Đang cõng mẹ trên lưng, con trai bị sét đánh chết nhưng câu nói của bà cụ mới gây chú ý
Câu nói xanh rờn của người mẹ già thốt lên đúng lúc con trai mình bị sét đánh chết khiến cả làng đổ xô vào chỉ trích bà và người con dâu.
Cái chết đột ngột của người con hiếu thảo
Nhiều năm về trước ở một ngôi làng nọ, có người đàn ông họ Vương nổi tiếng khắp vùng là hiếu thảo.
Người đàn ông ấy khi đó đã ngoài 40, tính cách thật thà, hiểu lễ nghĩa, bất luận là nói chuyện cùng ai cũng rất hòa nhã. Ngay cả khi có người chê bai mình, ông cũng không tức giận mà chỉ cười xòa rồi bỏ qua.
Trong mắt những người xung quanh, ông Vương luôn lấy việc giúp người làm vui. Phàm là nhà nào có chuyện gì, ông cũng đã chủ động tới tận cửa giúp đỡ dù họ chưa gọi tới.
Nhờ tính tình dễ mến lại có danh tiếng tốt, người đàn ông họ Vương ấy cũng rất nhiều mối nhân duyên tốt đẹp. Thế nhưng điều duy nhất khiến ông bận lòng lại là lấy vợ đã lâu mà vẫn chưa có được một người con nối dõi.
Ảnh minh họa.
Một ngày nọ, trời bỗng chốc đổ mưa lớn, ngôi làng của ông Vương liên tiếp nghe được mấy tiếng sét kinh thiên. Cũng trong khoảng khắc mưa gió ấy, một ngọn sét từ trên trời cao đã đánh thẳng vào nhà của người đàn ông hiếu thảo, khiến ông chết ngay tại chỗ.
Điều ly kỳ hơn còn nằm ở chỗ, ông Vương lúc đó đang cõng mẹ già trên lưng để bà đỡ sợ sấm sét. Thế nhưng ngọn sét đánh vào nhà lại chỉ tước đi mạng sống của một mình người con hiếu thảo ấy, còn mẹ ông chỉ bị xây xát ngoài da.
Vào thời điểm dân làng ập vào nhà, người mẹ già cả của ông Vương lẳng lặng ngồi trong góc. Bà không rơi lấy một giọt nước mắt, chỉ lạnh lùng nhìn thi thể con trai mình rồi nói một câu:
"Đánh chết nó là đáng lắm!".
Cái chết của người đàn ông hiếu thảo có tiếng cùng câu nói của bà mẹ đã khiến cả vùng quê vốn bình yên ấy không khỏi chấn động.
Và thái độ gây tranh cãi của người mẹ
Ảnh minh họa.
Nhiều tuần lễ sau cái chết của người đàn ông họ Vương, dân làng nơi đây vẫn không ngớt bàn tán. Đa số họ đều cho rằng bà lão trong gia đình ấy là một người mẹ vô tâm. Phải sống cùng người như vậy, cuộc sống của ông Vương mấy năm qua chắc cũng chẳng hề dễ chịu.
Càng lên án bà lão bao nhiêu, người ta lại càng nhớ tới những việc làm hiếu thảo của người con tội nghiệp ấy bấy nhiều.
Trong ký ức của những người dân làng, ông Vương mỗi lần ra ngoài dùng cơm đều sẽ gói lại một phần thức ăn còn nóng hổi để đem về cho mẹ.
Vào dịp Tết đầu năm, người ta đều thấy mẹ ông diện một bộ quần áo mới rồi được con trai đưa ra ngoài tản bộ.
Mỗi khi trời nổi giông bão, vì biết mẹ sợ sét nên ông Vương đều cõng bà trên lưng để giúp bà vơi bớt nỗi sợ hãi.
Nhắc lại những chuyện hiếu nghĩa của người con tội nghiệp ấy, có người còn ác ý bình luận rằng: Có lẽ hôm đó ông trời vốn muốn đánh chết bà mẹ, nhưng lại có ông Vương đứng ra che chở.
Những lời đồn độc địa càng lúc càng truyền xa, ai ai cũng nghĩ mẹ ông Vương là một người phụ nữ ác độc, thất đức.
Không ngờ một ngày kia, bà lão nghe được mấy lời đàm tiếu trong lúc đi chợ, liền đứng giữa đường ngửa mặt lên trời mà than rằng:
"Nó hiếu thảo? Nếu không phải vì thương đứa con dâu tội nghiệp của tôi, thì tôi đã chết lâu rồi để khỏi phải ở chung với nó!".
Tới lúc ấy, mọi người mới bắt đầu hoài nghi về câu chuyện nhà họ Vương, bèn tới gần để gặng hỏi bà lão. Thế nhưng dù cho ai hỏi câu gì, bà cũng chỉ im lặng lắc đầu, những giọt nước mắt bi thống không ngừng lăn dài trên gương mặt già nua.
Chân tướng phía sau bí mật khiến cả gia đình ngậm đắng nuốt cay để che giấu
Ảnh minh họa.
Hai năm sau cái chết của ông Vương, người mẹ già cũng buông tay trần thế. Chẳng bao lâu sau, cô con dâu nhà ấy đã bỏ xứ mà đi. Người trong làng biết vậy đều bảo mẹ con nhà họ Vương là kiểu phụ nữ bạc tình bạc nghĩa.
Nào ngờ một ngày nọ, người con dâu ấy đột nhiên viết một lá thư gửi cho trưởng thôn. Chỉ đến khi phong thư ấy được mở ra, dân làng mới biết được bí mật mà nhà họ Vương bấy lâu nay đã ngậm đắng nuốt cay để che giấu.
Hóa ra, ông Vương nổi tiếng hiếu thảo lại là một người khác xa với tưởng tượng của nhiều người. Vì vợ không thể sinh con, ông ta đã ngoại tình và có một người con riêng ở bên ngoài.
Mỗi lần về nhà, ông thường xuyên đóng chặt cửa nẻo để đánh đập, chửi rủa vợ mình. Nếu như không có người mẹ chồng già cả đứng ra che chở, có lẽ người vợ tội nghiệp ấy đã sớm bị đuổi ra khỏi nhà, hoặc có khi còn bị chết vì bạo hành.
Ông Vương thường xuyên thể hiện cho người ngoài biết mình là một người con hiếu nghĩa, cốt chỉ để mẹ đồng ý cho mình mang con riêng về nhà. Thế nhưng vì thương con dâu hiếu thảo, bà lão cương quyết không đồng ý nên cũng bị con trai ngược đãi một cách tàn nhẫn.
Phần thức ăn nóng hổi mà ông mang về nhà thực chất đều đem cất đi để bản thân mình ăn, còn mẹ ruột và vợ chỉ được dùng cơm thừa canh cặn.
Khi người mẹ định nói sự thật về con trai với mọi người trong thôn, ông ta đã nổi giận đánh đập bà chẳng khác nào một kẻ côn đồ.
Mỗi năm, người con bất hiếu ấy chỉ cho mẹ mặc đúng một bộ đồ mới vào dịp Tết. Sau khi dắt bà đi tản bộ cho người làng nhìn thấy, ông ta lại bắt mẹ về nhà cởi đồ rồi cất đi để năm sau mặc.
Bà mẹ và người vợ tội nghiệp của nhà họ Vương thực chất đã mấy năm chẳng có nổi một bộ quần áo mới. Bởi người đàn ông nổi danh hiếu thảo kia từng chì chiết họ: "Đàn bà mà không sinh được con thì không có tư cách mặc quần áo đẹp".
Nhiều năm về trước, chẳng biết nghe được lời đồn ở đâu rằng những kẻ bất hiếu có thể bị trời đánh, nên mỗi khi có giông bão, ông Vương đều sẽ đem mẹ già cõng lên người, coi bà như lá chắn để ngăn trở cho mình nếu chẳng may có bị trời phạt.
Thế nhưng trời xanh có mắt, kẻ bị sét đánh chết khi đang cõng mẹ trên lưng lại chính là người con giả tạo và bất hiếu ấy, còn bà lão may mắn chỉ bị thương ngoài da.
Sau khi đọc xong lá thư của cô con dâu đã bỏ xứ mà đi, người dân trong làng ai ai cũng thấy hổ thẹn và hối hận. Hóa ra kẻ mà họ ca ngợi và bênh vực bấy lâu nay lại là một đứa con bất hiếu.
Cũng kể từ đó, không còn một ai trong ngôi làng ấy còn nỡ lòng nào buông lời nói xấu hai người phụ nữ đáng thương nhà họ Vương nữa…
Nguồn internet.
Lời bình
Đạo Phật có quan niệm "Hiếu vi bách hạnh chi tiên", ý nói hiếu thảo được xem như đứng đầu trong hạnh, cũng bởi vậy mà bất hiếu bị xem như một trọng tội.
Hơn nữa, hiếu thảo và bất hiếu trước nay đều không nằm ngoài phạm vi nhân quả. Bởi nếu những việc làm hiếu nghĩa được người đời ngợi khen và đem lại nhiều phước báo, thì hành động bất hiếu chẳng những bị người đời chê trách mà còn tạo thành nghiệp ác dẫn đến địa ngục, đọa xứ.
Bên cạnh bài học về chữ hiếu, câu chuyện nhân quả báo ứng trên đây còn là lời cảnh báo cho những người vẫn thường gieo khẩu nghiệp.
Người xưa có câu "phúc họa tại miệng", Đức Phật cũng dạy "khẩu nghiệp là thứ nghiệp nặng nhất của đời người".
Bởi vậy mà ngoài những việc làm tích thêm phước đức, mỗi chúng ta đều nên cẩn trọng trước từng câu nói của bản thân, chớ nên vì đôi lời nói ra trong lúc bốc đồng mà phút chốc gánh nghiệp cả đời.
*Theo chuyên trang Phật giáo Trung Quốc