Dân văn phòng “tiền sử học giỏi” sáng đi làm, tối mở lớp gia sư: Nghề tay trái “hái ra tiền", chỉ làm vài tiếng mà thu nhập cũng rất ra gì
Gia sư là công việc tay trái mà nhiều dân văn phòng đang duy trì.
Làm cùng lúc 2-3 công việc là xu hướng mà nhiều dân văn phòng hướng đến để gia tăng thu nhập, phòng ngừa rủi ro nếu chẳng may rơi vào bão sa thải. Một trong những nghề tay trái tiềm năng mà khá đông người trẻ hướng đến hiện nay là gia sư hay dạy thêm tại nhà. Làm gia sư được nhiều người đánh giá là có thể khai thác tốt thế mạnh của bản thân, linh hoạt thu xếp thời gian hơn so với các công việc tay trái khác.
Sáng đi làm văn phòng, tối mở lớp gia sư: Kiếm thu nhập tốt không kém công việc chính
Thi Thi (SN 2000, đang sinh sống tại TP.HCM) hiện đang làm công việc văn phòng là editor, kiếm khoảng 12 triệu đồng/tháng. Bên cạnh đó, cô nàng còn bắt đầu làm gia sư từ 1 năm trước. Thi Thi thường mở lớp dạy vào buổi tối hoặc ngày cuối tuần, kéo dài 1,5 - 3 tiếng/buổi.
“Về thù lao, mức lương của mình dao động tuỳ vào độ khó môn học và các lớp khác nhau. Mình nghĩ ở TP. HCM thì ít nhất ai cũng có 2 nghề. Về tương lai, mình dự định vẫn theo đuổi 2 công việc này, nhưng có kế hoạch để từng bước giảm thời gian làm việc nhưng vẫn có thu nhập cao. Tất nhiên, quá trình này cần nhiều thời gian và nỗ lực”, Thi Thi cho hay.
Một trường hợp khác, Ngọc Bích (SN 1999, Hà Nội) đã gắn bó với công việc gia sư môn Toán được 5 năm. Hiện, cô nàng đang dành 6 buổi/tuần để gia sư môn Toán cho các bạn học sinh phổ thông, kiếm 6,5 triệu đồng/tháng - một mức thu nhập lý tưởng với những người đang tìm công việc tay trái.
“Mình bén duyên với nghề này từ khi còn là sinh viên. Cho đến hiện tại, hầu hết học sinh mình đang dạy đều là người quen từ công việc làm gia sư giới thiệu nhau. Do đó, trộm vía mình không gặp một số rủi ro mà các bạn làm gia sư có thể gặp như: bùng lương, gặp phụ huynh hoặc học sinh không tốt, khó khăn khi tìm kiếm học sinh mới,....
Do mình gắn bó với công việc gia sư này khá lâu nên đã quen với cách học của các bé, cũng như biết cần ứng phó thế nào khi học sinh gặp vấn đề, chẳng hạn lười học, gặp chuyện buồn,... Bên cạnh đó, mình cũng không tốn quá nhiều thời gian để soạn thảo giáo án trước mỗi buổi học, từ đó giảm đi nhiều áp lực", Ngọc Bích nói.
Với Bích Ngọc, nghề gia sư không chỉ giúp cô nàng gia tăng thu nhập mà còn là thỏa mãn niềm đam mê đi dạy. “Khác với công việc văn phòng, mình thấy kết nối với học sinh nhiều hơn so với đồng nghiệp. Bên cạnh đó, nếu giữa cô - trò hoặc cô - phụ huynh quen nhaum thấu hiểu tính cách thì kết thân dễ dàng, từ đó khiến công việc tay trái không chỉ để kiếm tiền, mà còn là nơi mình xây dựng các mối quan hệ chất lượng".
Theo Ngọc Bích, công việc gia sư phát triển và trở thành nghề tay trái ưa thích với dân văn phòng vì có thể tận dụng thế mạnh của bản thân, thu nhập khá tốt và linh hoạt thu xếp thời gian. Bên cạnh đó, so với nhiều công việc tay trái khác thì cầu của nghề gia sư khá cao. Miễn là bạn xây dựng profile tốt và uy tín với phụ huynh và học sinh, kết hợp với sự chăm chỉ đi cùng kỹ năng giao tiếp sư phạm tốt thì công việc này sẽ không bao giờ thiếu.
“Chẳng hạn, trong đợt bão sa thải này, công việc văn phòng của mình bị ảnh hưởng khá nhiều. Xung quanh mình còn có những đồng nghiệp bị cắt giảm hoặc sa thải.
Tuy nhiên, mức lương của công việc gia sư vẫn vậy, thậm chí có giai đoạn mình còn phải cắt bớt các buổi dạy để không ảnh hưởng công việc chính. Bởi theo mình, doanh nghiệp có thể cắt giảm nhân sự vì nhiều lý do như làm ăn không hiệu quả, tái cơ cấu công ty,... Tuy nhiên, hiếm có phụ huynh nào sẵn sàng cắt bỏ tiền đầu tư giáo dục cho con cái", Ngọc Bích chia sẻ.
Đằng sau công việc tay trái
Để có thể gia tăng nguồn thu nhập từ làm cùng lúc công việc gia sư và nhân viên văn phòng, nhiều người trẻ cũng phải đánh đổi không ít.
Thi Thi chia sẻ: “Mình không có nhiều thời gian dành cho bản thân, người thân. Mình luôn thiếu ngủ và gặp căng thẳng kéo dài. Vì mình làm cả cuối tuần nên hầu như không rảnh để đi chơi, gặp bạn bè,... Suy cho cùng, mình nghĩ đây cũng là trải nghiệm. Hiện mình đang lên kế hoạch cho những tháng tiếp theo để làm ít lại nhưng kiếm nhiều hơn. Và mình cũng biết ơn vì bản thân đã chăm chỉ như hiện tại.
Về phương hướng giải quyết, mình nghĩ tuỳ giai đoạn, khi mà trải nghiệm và vốn tích lũy đã đủ thì bản thân sẽ giảm bớt công việc lại. Khi đó, mình sẽ nghỉ ngơi và đi chơi nhiều hơn, dành những ngày nghỉ trọn vẹn cho bản thân".
Còn về phía Ngọc Bích, cô nàng chia sẻ bản thân cũng từng gặp tình trạng quá tải, khó cân bằng giữa công việc và cuộc sống như Thi Thi. May mắn là Ngọc Bích đã tìm được cách để làm tốt cả hai công việc, mà vẫn có thời gian dành cho bản thân và những người xung quanh.
Ngọc Bích chia sẻ: “Cách đây khoảng 3 năm, mình vừa ra trường, đi làm văn phòng chỉ kiếm được khoảng 6 triệu/tháng. Khi đó, chứng kiến tiền lương văn phòng thấp nên mình đã lao đầu vào nhận các lớp gia sư. Đỉnh điểm mình kiếm được 12 triệu đồng/tháng từ công việc này, bao gồm nhận lớp vào tất cả buổi tối và 2 ngày cuối tuần. Thu nhập cao, nhưng đánh đổi là cả sức khoẻ tinh thần và thể chất đi xuống. Nhưng mình không dừng lại vì niềm tự nhủ mình vẫn đang cố gắng từng ngày cho những điều nhỏ bé.
Mình cứ làm việc chăm chỉ, cho đến một ngày sức khỏe tinh thần chạm đáy vì áp lực đi làm, rồi buồn vì các mối quan hệ xã hội đi xuống. Sau đó, mình tự hỏi: ‘Mình đang cố gắng về điều gì?'. Và mình chọn cách nhận ít lớp gia sư, tập trung vào công việc văn phòng vì biết trong tương lai, đây mới là lựa chọn lâu dài của mình".
Ngọc Bích chia sẻ thêm, khi làm 2 công việc cùng lúc thì ngoài sự chăm chỉ và cầu tiến thì khả năng sắp xếp thời gian vô cùng quan trọng. Khi đã có đủ 3 yếu tố này, công việc của bạn không chỉ thuận lợi mà còn thêm thời gian dành cho chính mình và những người thân yêu.
Với những ai muốn bắt đầu nghề tay trái là gia sư, Thi Thi gửi lời khuyên: “Bạn cứ làm thôi, làm rồi thì sẽ biết bản thân phải làm gì tiếp theo… Tuy nhiên, nhớ là trang bị cho mình sự yêu thích với sự nghiệp giảng dạy mới yếu tố cốt lõi để đi lâu bền".
Trong khi đó, Bích Ngọc chia sẻ bạn cần chuẩn bị kỹ càng, không chỉ là tình yêu với việc giảng dạy mà còn là giáo trình và kỹ năng giao tiếp với học sinh. Với những bạn chưa có nhiều mối quan hệ với học sinh và phụ huynh, bạn có thể tìm kiếm lớp trên các hội nhóm giáo viên, gia sư trên MXH.
“Tuy nhiên, trước khi nhận lớp, bạn cần tìm hiểu kỹ càng, cả về thông tin phụ huynh, học sinh cũng như bên trung gian. Vì mình biết nhiều trường hợp đã mất tiền đặt cọc, hoặc dành thời gian dạy thêm vài buổi nhưng sau đó bị bùng học phí mà không tìm được cách lấy lại. So với kết nối trên nhóm trung gian, mình nghĩ nhờ người quen trực tiếp đề xuất dạy học cho người thân như con, cháu,... sẽ bớt rủi ro hơn", Bích Ngọc bày tỏ.