Đằng sau lá phiếu trắng của Việt Nam tại Liên Hợp Quốc về vấn đề Ukraine

27/03/2022 18:38 PM | Xã hội

Ông Phạm Quang Vinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mỹ cho rằng, địa chính trị nước lớn, cường quyền của các nước lớn là điều đã tồn tại từ xưa đến nay trong lịch sử, và vẫn đang tồn tại ở nhiều dạng thức. Cường quyền nước lớn là thứ phải cảnh giác, nhưng địa chính trị nước lớn là một cuộc chơi khác rộng hơn, và trong đó có không gian cho các nước nhỏ có thể đan xen lợi ích với các nước lớn và các nước khác. Đặc biệt, đâu đó còn có không gian để nước nhỏ nâng vị thế quốc gia trong khu vực và trên toàn cầu.

Ông Phạm Quang Vinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mỹ, Chủ tịch Hội Việt- Mỹ chia sẻ tại buổi hội thảo "Nhìn từ cuộc chiến Nga- Ucraina: nước nhỏ trong vòng xoáy chính trị cường quyền”, theo ông, căng thẳng Nga - Ukraine hiện tại, sâu xa là bắt nguồn từ việc Mỹ, NATO đã mở rộng ảnh hưởng sang phía Đông trong suốt những năm qua, làm thu hẹp không gian an ninh của Nga. Nga cũng đã nhiều lần cảnh báo với các nước về điều đó.

Khi cuộc xung đột đã nổ ra, có nghĩa Nga đã thấy được mối đe dọa là không gian an ninh của mình đang bị thu hẹp lại, và cũng có nghĩa là các bên đã thấy mối đe dọa của Nga đến mình lớn hơn. Dường như đang có những sự chuyển động, trong cục diện của châu Âu khi cuộc chiến xảy ra.

Theo ông Vinh, cuộc chiến này, có nhiều nguyên nhân và cũng có nhiều cách đánh giá khác nhau, nhưng nếu kế hoạch là nhanh chóng giải quyết vấn đề quân sự ở Ukraine, thì đến nay đã hơn 1 tháng chưa giải quyết được. Dường như giải pháp quân sự sẽ không giúp đạt đủ các mục tiêu đã đề ra của bản thân Nga, chưa muốn nói là cục diện của cuộc chiến này sẽ không cho phép đạt được điều đó.

Đâu đó sẽ cần một điều ngoài giải pháp quân sự, có thể là giải pháp chính trị, như việc Kiev trở nên trung lập, như không tham gia NATO, sửa hiến pháp để bỏ mục tiêu tham gia NATO. Bản thân Ukraine, có thể cũng đã nhận thức rõ rằng câu chuyện được kết nạp vào NATO sẽ không phải là tương lai gần.

Song, liên quan tới các yêu cầu về lãnh thổ của Nga tới Ukraine, như việc vấn đề ở Crimea và hai vùng ly khai ở Donbass, dường như chính quyền Kiev không thể đồng ý trên bàn đàm phán. Và ngay cả nếu có giải pháp chính trị, thì câu chuyện đã có những thứ vượt qua khuôn khổ Nga - Ukraine, như sự cấm vận từ phía châu Âu.

Cũng tại hội thảo, ông Nguyễn Quốc Cường, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, người từng có thời gian phụ trách khu vực châu Âu và Nga, đồng thời là nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mỹ, Nhật Bản đánh giá, việc nổ ra chiến sự giữa Nga và Ukraine, mặc dù có những dự báo trước, nhưng là tương đối bất ngờ. Bất ngờ này đã tạo ra hàng loạt những điều chưa có tiền lệ.

Đầu tiên, xung đột này đã tạo ra bước ngoặt lớn nhất tại châu Âu kể từ Chiến tranh Lạnh. Hiệp ước Helsinki ký năm 1975 được coi là khung thỏa thuận bảo đảm an ninh châu Âu hậu chiến tranh. Xung đột này, với nguy cơ lan ra toàn châu lục, sẽ kéo theo hàng loạt vấn đề về kinh tế và khủng hoảng nhập cư, để lại hậu quả lâu dài cho châu Âu trong thời gian tới.

Đặc biệt, sau những năm chính quyền Mỹ có quan điểm nước Mỹ trên hết, thì có lẽ đây là thời điểm không thể nào tốt hơn để Mỹ tập hợp lại lực lượng đồng minh. Các biện pháp cấm vận mà Mỹ đưa ra được phương Tây hưởng ứng rất nhanh, trừ những biện pháp liên quan trực tiếp đến lợi ích như nhập khẩu năng lượng của Nga. Đây cũng là khía cạnh mà châu Âu phải tính toán, để độc lập khỏi năng lượng Nga.

Cuộc chiến này vẫn rất khó đoán định về tương lai, và các kịch bản, trong khi tác động thì vô cùng sâu rộng, tạo ra thách thức rất lớn với luật pháp quốc tế. Đặc biệt là tạo ra những rạn nứt, giữa Nga - Ukraine, hay Nga - châu Âu, có thể sẽ phải mất tới hàng thập kỷ để hồi phục, có thể đẩy Nga vào thế kẹt, chứ không phải đơn giản.

Nhưng rõ ràng, Nga vẫn sở hữu 3 "vũ khí" quan trọng để tiếp tục duy trì vị thế trên thế giới. Thứ nhất là quyền phủ quyết ở Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, thứ hai là tài nguyên nhiều nước phải phụ thuộc và kho vũ khí hạt nhân lớn nhất nhì thế giới. Nên các nước dù cô lập Nga, cũng không bao giờ quên điều đó.

Một lá phiếu hợp lý, được cân nhắc kỹ và xuất phát từ lợi ích của Việt Nam

Theo ông Nguyễn Quốc Cường, trong bối cảnh này, không có "vũ khí" nào bảo vệ các nước nhỏ và nước tầm trung bằng luật pháp quốc tế. Việt Nam - trong số các nước này - cần kiên trì theo đuổi điều đó.

"Luật pháp quốc tế", "độc lập chủ quyền"... là những vấn đề phải nói, vì đó là vũ khí của chúng ta, không nói sao được, bắt buộc phải nói! Ngày nay nói, ngày mai nói, ngày kia nói, nói đi nói lại, lúc nào cũng phải nói" - ông Cường nhấn mạnh.

Các nước nhỏ và nước tầm trung nhận được sự ủng hộ hay không, uy tín có tăng lên hay không chính là từ việc bảo vệ luật pháp quốc tế.

Nguyên Thứ trưởng Cường cũng nhận định, các nước nhỏ và tầm trung cần theo đuổi việc đa dạng hóa và nâng cao tính tự chủ, không để chỉ phụ thuộc vào bất kỳ bên nào. Đặc biệt vấn đề an ninh mạng, là hết sức cần thiết, cần chuẩn bị kỹ năng phòng thủ và khả năng răn đe trước tấn công.

Về lá phiếu trắng của Việt Nam, ông cho rằng đây là một lá phiếu hợp lý, với vị thế Việt Nam và xuất phát từ lợi ích của chính Việt Nam. Mỗi lần Việt Nam bỏ phiếu tại Liên Hợp Quốc, không vì bất cứ sự ủng hộ của ai, mà xuất phát từ chính lợi ích của Việt Nam, thể hiện chính sách ngoại giao độc lập của Việt Nam và đã cân nhắc kỹ lưỡng về quan hệ ngoại giao với tất cả các bên.

Ông Phạm Quang Vinh cũng khẳng định: "Chúng ta có quan hệ tốt với Ukraine và Nga. Chúng ta luôn muốn duy trì quan hệ tốt với cả hai nước. Khi hai người bạn có mâu thuẫn lẫn nhau, Việt Nam mong muốn những căng thẳng được tháo gỡ và ủng hộ cho hai bên đối thoại để giải quyết vấn đề".

Thái Quỳnh

Cùng chuyên mục
XEM