Đang có hiện tượng "lách" xác thực sinh trắc học, mở tài khoản ngân hàng tên thương hiệu để lừa đảo
Nhiều người dân Hà Tĩnh bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản bởi thủ đoạn các đối tượng mở "công ty ma", lập tài khoản ngân hàng mang tên các thương hiệu phổ biến như mỹ phẩm Mailisa, xe điện ABX để lừa đảo qua mạng.
Từ ngày 1/7/2024, Quyết định số 2345/QĐ-NHNN của Ngân hàng nhà nước Việt Nam chính thức có hiệu lực. Theo đó, các giao dịch chuyển tiền trực tuyến qua tài khoản ngân hàng trên 10 triệu đồng/lần sẽ bắt buộc phải xác thực khuôn mặt.
Đây là một bước tiến trong việc ngăn chặn gian lận. So với các phương pháp truyền thống như mật khẩu và mã OTP, sinh trắc học cung cấp một lớp bảo mật mạnh, giúp xác minh chính xác danh tính của người thực hiện giao dịch. Từ đó, bảo vệ tài khoản khách hàng và giảm thiểu rủi ro cho ngân hàng.
Tuy nhiên, liên quan đến nội dung này vẫn còn kẽ hở khiến các đối tượng lừa đảo dễ dàng "lách luật". Theo Quyết định số 2345/QĐ-NHNN, với các tài khoản ngân hàng tư cách pháp nhân không bắt buộc phải thực hiện xác thực khuôn mặt.
Các đối tượng lừa đảo đã lợi dụng quy định này để mở "công ty ma" (công ty có đăng ký kinh doanh nhưng không phát sinh bất kỳ một hoạt động kinh doanh hay sản xuất nào) rồi lập các tài khoản ngân hàng mang tên công ty để phục vụ mục đích lừa đảo.
Theo thông tin từ Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PA05, Công an Hà Tĩnh), từ tháng 6/2024 đến nay, đơn vị đã tiếp nhận, hướng dẫn giải quyết 5 vụ việc người dân trình báo bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng mà các đối tượng thực hiện hành vi sử dụng tài khoản ngân hàng mang tên các công ty TNHH với tổng thiệt hại hơn 2 tỷ đồng.
Ngày 11/9, chị H. (Lộc Hà) trình báo cơ quan chức năng, khi tham gia mạng xã hội Facebook, thấy bài viết bán sản phẩm làm đẹp của một thương hiệu “Mailisa”, chị đã liên hệ đặt mua với giá chỉ 500.000 đồng. Do thấy tài khoản ngân hàng nhận tiền mang tên “Công ty TNHH DT MAILISA” nên chị H. đã tin tưởng chuyển tiền. Sau khi chuyển tiền, chị H. tiếp tục bị các đối tượng lừa đảo yêu cầu khảo sát khách hàng và giúp nâng cao doanh số bán hàng cho công ty để được hoàn tiền. Với thủ đoạn đó, chị H. đã nhiều lần chuyển tiền qua số tài khoản nói trên cho các đối tượng với tổng số hơn 400 triệu đồng.
Trước đó, đầu tháng 7/2024, chị T. (trú tại TP Hà Tĩnh) thông qua mạng xã hội có quen biết, nói chuyện với tài khoản Facebook tên “Văn Dũng”. Sau khi trò chuyện, giữa tháng 7/2024, chị T. đã bị đối tượng lừa chuyển tiền để tham gia đầu tư qua mạng. Do nhẹ dạ cả tin, chị T. đã nhiều lần chuyển tiền theo yêu cầu của đối tượng với tổng số tiền 310 triệu đồng vào số tài khoản được chuyển đến mang tên “Công ty TNHH sản xuất xe điện ABX”.
Thủ đoạn được các đối tượng sử dụng để lừa đảo thường là: sử dụng các tài khoản mang tên công ty TNHH bất động sản để rủ rê tham gia đầu tư; sử dụng tài khoản mang tên công ty TNHH dịch vụ giải trí để rủ rê làm nhiệm vụ like, theo dõi các video, tiktok, youtube... rồi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản; sử dụng tài khoản mang tên công ty TNHH thương mại, điện máy, thiết bị điện tử... và lừa đảo bằng việc yêu cầu thực hiện nhiệm vụ thanh toán đơn hàng cho các sàn thương mại điện tử, công ty điện máy...
Thiếu tá Trần Anh Đức -Phó Trưởng phòng PA05 (Công an Hà Tĩnh) cảnh báo: Để phòng chống lừa đảo đối với các đối tượng mở "công ty ma", lập tài khoản ngân hàng mang tên công ty, người dân cần cảnh giác với lời mời chào tham gia đầu tư trên các sàn giao dịch, trang website đầu tư tài chính, chứng khoán với lợi nhuận cao; hoặc các tin nhắn, cuộc gọi giới thiệu tự xưng là nhân viên của các thương hiệu, doanh nghiệp lớn như thông báo về chương trình tặng quà, làm nhiệm vụ nhận ưu đãi lớn…
Bên cạnh đó, khi giao dịch chuyển tiền cho chủ tài khoản đứng tên là pháp nhân, cần kiểm tra, đối chiếu kỹ thông tin liên quan đến doanh nghiệp qua các nguồn chính thống đảm bảo tên tài khoản phải trùng với tên doanh nghiệp thực tế. Thường xuyên theo dõi, cập nhật về các phương thức, thủ đoạn lừa đảo mới để nâng cao nhận thức, kỹ năng phòng tránh đối với hoạt động của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.
Khi không may bị lừa đảo, người dân cần kịp thời liên hệ ngân hàng báo cáo sự việc, cung cấp những thông tin liên quan; đồng thời thu thập, lưu lại bằng chứng, làm đơn tố giác gửi tới cơ quan chức năng.