Đang giàu có đạt đỉnh thì bị bệnh, tỷ phú Trung Quốc quyết định nghỉ kinh doanh, đầu tư 1 tỷ USD để "mở khóa" não bộ con người
Tỷ phú Tianqiao Chen chia sẻ: "Không ai tránh được cái chết nhưng chúng ta có thể giảm bớt nỗi đau gây ra bởi bệnh tật".
Mới đây, người sáng lập Tập đoàn Đầu tư Shanda, tỷ phú Tianqiao Chen đã chi 1 tỷ USD để hỗ trợ cho một nghiên cứu mà ông tin rằng có thể trở thành đột phá lớn liên quan đến bộ não của con người.
Ông cho biết việc hiểu rõ hơn hoạt động của bộ não có thể giúp điều trị rối loạn tâm thần và các bệnh thoái hóa thần kinh mà những phương pháp khác chưa thành công. Trước đây, Chen từng là quản lý của một công ty công nghệ lớn ở Trung Quốc. Đến năm 2012, ông đã giảm đáng kể hoạt động kinh doanh để tập trung vào vấn đề sức khỏe tâm thần của chính mình. Và đây chính là điều khiến ông chuyển sự chú ý và một nửa tài sản cá nhân sang lĩnh vực nghiên cứu não bộ.
Chân dung tỷ phú Tianqiao Chen.
Số tiền quyên góp của ông bao gồm một món quà trị giá 115 triệu USD để xây dựng một viện khoa học thần kinh tại Viện Công nghệ California và 72,9 triệu USD để thành lập một đơn vị tương tự tại Bệnh viện Huashan thuộc Đại học Fudan, một cơ sở thần kinh hàng đầu ở Trung Quốc.
Dưới đây là một số câu trả lời phỏng vấn của ông với Bloomberg:
- Sau khi trở thành một tỷ phú ở tuổi 30, thử thách tiếp theo của ông là gì?
Hầu hết mọi người đều có mục tiêu hàng đầu là trở nên giàu có và tôi đã đạt được nó từ khá sớm. Tuy nhiên, sau đó tôi bị bệnh và bắt đầu nghĩ rằng mình có thể làm nhiều hơn để giúp đỡ mọi người một cách trực tiếp. Không ai có thể tránh khỏi cái chết nhưng chúng ta có thể làm giảm sự đau đớn gây ra bởi bệnh tật. Tôi đang muốn nói đến vấn đề lo lắng quá mức và trầm cảm.
Tôi đã trao đổi với nhiều nhà khoa học và nhận ra rằng đó sẽ là một hành trình dài bởi nỗi đau không đơn thuần chỉ là cảm giác mà còn là sự điều khiển của não bộ. Cách duy nhất để chữa trị là hiểu được bí ẩn của bộ phận này và cách chúng ta cảm nhận nỗi đau. Giờ đây, cùng sự phát triển của nhiều công nghệ mới, chúng ta có thể áp dụng phương pháp tiếp cận từ dưới lên: tìm hiểu từ mức độ phân tử, cách hình thành cảm xúc và kí ức.
Tôi cho rằng đây là thời điểm phù hợp để con người trả lời những câu hỏi trên. Hy vọng khoản đóng góp 1 tỷ USD của tôi sẽ trở thành chất xúc tác cho việc nghiên cứu.
- Kỳ vọng của ông là gì?
Từ quan điểm công nghệ và thực tế, tất nhiên chúng tôi có một số kỳ vọng nhất định. Tôi muốn biết cơ chế cơ bản của việc não bộ xử lý cảm xúc và suy nghĩ. Ví dụ như tại sao tôi lại thích đồ ngọt? hay Tại sao một số người không thể kiểm soát bản thân và có hành động bạo lực?
Từ đó, chúng tôi sẽ hiểu được nhiều hơn về các loại bệnh và tạo ra ảnh hưởng tới toàn bộ xã hội. Chúng ta có thể nắm bắt điểm mấu chốt để giải quyết một số vấn đề của nhân loại như tự tử, khủng bố và trầm cảm.
- Điều này sẽ mở đầu cho cuộc cách mạng công nghệ như thế nào?
Tôi cho rằng khả năng không giới hạn có thể xảy ra trong 10 đến 20 năm tới. Tôi đến thăm nhiều phòng thí nghiệm và nói chuyện với nhiều nhà khoa học. Và tôi đã thấy không ít thành tựu mà bạn chỉ có thể tưởng tượng trong khoa học viễn tưởng nhưng chúng lại hoàn toàn có thật.
Tôi rất lạc quan về tác động tiềm năng của việc đạt được mục tiêu, dù vậy tôi cũng khá lo lắng về tác động tiêu cực nếu chúng tôi không xử lý vấn đề một cách chính xác.
- Chúng ta tránh điều đó bằng cách nào?
Chính phủ nên tìm một số giải pháp cho vấn đề này, mỗi chính phủ lại có quan điểm khác nhau của mình.
Công nghệ có thể gây ra một số mối lo ngại cho thế giới nhưng tôi lạc quan về tương lai. Máy móc sẽ thay thế con người trong nhiều lĩnh vực tuy nhiên không nên quá lo lắng vì điều đó. Nhìn lại lịch sử, bạn sẽ thấy hàng trăm năm qua đã có biết bao cuộc cách mạng công nghệ khiến nhiều công việc bị loại bỏ nhưng cũng tạo ra thêm không ít công việc mới.