Dân cư và doanh nghiệp đang gửi bao nhiêu tiền vào ngân hàng?

15/07/2018 08:39 AM | Xã hội

Đến cuối tháng 3, huy động vốn từ dân cư và tổ chức kinh tế mới chỉ tăng 3%. Song đến cuối tháng 6 đã đạt tới 8%, cao hơn cùng kỳ năm ngoái. Tiền gửi chảy mạnh vào ngân hàng trong 3 tháng gần đây là do đâu?

Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho biết, vốn huy động của hệ thống TCTD đang tăng trưởng mạnh hơn so với cùng kỳ năm 2017. Cụ thể, đến cuối tháng 6/2018, tổng vốn huy động từ tổ chức kinh tế và cá nhân tăng khoảng 8% so với cuối năm 2017 (cùng kỳ năm 2017 tăng 6,8%).

Theo số liệu có được từ NHNN, cuối năm 2017, tổng tiền gửi của dân cư và tổ chức kinh tế tại các TCTD đạt 6,84 triệu tỷ đồng. Như vậy, với tốc độ tăng trưởng đạt 8% trong nửa đầu năm, ước tính tiền gửi của khách hàng tại các TCTD đến cuối tháng 6 đạt trên 7,38 triệu tỷ đồng.

 Dân cư và doanh nghiệp đang gửi bao nhiêu tiền vào ngân hàng?  - Ảnh 1.

Trước đó, đến cuối tháng 3, tăng trưởng huy động từ dân cư và TCKT mới chỉ đạt 3% (theo NFSC); nhưng đến cuối tháng 6 đã lên 8%. Như vậy, tiền gửi vào hệ thống ngân hàng đã vọt tăng mạnh trong quý II. Diễn biến này có thể đến từ nhiều nguyên nhân.

Đầu tiên, mặc dù lãi suất huy động liên tục giảm trong 3 tháng gần đây nhưng một số ngân hàng vừa và nhỏ vẫn đang tích cực triển khai các chương trình khuyến mãi, tặng quà hoặc cộng thêm lãi suất cho người gửi tiền.

Hơn nữa, các nhà băng tuy đồng loạt giảm lãi suất nhưng chủ yếu ở những kỳ hạn ngắn, các kỳ hạn dài gần như không có thay đổi. Nhìn chung, mức giảm cũng không quá lớn, chỉ phổ biến khoảng 0,2-0,4%/năm. Động thái giảm lãi suất của các nhà băng có thể một phần là để đảm bảo lợi nhuận khi đầu ra tín dụng tăng chậm, một phần để cơ cấu lại nguồn vốn,đáp ứng tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn theo quy định.

Bên cạnh đó, từ đầu năm đến nay, một số ngân hàng cũng đang tích cực thu hút tiền gửi bằng một hình thức khác là qua phát hành chứng chỉ tiền gửi với lãi suất hấp dẫn, kỳ hạn dài. Hình thức này cũng đang ngày càng phổ biến trong 2 năm trở lại đây, đặc biệt trong bối cảnh mặt bằng lãi suất ổn định ở mức thấp, nhu cầu nguồn vốn dài hạn của các ngân hàng tăng. Với đặc tính dễ chuyển nhượng của chứng chỉ tiền gửi, các khách hàng kể cả dân cư hay TCKT vốn ưa gửi tiền ngắn hạn đều có thể chọn hình thức này mà không lo rút trước hạn hay lãi suất thấp.

Ngoài ra thị trường bất động sản thời gian vừa rồi đã có dấu hiệu chững lại, các cơn sốt đất cũng đã tạm lắng xuống, cộng thêm những biến động trên thị trường chứng khoán cũng có thể là nguyên nhân thúc đẩy dòng tiền từ các kênh đầu tư này trở lại với hệ thống ngân hàng, nơi luôn được xem là kênh trú ẩn an toàn nhất.

Trong khi tiền gửi vào ngân hàng vẫn tăng mạnh thì tăng trưởng tín dụng lại chậm hơn so với cùng kỳ năm 2017. Đến cuối tháng 6/2018, tín dụng tăng khoảng 6,5% so với cuối năm 2017 (cùng kỳ tăng 8,7%).

Nhiều ý kiến cho rằng, tuy thanh khoản hiện tại đang dồi dào nhưng có thể 6 tháng cuối năm, tốc độ tăng trưởng tín dụng sẽ nhanh hơn. Theo đó, nguồn vốn huy động dồi dào hiện nay sẽ giúp ngân hàng đáp ứng được nhu cầu đầu ra mà không phải quá lo áp lực thanh khoản.

Dù vậy, một số công ty chứng khoán cũng lưu ý rằng, các dấu hiệu như lạm phát tăng cao, tỷ giá nổi sóng trong thời gian gần đây có thể sễ khiến NHNN cẩn trọng hơn với tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng còn lại. Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2018 vừa được ban hành cũng xác định rõ yêu cầu hàng đầu là bảo đảm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát, thị trường ngoại hối.

Theo Hải Vân

Cùng chuyên mục
XEM