Đăng ảnh xúc xích nhưng nói là ảnh sao do kính viễn vọng James Webb chụp được, nhà khoa học Pháp đánh lừa cả cộng đồng mạng
Bài đăng "cho thấy sự thật rằng trên những mạng xã hội kiểu này, tin giả vẫn luôn thành công hơn tin thật", ông Étienne Klein nhận định.
Một nhà khoa học Pháp bỗng trở thành tâm điểm của sự chú ý, đồng thời trở thành mục tiêu của của búa rìu dư luận khi “troll” cộng đồng người dùng Twitter.
Trong bài đăng hôm 31/7 của mình, ông Étienne Klein đăng trên Twitter cá nhân bức ảnh một vật thể tròn đỏ to tướng, kèm dòng trạng thái nói rằng đây là hình ảnh Proxima Centauri , ngôi sao gần Mặt Trời nhất mà ta biết, được chụp bởi chính Kính viễn vọng Không gian James Webb. Ông còn viết: “Độ chi tiết chưa từng có … Một thế giới mới được mở ra mỗi ngày”.
Trên thực tế, tấm ảnh cho thấy một lát xúc xích đặt trên nền đen.
Bài đăng Twitter của nhà khoa học Étienne Klein.
Bài đăng của nhà khoa học thu hút được hàng ngàn lượt thích trên Twitter. Đa số người trầm trồ khen ngợi thành tựu của hệ thống kính viễn vọng tiên tiến, cho tới khi ông Klein thú nhận “tội trạng” của mình. Thực ra, tấm ảnh ông đăng tải là lát cắt của một khúc chorizo, một loại xúc xích hun khói ngon nức tiếng có xuất xứ Châu Âu.
Trong những bài đăng Twitter sau đó, ông Klein nói tấm ảnh thiên văn học chụp từ trong bếp là “một hình thức giải trí”, đồng thời nhận định đa số người dùng Twitter hưởng ứng tấm ảnh đã là nạn nhân của thiên kiến nhận thức.
Những người thấy tấm ảnh đã nhanh chóng đi đến kết luận khi nhìn thấy từ khóa “JWST” - tên viết tắt của Kính viễn vọng Không gian James Webb, “Proxima Centauri” - ngôi sao gần Mặt Trời nhất và đồng thời, đánh đồng một vật thể tròn, to và đỏ với một ngôi sao.
Tấm ảnh được ông Klein đăng tải.
Sự kiện gây được sức ảnh hưởng lớn đến nỗi … mang về cho ông Klein một bài phỏng vấn với tờ báo Le Point . Trả lời câu hỏi của phóng viên, ông Étienne Klein tiếp tục giải thích rằng tấm ảnh chỉ là trò đùa vô hại: “Đây là lần đầu tiên tôi trêu đùa mọi người, khi đương nhiệm vai trò đại diện cho bộ phận nghiên cứu khoa học của [nơi tôi công tác]”.
Ông nói thêm: “[Bài đăng] cũng cho thấy sự thật rằng trên những mạng xã hội kiểu này, tin giả vẫn luôn thành công hơn tin thật. Tôi cũng nghĩ rằng nếu mình không nhắc tới việc ảnh do kính James Webb chụp, nó cũng sẽ không thành công đến thế”.
Ở thời điểm hiện tại, bài đăng của ông Klein đã đạt gần 19,6 nghìn lượt yêu thích.