Đằng sau những tour du lịch giá siêu rẻ ở Trung Quốc: "Trải nghiệm mệt mỏi" dành cho những người đủ sức "chạy sô"
Tour du lịch 3 ngày chỉ gói gọn trong 198 tệ (tương đương 700 nghìn đồng) là trải nghiệm như thế nào?
Tình trạng già hóa dân số hiện nay tại Trung Quốc đang ở mức nghiêm trọng. Thêm vào đó, đa phần con cái đều bận rộn hiếm khi có thời gian chăm sóc cha mẹ. Do vậy, mô hình tour du lịch giá siêu rẻ dành cho người cao tuổi thi nhau mọc lên. Thế nhưng, nghỉ ngơi vui chơi đâu chẳng thấy, chỉ thấy toàn là "tiếp thị mua đồ".
Phóng viên báo Đô Thị đã tìm và đăng ký 1 tour du lịch 3 ngày đi tỉnh Hà Nam, Trung Quốc được quảng cáo rầm rộ trên WeChat. Trong đó có ghi nội dung chi tiết, giờ lên xuống xe, ăn ở, vui chơi được sắp xếp hợp lý, các điểm mua sắm cũng công khai, đồng thời nhấn mạnh "tiêu dùng tự nguyện, không bắt buộc", tất cả chỉ gói gọn trong 198 tệ (tương đương 700 nghìn đồng).
Vào lúc 6h10' sáng ngày 12/3, nhiều người chờ đi du lịch đã tập trung gần Xinye Plaza, hầu hết đều đã ngoài 60 tuổi
Du lịch như "chạy sô"
Chuyến đi bắt đầu vào lúc 5h45' sáng ngày 12/3/2021, phóng viên đến Xinye Plaza, tại thị trấn Thiên Tân, Trung Quốc theo tin nhắn của hướng dẫn viên để chờ xe. Đây là điểm xuất phát của nhiều đoàn du lịch. Khi phóng viên đến, nhiều xe khách và cụ già đã đợi sẵn ở đây.
Đến khoảng 6h30', hành khách lên xe đông đủ và bắt đầu xuất phát. Ngoài 198 tệ (tương đương 700 nghìn đồng) đã thanh toán trước đó, hướng dẫn viên tính các khoản tiêu dùng cần thiết ghi trong phần mô tả hành trình trên xe hết 100 tệ (tương đương 350 nghìn đồng).
Xe khách chật kín người khiến không khí lưu thông kém
Không khí trong xe oi bức và không gian chỗ ngồi khá chật hẹp, 1 số thành viên trong đoàn bắt đầu cởi áo khoác, phóng viên cũng cảm thấy hơi bứt rứt, chân tay trở nên tê mỏi.
Trong đoàn du lịch 50 người, ngoại trừ phóng viên và 2 thanh niên, những người còn lại đều trong khoảng 60-70 tuổi, cũng không ít người đã ngoài 70 tuổi. Vì phải đi cho kịp hành trình nên giờ ăn trưa rất eo hẹp, nhiều cụ già trong đoàn tỏ ra rất có "kinh nghiệm", họ tự mang theo cơm hộp chứ không ăn tại quán. Trong giờ nghỉ trưa, phóng viên nhận thấy hầu hết họ đều là vợ chồng già, hoặc vài người bạn đi du lịch cùng nhau.
Sau gần 12 tiếng, chiếc xe dừng lại tại thành phố Tân Hương, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc để đón hướng dẫn viên du lịch địa phương Tiểu Tống. Sau đó đoàn tiếp tục hành trình, 6h tối thì đến được "quán trọ 3 sao" như trong quảng cáo.
Khách sạn đạt tiêu chuẩn "3 sao"
Trái ngược với phóng viên uể oải, tay chân mỏi rã rời, các cụ già lại rất hào hứng, chẳng mấy chốc đã kéo được hành lý vào nhà trọ. Bữa tối tiêu chuẩn 15 tệ (tương đương 53 nghìn đồng), 10 người 1 bàn gồm có bánh bao hấp và ngô xay. Khi phóng viên còn chưa kịp định thần thì các cụ ông, cụ bà đã kết thúc "trận chiến" và lên phòng. Phòng ngủ ở đây không có hệ thống sưởi, bật điều hòa phải trả thêm 20 tệ (tương đương 70 nghìn đồng).
Ngắm cảnh là phụ, "tiêu tiền" là chính
Theo sự sắp xếp của hướng dẫn viên Tiểu Tống, sáng hôm sau mọi người dậy từ lúc 4h30' và ăn sáng lúc 5h, xuất phát lúc 5h20'. Đến 6h, cả đoàn tới thắng cảnh đầu tiên của chuyến đi - Wanxianshan (công viên quốc gia ở hành phố Tân Hương, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc), sau đó thăm thú tiếp Guoliangcun (nằm sâu trong dãy núi Taihang, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc, Guoliang là ngôi làng làm hoàn toàn từ đá với dân số chỉ vào khoảng hơn 300 người). Vì dậy sớm nên mọi người có nhiều thời gian hơn để tham quan tự túc cả 2 điểm vào buổi sáng. Bữa trưa hành khách ăn tự do, muốn ăn thì trả thêm 30 tệ (tương đương 100 nghìn đồng).
Do hành trình quá gấp gáp, 1 số cụ già đã ngủ luôn trên đệm cao su tại cửa hàng
Đến chiều hướng dẫn viên bắt đầu dẫn du khách đi "mua sắm". Điểm đầu tiên bán đệm cao su, có nhiều cụ già do quá mệt nên đã tranh thủ làm 1 giấc tại đó. Sau hơn 1 tiếng đồng hồ thuyết trình, tưởng chừng như sắp hết thì anh chàng nhân viên tiếp tục rao bán các loại thuốc bắc chữa bách bệnh.
Cửa hàng thứ 2 bán 1 chiếc cốc bạc trị giá gần 3.000 tệ (tương đương 10 triệu đồng), thế nhưng nữ nhân viên bán hàng lại giảm xuống 1.300 tệ vì "chỉ còn 1 chiếc cốc duy nhất" và "hôm nay là ngày đặc biệt". Những tưởng chẳng có ai mua, nào ngờ vẫn có 1 cụ bà bị mắc lừa. Khi phóng viên lấy điện thoại di động ra định chụp ảnh, nhân viên bên cạnh lập tức ngăn lại và yêu cầu xóa đi.
Khi bước ra khỏi cửa hàng thì trời đã tối mịt
Tiếp theo, cả đoàn được đưa đến cửa hàng bán nồi inox "chất liệu siêu bền bỉ", cũng những chiêu trò như trên kèm thêm khuyến mãi "khám bệnh miễn phí" đã thu hút không ít người cao tuổi. Sau 1 hồi đắm chìm vào trong những lời quảng cáo bùi tai, đã có 6 người quẹt thẻ mua nồi. Khi bước ra khỏi cửa hàng thì trời đã tối.
Trái với 1 số cụ già mua đồ, có 1 số người tỏ ý không hài lòng. Đợi khách lên hết xe, hướng dẫn viên Tiểu Tống bắt đầu "xin lỗi" với lý do "vì ảnh hưởng của dịch bệnh, ngành du lịch gặp khó khăn nên phải kết hợp tiếp thị bán sản phẩm mới có thể tồn tại." Trong lịch trình còn 1 điểm cuối là bán than tre, Tiểu Tống bắt đầu nài nỉ, mong hành khách "hảo tâm" mua 1 ít để anh chàng có tiền hoa hồng nuôi gia đình.
Phóng viên ước tính rằng ngoài phí gốc 198 tệ (tương đương 700 nghìn đồng), thì chỉ trong vỏn vẹn nửa ngày, chi phí mua sắm của nhóm 50 người rơi vào khoảng 16 nghìn tệ (tương đương 56,7 triệu đồng).
1 cụ già mua đồ sau khi nghe quảng cáo
Đến 9h tối đoàn người mới được đi ăn, phóng viên về khách sạn (đã di chuyển sang nơi ở khác) sau khi nạp năng lượng, phòng ở đây không có nước nóng cũng như wifi, giường không sạch sẽ và thiếu ngăn nắp, lại còn 3 người ở chung. Người ở cùng phòng với phóng viên sợ lạnh nên đã trả tiền để bật điều hòa, nhưng chiếc điều hòa có vỏ ngoài ngả sang màu vàng chỉ phả ra hơi nóng yếu ớt, chẳng ấm hơn được là bao.
Trở về
Ngày thứ 3, tất cả lại phải dậy lúc 5h, ăn sáng xong và khởi hành lúc 5h40' để đi Thung lũng Baligou (còn được gọi là Thế giới nước Bắc, nằm ở thành phố Tân Hương trong khu danh lam thắng cảnh núi Taihang), đây cũng chính là địa điểm cuối cùng của chuyến đi. 2 ngày đầu phải "chạy sô" khiến phóng viên mệt nhoài, anh tự thuê 1 chiếc xe tham quan (được cung cấp trong điểm du lịch) để dạo quanh cho mát mẻ, trong khi đó 1 số cụ già đã gần 70 tuổi lại muốn đi bộ tập thể dục.
10h tối ngày 14/3, xe về đến thành phố, 1 số thành viên trong đoàn xuống xe đi về
Đến 12h trưa, hướng dẫn viên Tiểu Tống đi cùng du khách 1 đoạn thì tạm biệt mọi người và xuống xe. Hành trình về dự kiến mất gần 12 tiếng và đoàn du lịch đã trả khách an toàn lúc gần 11h tối.
Trên chặng đường dài đằng đẵng, người cao tuổi không hề cảm thấy mệt mỏi, họ vừa cầm điện thoại vừa xem những bức ảnh được chụp được ở danh lam thắng cảnh, thậm chí có người còn ngân nga hát.
Biết bị lừa nhưng vẫn cứ đi
Một cụ già đi 1 mình nói với phóng viên: "Nhìn thấu mánh khoé (của phía tổ chức tour) nhưng không nói ra thôi, dù sao cũng có bạn cùng tuổi để trò chuyện, còn hơn là ở viện dưỡng lão."
Rõ ràng cụ ông ấy biết những chuyến du lịch giá rẻ ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất cũng như tinh thần của mình nhưng vẫn đi, bởi ông thấy cô đơn và buồn chán. Nếu không đi du lịch mà để tình trạng đó kéo dài sẽ gây hại cho những người trung niên và cao tuổi.
Chiếc xe khách bon bon chạy trên đường cao tốc trong đêm
Trong đoàn du lịch giá rẻ mà phóng viên tham gia, cũng có rất nhiều người cao tuổi biết rõ người ta thêm hoạt động mua sắm hoặc bổ sung các mặt hàng du lịch trả phí, nhưng vẫn đi và nhiệt tình hưởng ứng. Dù rằng du lịch có thể mở rộng tầm mắt và thư giãn đầu óc, nhưng những chuyến đi chơi chất lượng cao và những chuyến đi "mua sắm" với chi phí thấp là 2 khái niệm khác nhau. Ngoài ra, tour du lịch giá rẻ là "căn bệnh kinh niên" trên thị trường du lịch. Giá vé quá thấp gây "nhiễu giá" thị trường, thậm chí còn gây bất lợi cho sức khỏe thể chất và tinh thần của người cao tuổi.
Trung Quốc đang đối mặt với sự già hóa nhanh, và trước thị trường tiêu thụ khổng lồ ấy, ngành du lịch cần thay đổi tư duy, tính giá cả và chất lượng khoa học hơn, thay vì các cuộc du lịch kiểu "trải nghiệm mệt mỏi" như trên.
Nguồn: QQ