Đặng Lê Nguyên Vũ: "Tại sao có người thành công - kẻ thất bại?"

30/03/2018 08:25 AM |

Năm 2014, thời điểm ông chủ Trung Nguyên bắt đầu chuỗi ngày nhịn ăn, đối thoại với danh nhân đã mất, ông hay nói về cuốn sách "Khát vọng Việt" đang soạn thảo. 4 năm sau, sách vẫn chưa ra mắt, còn Đ...

Đặng Lê Nguyên Vũ từng viết lời đề tựa trong cuốn sách về Do Thái rất nổi tiếng được dịch tại Việt Nam - cuốn Quốc Gia Khởi Nghiệp, xuất bản năm 2013. Lời đề tựa cuốn sách này cũng là một trong những lần cuối ông Đặng Lê Nguyên Vũ - người từng được miêu tả là mạnh miệng, sẵn sàng trả lời phỏng vấn, thích đàm đạo với nhiều người - còn xuất hiện công khai.

Khi đó, ông nói, nỗi trăn trở lớn nhất đời là "Vì sao có nhiều điều người Do Thái làm được, mà người Việt không làm được?".

"Có một số câu hỏi mà chúng ta cần phải xác định là nỗi- trăn-trở-đời-người. Ấy là: Tại sao có người thành công - kẻ thất bại? Tại sao có nước giàu - nước nghèo? Tại sao Việt Nam vẫn mãi nghèo? Làm thế nào để trở thành quốc gia vĩ đại, hùng cường, có tầm ảnh hưởng? Người khác làm được sao ta không làm được? Nước khác làm được sao nước ta không làm được?

Trước những câu hỏi thời đại, ta cần phải thao thức nhiều ngày đêm, phải tìm hiểu qua nhiều sách vở, tham vấn nhiều nhân vật ảnh hưởng, phải nghiên cứu nhiều quốc gia và mục sở thị nhiều cảnh đời... Có nhiều quốc gia, dân tộc cần phải được điển cứu để rút ra nguyên lý thành công phổ quát cho Việt nam. Và Israel là dân tộc không-thể-bỏ-qua trên hành trình này...

Tôi có thể may mắn hơn một số người khi có khá nhiều cơ hội đi thực hiện Israel. Nỗi niềm đau đáu trong tôi là bằng cách nào một một dân tộc chỉ với 4 triệu dân lại có thể sản sinh ra vô số chủ nhân Nobel, khoa học gia lỗi lạc và những nhà chính trị - kỹ nghệ đa tài để kiểm soát các lĩnh vực then chốt của thế giới? Làm thế nào mà một dân tộc hai nghìn năm vong quốc lại có thể chi phối hành tinh?...

Israel có tài nguyên thiên nhiên bằng không, hai phần ba diện tích là hoang mạc, còn lại là đồi núi, sỏi đá cằn cỗi; nước ngọt thiếu trầm trọng. Nghịch cảnh như vậy, điều kiện thiếu đất - thiếu nước - thiếu người như vậy mà họ vẫn luôn tự chủ.

Điều đáng suy ngẫm là diện tích nước ta lớn hơn Israel khoảng 12 lần, dân số đông hơn gần 11 lần và tài nguyên nhiều gấp bọ Israel nhưng GDP đầu người lại kém họ 23 lần (theo số liệu Liên hợp quốc 2011)... Đây là nỗi niềm lớn của chúng ta.

Ta cần phải hỏi, họ làm được sao ta không làm được? Họ nào phải thần thánh gì? Họ cũng là da thịt, cũng sinh-lão-bệnh-tử như ta. Họ cũng là người như ta thôi. Vậy tại sao họ làm được mà ta không thể làm được?

Ta tuyệt không thiếu bất cứ một điều kiện nào để trở thành cường quốc. Nhưng phải chăng nhân tố chúng ta thiếu chính là sức mạnh tinh thần, nhất là tinh thần quật cường và đoàn kết trong thời bình.

Trở thành doanh nhân khởi nghiệp là chuẩn mực trong xã hội Israel ngày nay. Rõ ràng, văn hóa đóng vai trò sinh tử trong phát triển quốc gia, bên cạnh tầm nhìn của giới tinh hoa, ý thức hệ, thể chế vĩ mô và chiến lược thực thi, được kích xúc bởi văn hóa khởi nghiệp...".

Theo L.T

Cùng chuyên mục
XEM