Đằng sau chuyện LEGO xây nhà máy đồ chơi 1,3 tỷ USD ở Bình Dương: Nhà cung ứng nào chậm chuyển đổi năng lượng sẽ bị loại khỏi cuộc chơi!
Sáng 3-11, Tập đoàn LEGO (Đan Mạch) tổ chức lễ khởi công xây dựng nhà máy mới trị giá 1 tỉ USD tại tỉnh Bình Dương. Đây là nhà máy thứ 6 của Tập đoàn Lego trên toàn cầu và là nhà máy đầu tiên được thiết kế thành cơ sở trung hòa carbon và là nhà máy bền vững nhất của tập đoàn này trên toàn cầu.
Trao đổi với báo chí sau lễ khởi công, ông Christiansen cho biết có 3 lý do khiến tập đoàn Đan Mạch lựa chọn Việt Nam làm điểm đến cho khoản đầu tư lớn này.
Đầu tiên, ông tin tưởng Việt Nam có đủ nguồn lao động được đào tạo để đáp ứng nhà máy công nghệ cao này. Thứ hai, Chính phủ Việt Nam có tầm nhìn rất mạnh mẽ về việc phát triển bền vững, giảm phát thải phù hợp với tầm nhìn của tập đoàn Đan Mạch. Cuối cùng, Việt Nam có quan hệ thương mại rất tốt với các quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Ngoài ra, CEO này cũng hé lộ lý do lựa chọn Bình Dương sau khi tìm kiếm nhiều địa điểm tại Việt Nam để đặt nhà máy. Theo ông Christiansen, một trang trại điện năng lượng mặt trời sẽ được đặt sát bên cạnh, phục vụ hoạt động của nhà máy. Đây là điều kiện thuận lợi để tập đoàn này chọn Bình Dương xây dựng nhà máy.
Nhà máy LEGO tại VSIP III sẽ sử dụng các thiết bị sản xuất tiết kiệm năng lượng hiện đại nhất, đáp ứng mức tiêu chuẩn tối thiểu của LEED Gold – chứng chỉ công trình xây dựng xanh được công nhận trên toàn cầu. Qua đó, những nỗ lực này sẽ góp phần vào mục tiêu giảm 37% lượng khí thải carbon tuyệt đối của Tập đoàn vào năm 2032 (so với năm 2019).
Có thể nhìn thấy rất rõ xu hướng hiện nay của các doanh nghiệp, tập đoàn lớn trên thế giới từ sự kiện này của LEGO, đó là chuyển đổi dần sang con đường xanh: xây dựng xanh, sản xuất xanh, sử dụng nguyên liệu, năng lượng xanh.
Năng lượng tái tạo (tiếng Anh là Recycled Energy) được định nghĩa là quá trình thu hồi nhiệt sẽ tiêu tán vào khí quyền và chuyển hóa thành điện năng mà không cần phát thải hoặc tiêu thụ nhiên liệu. Phát triển năng lượng tái tạo hay còn gọi là năng lượng xanh, đang dần chiếm vị trí quan trọng trong sự phát triển kinh tế bền vững ở các nước.
Quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo là sự thay đổi về chính sách, cơ cấu, công nghệ từ sản xuất, tiêu thụ các nguồn năng lượng hóa thạch truyền thống (than, dầu, khí tự nhiên) sang các nguồn năng lượng tái tạo, bền vững (gió, mặt trời, nước, sinh khối, hydro, nhiên liệu sinh học…).
Theo bà Trần Thị Khánh Hiền - Giám đốc Phân tích công ty chứng khoán VNDirect, những nguyên nhân khiến quá trình chuyển đổi này trở thành xu hướng tất yếu:
Thứ nhất, đảm bảo an ninh năng lượng. Khi mà tất cả các nguồn năng lượng khác hữu hạn và khó có khả năng tiết kiệm, nguồn cung và giá LNG (khí thiên nhiên hóa lỏng) có biến động khó lường thì phát triển năng lượng tái tạo là một giải pháp.
Theo ước tính của các tổ chức quốc tế, quy mô mảng năng lượng tái tạo trên thế giới sẽ đạt 27.000 tỷ USD vào năm 2050.
Với Việt Nam, nếu muốn nền kinh tế tăng trưởng trung bình từ 6%-7% GDP thì nhu cầu tiêu thụ điện ước tính tăng trưởng hơn 8% từ nay đến 2030. Năng lượng tái tạo sẽ góp phần giải quyết câu chuyện về sản xuất điện đáp ứng nhu cầu phát triển của Việt Nam.
Thứ hai, vấn đề cạnh tranh năng lực xuất khẩu và sản phẩm Made in Vietnam. Hầu hết các tập đoàn sản xuất lớn trên thế giới đều đã tham gia cam kết Net Zero Carbon vào năm 2050. Do đó, tới 78% các nhà sản xuất lớn trên thế giới sẽ loại bỏ các nhà cung ứng chậm chuyển đổi năng lượng vào năm 2050.
Quay trở lại câu chuyện LEGO, bà Hiền cho rằng đằng sau việc xây dựng nhà máy đầu tiên theo cam kết Net Zero Carbon của Lego có thể thấy thông điệp mà những tập đoàn sản xuất lớn trên thế giới đã gửi đến lãnh đạo các nước
"Chính phủ nào, đất nước nào có thể đáp ứng được nhu cầu năng lượng sạch cho các tập đoàn thì quy mô nguồn vốn, quy mô đơn hàng sản xuất sẽ rơi vào nước đấy" bà Hiền nói.
Hiện nay, cường độ carbon của sản xuất xuất khẩu Việt Nam đang gấp đôi Trung Quốc và lớn hơn rất nhiều các quốc gia như Indonesia, Malaysia, Thái Lan,... "
"Điều này có nghĩa là chúng ta chậm chuyển đổi năng lượng ngày nào thì sẽ làm suy yếu năng lực xuất khẩu cũng như suy yếu tính cạnh tranh của sản phẩm Made in Việt Nam" bà Hiền nhấn mạnh.
Cùng chung quan điểm, trong buổi gặp gỡ nhà đầu tư diễn ra vào ngày 3/11 tại tp Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng giám đốc Trung Nam Group - doanh nghiệp tư nhân sản xuất năng lượng tái tạo lớn nhất ở Việt Nam khẳng định:
"Xu thế không có cách nào khác. Lịch sử loài người chúng ta các anh chị thấy trả giá quá nhiều rồi. Mình cam kết rồi, mình không theo dòng xoáy đó, mình sản xuất ra không ai mua đâu, bởi cấm nhập - xuất mà. Cái này không xanh, dừng lại"
Net Zero đạt được khi tổng lượng khí nhà kính do con người thải ra được cân bằng lại bằng cách loại bỏ các loại khí này ra khỏi khí quyển thông qua quá trình loại bỏ carbon.
Đầu tiên và quan trọng nhất là lượng khí thải do con người thải ra (chẳng hạn như khí thải từ các phương tiện và nhà máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch) phải được giảm càng gần 0 càng tốt.
Sau đó, các khí nhà kính còn lại cần được cân bằng với một lượng carbon tương đương bị loại bỏ, có thể thông qua các hoạt động như phục hồi rừng hoặc sử dụng công nghệ thu giữ không khí trực tiếp (DACS). Đạt Net Zero cũng giống như đạt “sự trung hòa về khí hậu”.
Đến nay, có 137 quốc gia, đại diện cho 88% tổng lượng phát thải thế giới, gồm các nước phát thải lớn như Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ đã cam kết hoặc hướng tới mục tiêu Net Zero. Mỗi quốc gia tự đặt ra mốc thời gian để đạt mục tiêu này, phần lớn là vào năm 2050, một số ít ngoại lệ vào năm 2035 và muộn nhất vào năm 2070.