hai vụ kiện trong gia đình. Đó là việc hai cụ bà đã kiện con cái mình ra tòa, yêu cầu được bồi thường thỏa đáng khi họ đã mất công mất sức chăm sóc các cháu khi họ mải mê với sự nghiệp.

Hai vụ kiện này đã đặt ra một câu hỏi rằng: Những người con có nên trả công cho cha mẹ già khi họ giúp mình chăm sóc con cái hay không? Một vấn đề từ lâu được cho là nhạy cảm và việc ông bà chăm sóc cháu giúp các con được coi là "điều hiển nhiên".

Một cụ bà ở Miên Dương, phía tây nam tỉnh Tứ Xuyên đã được tòa án chấp nhận khoản tiền bồi thường hơn 68.000 nhân dân tệ (hơn 220 triệu đồng) sau khi bà kiện con trai và con dâu của mình liên quan đến chi phí nuôi đứa cháu nội 9 tuổi. Bà Wang là người đã chăm sóc đứa trẻ 24/24 trong suốt 8 năm qua sau khi con trai và con dâu của bà rời khỏi quê hương đến nơi khác tìm kiếm việc làm với mức lương cao hơn.

Bà cho hay, bà kiện các con không phải vì tiền mà bà muốn chúng biết rằng cần phải có trách nhiệm trong việc chăm sóc con của họ. Suốt 8 năm qua, bà Wang là người lo phần lớn chi phí sinh hoạt cho cháu trai và nuôi nấng, dạy dỗ đứa trẻ. Trong khi đó, con dâu và con trai bà sau một thời gian làm ăn xa lại muốn ly hôn, đường ai nấy đi. Bà cho đó là hành động vô trách nhiệm của cả hai người.

"Con cái không nên suy nghĩ rằng người già chúng tôi có trách nhiệm chăm sóc những đứa cháu. Chúng nên tôn trọng sự đóng góp của chúng tôi", bà Wang cho biết.

Đằng sau những vụ cha mẹ kiện con cái, đòi tiền công chăm cháu: Khi những điều hiển nhiên trở thành vô trách nhiệm và chữ Hiếu thời hiện đại - Ảnh 1.

Nhiều người già ở Trung Quốc đang phải chăm sóc những đứa cháu thay con cái mình.


Mặc dù thắng kiện nhưng cho đến nay bà vẫn chưa nhận được một xu nào từ con trai và con dâu, trong khi đó cậu bé vẫn sống cùng với bà nội của mình. Trong một trường hợp khác, vào 3 tháng trước, một tòa án Bắc Kinh đã đồng tình với yêu cầu bồi thường của một người phụ nữ cao tuổi vì bà đã giúp con cái nuôi cháu gái mình kể từ khi đứa trẻ chào đời vào năm 2002.

Câu chuyện về 2 người bà ở trên đã tạo ra một cuộc tranh luận liên quan đến thực trạng hầu hết những người làm cha mẹ đều để cho ông bà nuôi dạy con cái của mình, trở thành một gánh nặng trên vai cho những người đã ở tuổi nghỉ hưu, cần được an dưỡng sau khi dành quá nửa đời người làm lụng vất vả.

Xu Anqi, nhà nghiên cứu chuyên về gia đình tại Học viện Thượng Hải Khoa học xã hội cho hay: "Xét từ góc độ văn hóa, việc ông bà chăm sóc cháu là chuyện đương nhiên trong một đất nước có lịch sử văn hóa lâu đời với nhiều thế hệ sống chung dưới một mái nhà. Ngày nay, trước sức ép từ cuộc cạnh tranh khốc liệt của nền kinh tế thị trường, áp lực với công việc ngày càng tăng cao khiến con cái thường dựa vào cha mẹ để chăm sóc những đứa trẻ".

Trong quá trình đô thị hóa nhanh chóng đã phá vỡ truyền thống gia đình nhiều thế hệ sinh sống cùng nhau, người già ở Trung Quốc vẫn đóng vai trò tích cực trong việc chăm sóc và dạy dỗ các cháu trong khi những người con của họ chuyển đến thành phố để làm việc và sinh sống.

Đằng sau những vụ cha mẹ kiện con cái, đòi tiền công chăm cháu: Khi những điều hiển nhiên trở thành vô trách nhiệm và chữ Hiếu thời hiện đại - Ảnh 2.

Nhiều người già chăm sóc các cháu từ tấm bé cho đến lúc lớn lên mà không nhận được trợ cấp nào từ con cái.


Hàng triệu gia đình đang tồn tại theo "mô hình" này: Cha mẹ để con ở quê với ông bà, còn họ ra thành phố làm việc để kiếm tiền với mức lương cao hơn. Vào năm 2016, theo cuộc khảo sát dân số di cư của Ủy ban Kế hoạch hóa Gia đình và Sức khỏe Quốc gia, số trẻ em bị bỏ lại ở các vùng nông thôn là 61 triệu em dưới 17 tuổi.

"Cháu gái của tôi rất đáng yêu. Nhiều người giống như tôi thường nói đùa rằng chúng tôi là người trông trẻ không được trả lương. Nhưng chúng tôi cảm thấy rằng mình cũng cần có trách nhiệm giúp đỡ con cái để chúng không bị quá nhiều áp lực khi gánh nặng cơm áo gạo tiền gánh trên vai", bà Li, một người chuyển từ Hà Nam đến Thượng Hải sống vào 2 năm trước để giúp con cái chăm sóc cháu gái của mình.

"Tôi là một người giữ trẻ toàn thời gian cho cháu của tôi. Tôi chuẩn bị đồ ăn cho con bé, giặt quần áo, đưa cháu đi học và đi dạo công viên 2 lần/ngày. Tôi cũng là người ngủ cùng con bé", bà Li kể.

Bà Li cho hay, ngay cả con gái bà hồi nhỏ cũng không được chăm sóc kỹ lưỡng như vậy. Tuy nhiên, theo bà Li, sống ở thành phố rất buồn vì không có bạn bè, mọi người ở đây lịch sự nhưng thật khó để kết bạn mới. Ngoài ra, bà Li không có việc gì khác ngoài việc chăm sóc đứa cháu gái của mình.

Đằng sau những vụ cha mẹ kiện con cái, đòi tiền công chăm cháu: Khi những điều hiển nhiên trở thành vô trách nhiệm và chữ Hiếu thời hiện đại - Ảnh 3.

Trong một nghiên cứu vào năm 2017 với khoảng 3.600 hộ gia đình ở sáu thành phố lớn bao gồm Bắc Kinh và Quảng Châu, Hiệp hội Giáo dục Trung Quốc đã phát hiện gần 80% hộ gia đình được khảo sát thì có ít nhất một ông hoặc bà là người chăm sóc trẻ em trước khi chúng bắt đầu học tiểu học. Nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng, 60% phụ huynh vẫn dựa vào sự giúp đỡ của ông bà sau khi trẻ đủ tuổi đến trường học tiểu học.

Một câu hỏi được đặt ra là liệu những người già có nên được con cái mình trả công xứng đáng cho công sức của họ hay không? Một cuộc thăm dò ý kiến được thực hiện trên mạng xã hội nổi tiếng Weibo vào cuối tháng 6 vừa qua với hơn 49.000 người dùng mạng đã cho kết quả bất ngờ. Hơn một nửa trong tổng số ủng hộ việc con cái cần trả tiền nuôi cháu cho cha mẹ. Chỉ có 2,3% cho rằng việc trông trẻ là trách nhiệm không thể nào thay đổi được đối với những người cao tuổi.

Nhà nghiên cứu Xu cho biết, việc "trả công" có thể được thực hiện theo nhiều cách khác nhau chẳng hạn như con cái tặng quà cha mẹ vào dịp lễ tết hay đưa họ đi du lịch, nghỉ dưỡng. Điều này vừa cải thiện mối quan hệ trong gia đình vừa là cách để các con báo hiếu cha mẹ.

"Tôi nghĩ rằng một khoản tiền gửi thường xuyên là hơi khó xử nhưng tôi mong đợi món quà từ con cái. Đó có thể là những nhu yếu phẩm hàng ngày hay những món đồ thiết thực nào đó", bà Li cho hay.

Đằng sau những vụ cha mẹ kiện con cái, đòi tiền công chăm cháu: Khi những điều hiển nhiên trở thành vô trách nhiệm và chữ Hiếu thời hiện đại - Ảnh 4.

Việc con cái báo hiếu, trả ơn cha mẹ là điều tùy tâm ở mỗi người.


Anh Dai, một nhân viên văn phòng, 30 tuổi ở Bắc Kinh, cho biết những món quà dành tặng cha mẹ vì công ơn của họ phụ thuộc vào tình hình tài chính của từng gia đình.

"Cha mẹ tôi là một nông dân. Họ từ An Huy đến Bắc Kinh để giúp tôi chăm sóc con trai mình. Ngoài việc trang trải chi phí sinh hoạt cho cả nhà, tôi còn biếu bố mẹ tiền vào ngày sinh nhật hay những dịp lễ Tết bởi vì khi trông con giúp chúng tôi, cha mẹ đã mất cơ hội để làm việc.

Ở một số gia đình, ông bà có thể đã nghỉ hưu và có lương hưu cao. Tôi nghĩ họ không cần con cái đưa tiền. Họ cần nhiều hơn sự tôn trọng, biết ơn của con cái qua những lời nói và hành động", anh Dai nói.

Nhà nghiên cứu Xu cho rằng, đối với những người con không bao giờ tỏ lòng biết ơn cha mẹ có muôn vàn lý do để họ không cung cấp tiền trợ dưỡng cho họ. Theo ông Zhang Tao, một luật sư tại Công ty luật Hiways ở Thượng Hải, cho biết có rất ít những người già hiện nay cho rằng họ không có nghĩa vụ phải giúp con cái chăm sóc cháu. Đa phần họ đều cho rằng đó là trách nhiệm của họ.

"Tôi nghĩ rằng những người làm ông làm bà nên được con cái chi trả cho những gì họ đã bỏ ra cho việc học hành, chi phí y tế, ăn ở của những đứa cháu", luật sư Zhang cho hay.

Mặc dù vậy, với một xã hội vẫn duy trì những nếp nghĩ truyền thống như ở Trung Quốc, việc cung cấp tiền cho cha mẹ chăm sóc cháu vẫn được coi là một vấn đề khó nói hết thành lời và quan trọng hơn cả chính là cái tâm ở mỗi một con người đối xử với cha mẹ của mình.

(Nguồn: SCMP)

Theo Diệp Lục

Cùng chuyên mục
XEM