Dân văn phòng Trung Quốc đang sợ hãi với “lời nguyền tuổi 35”: Khi kinh nghiệm và năng lực chuyên môn không còn là lợi thế

04/07/2023 16:40 PM | Sống

“Tôi từng có kỳ vọng, cảm thấy mình cần thăng chức, tăng lương, cần một cuộc sống tốt hơn, nhưng hiện tại đã khác, tôi chỉ hy vọng mình còn tồn tại là đủ”, Trương ngậm ngùi chia sẻ.

Lương bắt đầu hoang mang về "lời nguyền tuổi 35" khi anh bước sang 30 tuổi. Ở Trung Quốc, nhiều người tin rằng nhóm nhân viên văn phòng đều phải đối mặt với hiện thực bất ổn khi bước qua ngưỡng tuổi 35. Lời nguyền này có nghĩa là trong mắt các nhà tuyển dụng, họ phải thuê người 35 tuổi có kinh nghiệm với mức lương cao hơn và ít nguyện lòng làm việc ngoài giờ hơn những sinh viên mới tốt nghiệp.

Lương, 38 tuổi, đã chuyển từ nhân viên hỗ trợ kỹ thuật sang huấn luyện viên cá nhân. Anh đã thất nghiệp hơn 3 năm vì đại dịch và sự trì trệ của tình hình kinh tế Trung Quốc. Nhưng anh cho rằng lý do thất nghiệp chính là tuổi tác - anh quá già đối với nhiều nhà tuyển dụng.

"Mặc dù tôi trông khá trẻ, nhưng khi biết tuổi thì họ lại nhìn bằng đôi mắt khác, tôi bị liệt vào nhóm đang bị xã hội đào thải", Lương chia sẻ.

"Lời nguyền tuổi 35"

Không rõ hiện tượng "lời nguyền tuổi 35" bắt đầu như thế nào, nhưng một sự thật là nó đang diễn ra trong thị trường việc làm ở Trung Quốc. “Lời nguyền” này dường như càng nghiêm trọng hơn đối với người lao động ở độ tuổi 30, bởi họ đang cần phải đưa ra nhiều quyết định lớn về sự nghiệp, hôn nhân và làm cha mẹ.

Dân văn phòng Trung Quốc đang sợ hãi với “lời nguyền tuổi 35”: Khi kinh nghiệm và năng lực chuyên môn không còn là lợi thế - Ảnh 1.

Không thể trả tiền thuê nhà hàng tháng 600 NDT (hơn 1,9 triệu đồng), Lương chuyển về quê nhà Quảng Châu. Anh chưa kết hôn, và ba người anh em họ chạc tuổi anh cũng lâm vào tình trạng tương tự. Theo Lương, chỉ những người có công việc ổn định, chẳng hạn như người làm việc Nhà nước và giáo viên mới có khả năng lập gia đình.

Theo thông tin của cơ quan giám sát chính sách dân số Trung Quốc, cạnh tranh việc làm ngày càng lớn là một trong những lý do khiến giới trẻ nước này trì hoãn kết hôn. Năm 2022, số lượng đăng ký kết hôn giảm 10,5% so với năm ngoái, đây là con số thấp nhất kể từ năm 1986. Điều này tương tự với tỷ lệ sinh.

Phân biệt tuổi tác ảnh hưởng đến lao động lớn tuổi, nhưng những người ở độ tuổi 30 có thể cảm thấy điều này nhiều nhất vì đây là lần đầu tiên họ trải nghiệm.

Dân văn phòng Trung Quốc đang sợ hãi với “lời nguyền tuổi 35”: Khi kinh nghiệm và năng lực chuyên môn không còn là lợi thế - Ảnh 2.

Phàn, hiện 30 tuổi, biết rằng mình có thể bị đào thải sau vài năm nữa, nhưng trước hết, vấn đề anh ấy gặp phải là làm việc quá sức.

Anh nói, hầu hết các đồng nghiệp ở công ty đều độc thân giống anh, hoặc đã kết hôn mà không có con. Làm thêm giờ ngoài tầm kiểm soát. Phàn cho biết anh không tan sở trước 11 giờ đêm trong 3 tháng của năm 2021. Anh bắt đầu dùng thuốc để “giảm stress”. Cuối năm ngoái, anh và rất nhiều đồng nghiệp đã bị sa thải.

Trong sáu tháng qua, Phàn đã gửi hồ sơ tới hơn 300 công ty và chỉ nhận được 10 cơ hội phỏng vấn, nhưng đều không thành công. Hiện tại anh đang tìm kiếm những công việc được trả lương ít hơn 20% đến 30% so với trước đây. Qua đó anh cảm nhận sâu sắc cái gọi là “lời nguyền tuổi 35” đang phổ biến trên mạng xã hội hiện nay.

“Tuổi 35… như vách đá cheo leo, bạn có thể ngã bất cứ lúc nào”

Mặc dù Trương mới 32 tuổi nhưng một số nhà tuyển dụng cho rằng cô quá già. Cô đưa ra ảnh chụp màn hình tin tuyển dụng của công ty bán các sản phẩm dành cho bà bầu và em bé, công ty này hạn chế tuyển dụng những người dưới 32 tuổi. Một người quản lý đã từng nói với Trương rằng anh ta sẽ thay thế cô bằng những sinh viên trẻ mới tốt nghiệp đã trải qua ba tháng đào tạo.

Trương cho biết các công ty Trung Quốc thích theo đuổi những xu hướng hơn là hoàn thiện những gì đã tồn tại. Vì vậy, kinh nghiệm và chuyên môn không còn là lợi thế được đánh giá cao. ‌‌‌

Dân văn phòng Trung Quốc đang sợ hãi với “lời nguyền tuổi 35”: Khi kinh nghiệm và năng lực chuyên môn không còn là lợi thế - Ảnh 3.

Là phụ nữ, Trương phải đối mặt với sự phân biệt đối xử khác. Từ năm 25 tuổi, cô đã phải trả lời các câu hỏi của chủ về thời điểm dự định sinh con. Cô trả lời rằng sau khi cô và chồng không có kế hoạch sinh đẻ, bên tuyển dụng sẽ hỏi xem cha mẹ nghĩ gì về quyết định này.

Sau khi bị sa thải vào tháng 9 năm ngoái, Trương đã gửi hồ sơ trực tuyến hơn 3.000 công ty và gửi hồ sơ trực tiếp cho hơn 300 công ty nhưng chỉ nhận được chưa đến 10 cơ hội phỏng vấn. Tháng 3/2023, cô cuối cùng mới được nhận vào làm tại một công ty nhỏ. Nhưng khi nhận công việc này, cô không biết bản thân nên vui hay mừng.

“Tôi từng có kỳ vọng, cảm thấy mình cần thăng chức, tăng lương, cần một cuộc sống tốt hơn, nhưng hiện tại đã khác, tôi chỉ hy vọng mình còn tồn tại là đủ”, Trương ngậm ngùi chia sẻ.

Vợ chồng Trương cảm thấy không đủ khả năng nuôi con. Họ phải trả một khoản thế chấp, trong khi cô không có việc làm, họ đã kiếm sống qua ngày trong khi lo lắng rằng chồng cũng có thể mất việc. Sự chật vật này khiến họ tự hỏi liệu việc có con có công bằng với họ hay không.

Trương trích dẫn một câu nói phổ biến trên Internet: “Nếu một đứa trẻ được sinh ra để thừa hưởng sự vất vả của chính mình và sợ nghèo đói, thì không sinh con cũng là một sự lựa chọn đáng cân nhắc”.

Dân văn phòng Trung Quốc đang sợ hãi với “lời nguyền tuổi 35”: Khi kinh nghiệm và năng lực chuyên môn không còn là lợi thế - Ảnh 4.

Vốn đang ung dung với thế mạnh năng lực chuyên môn và kinh nghiệm của mình, Trịnh Hàng đã bị hiện thực giáng một đòn nặng nề.

Từ tháng 9/2022 đến tháng 3 năm nay, trong hơn nửa năm, Trịnh Hàng đã gửi hàng trăm hồ sơ trên các nền tảng tuyển dụng khác nhau nhưng chỉ có 1-2 công ty mời phỏng vấn. "Khoảng 60% hồ sơ nộp vào chưa được đọc, 30% đã đọc nhưng không phản hồi, 10% còn lại trả lời với một câu rất lịch sự: Đã quá tuổi!", Trịnh Hàng nói.

"Trước đây tôi không chú ý đến vấn đề tuổi tác. Lần này khi phải tìm việc làm lần nữa, tôi đột nhiên cảm thấy tuổi tác là điều cản trở, khiến cuộc sống tôi đảo lộn chóng mặt. Một số vị trí, mặc dù điều kiện của tôi hoàn toàn phù hợp, nhưng vì con số 35 tuổi trên hồ sơ, họ còn chẳng thèm đọc sơ yếu lý lịch của tôi”, Trịnh Hàng ngậm ngùi chia sẻ.

Lương, 38 tuổi, cũng nói những điều tương tự. Anh yêu trẻ con, nhưng không tin vào khả năng của mình để mang lại cho chúng một cuộc sống tốt đẹp. Giống như nhiều người Trung Quốc lớn lên ở nông thôn, anh được ông bà nuôi nấng khi cha mẹ anh chuyển đến thành phố làm việc. Anh không muốn con mình cũng phải sống như vậy.

Bên cạnh đó, trước tiên Lương cần phải tìm một công việc. Nhưng quá trình này gian nan muôn phần vì các vị trí tuyển dụng đều yêu cầu độ tuổi từ 18 đến 35.

Nhiều người nói rằng 35 tuổi phải như một ngọn núi đè nặng, nhưng với Lương: "Đó là vách đá cheo leo, bạn có thể ngã bất cứ lúc nào".

Theo Trung Hạ

Cùng chuyên mục
XEM