Đám cưới theo truyền thống của người Hoa chi phí 300 triệu ở An Giang: Tỉ mỉ tới từng chi tiết
Cô dâu kể: “Với đám cưới người Hoa thì cái quan trọng nhất là làm sao cho đúng phong tục. Như các mâm lễ, phong bì lì xì cho đội bê tráp và các em họ hàng'.
Đám cưới đặc trưng phong tục người Hoa
Số lượng khách mời: 300 khách
Chi phí tổ chức: 300 triệu
Thời gian chuẩn bị: 6 tháng
Đám cưới đặc biệt từ những con số
Ở thời đại nào đi chăng nữa, nhiều cô dâu chú rể vẫn muốn tổ chức một hôn lễ mang đậm nét truyền thống của dân tộc. Mới đây, bộ ảnh về hôn lễ của cô dâu Trần Linh theo phong cách truyền thống của người Hoa và nhận về nhiều sự chú ý.
Cô dâu Linh và chú rể Long hiện tại đều sinh sống và làm việc tại Châu Đốc (An Giang). Hôn lễ của họ cũng được tổ chức tại tư gia và mang đậm phong cách người Hoa. Theo Linh, thời gian chuẩn bị cho hôn lễ là 6 tháng.
Cô dâu kể: “Với đám cưới người Hoa thì cái quan trọng nhất là làm sao cho đúng phong tục. Như các mâm lễ, phong bì lì xì cho đội bê tráp và các em họ hàng. Về phong tục, từ mâm quả đến tiền cưới tất cả phải là số chẵn, 6-8 hoặc 12 mâm. Phần lễ cũng cần chu toàn và tươm tất với đủ lễ nghi. Khi chú rể đến rước dâu về nhà chồng thì cả hai nắm tay đi sát nhau không cho bất cứ ai chen ngang kể cả trẻ con. Nói chung đám cưới tổ chức cẩn thận tỉ mỉ và thật sự rất vui”.
Để chuẩn bị cho lễ cưới, cô dâu đã chọn hoa cưới, phông nền cho rạp cưới cũng như trang phục cô dâu chú rể .
Theo như truyền thống của người Hoa, mọi thứ đều là màu đỏ, mang ý đại Hỷ đại cát đại lợi.
“Mình chú trọng nhiều vào xe hoa và hoa cầm tay cô dâu. Mình lựa chọn cây hồng môn làm hoa chính. Loại hoa này có ý nghĩa mang lại may mắn cho gia chủ. Tên gọi của cây ghép từ hai chữ “hồng” và môn”. Trong tiếng Trung, “hồng” là từ chỉ màu đỏ, màu tượng trưng cho may mắn và hạnh phúc còn “môn” chỉ cánh cửa, thứ rất quan trọng trong văn hóa. Về hoa trang trí tại nhà cũng như ở phông rạp mình chọn hoa Lyly đỏ. Theo quan niệm của người Hoa, nó là hoa Bách Hợp, ý nghĩa rất tốt” , Trần Linh chia sẻ thêm.
Bởi vậy, một hôn lễ đỏ rực thật sự đã được diễn ra. Từ phông nền đám cưới, cổng hoa cho đến phông nền trong nhà cô dâu, ly trà đều lựa chọn màu đỏ rực rỡ, biểu trưng cho sự may mắn.
Về phần trang phục, cô dâu chú rể đều chọn áo khỏa theo truyền thống người Hoa. Cô dâu đã đặt hàng trang phục cưới từ Trung Quốc và mất khá nhiều tháng trang phục mới về tay.
“Áo khỏa có nhiều mẫu nhưng khá dễ chọn. Hai vợ chồng mình chủ yếu muốn có được hình Long Phụng thêu trên trang phục bởi hình này đối với cô dâu chú rể rất có ý nghĩa. Bình thường trang phục cưới sẽ được thuê nhưng bọn mình mua luôn để làm kỷ niệm và cũng cho con cái sau này. Một cặp áo khỏa cho vợ chồng là 7 triệu đồng, khi mặc lên rất có cảm giác cô dâu chú rể và nhìn rất rực rỡ”, Trần Linh chia sẻ thêm.
Buổi lễ đón dâu nhiều ý nghĩa
Với đám cưới người Hoa, điều không thể thiếu đó chính là mâm kẹo đậu phộng và bánh Pía chuẩn vị truyền thống. Theo như Trần Linh, ngày xưa khi cô dâu lấy chồng thì nhà gái sẽ cân con gái lên, bao nhiêu kg thì phía nhà trai phải mang đến bấy nhiêu kí bánh. Tuy nhiên bây giờ, phong tục đó không còn nhưng mâm bánh thì vẫn phải có như một nét đẹp văn hóa.
Trong ngày cưới, chú rể sau khi bước xuống từ xe hoa thì sẽ được em trai hoặc cháu trai của cô dâu mời trà trước khi bước vào nhà. Bình thường ngày rước dâu, ba sẽ là người dẫn con gái xuống. Tuy nhiên, vì muốn đám cưới vui và sinh động hơn nên ở đám cưới Linh, ba cô đã đề nghị chú rể tự lên phòng rước cô dâu.
Cô dâu Trần Linh chia sẻ thêm: “ Đến trước cửa phòng, chú rể và các phù rể được các bạn nữ bê tráp kiểm tra thể lực qua mấy trò như hít đất, ăn chanh tạo nên không khí rất vui vẻ. Sau khi đưa cô dâu xuống thì chúng mình thực hiện nghi thức dâng trà cho người lớn để lấy lì xì hoặc vàng. Khoảnh khắc đó mình vô cùng xúc động đến khóc luôn. Ba mẹ chúc phúc cho con gái và cũng tin là chú rể sẽ thương con mình nên rất yên tâm”.
Vì cô dâu là người Hoa nên về những nghi thức này, hai vợ chồng đã bàn bạc với nhau rất kỹ lưỡng. Cũng theo cô dâu Trần Linh, ngày xưa cô đã từng nghĩ mình cưới một ông chồng người Hoa để phong tục hai bên giống nhau về mọi mặt. Tuy nhiên, “vạn sự tùy duyên”, chồng cô không cùng dân tộc nhưng các phong tục đám cưới vẫn rất tôn trọng vợ và gia đình vợ, làm theo truyền thống.
Khi các nghi lễ xong xuôi, cô dâu chú rể đi vái lạy tổ tiên, ông Địa, ông Táo và mẹ Quan Âm.
“Đó chính là một phong tục của người Hoa mang ngụ ý ra mắt người chồng hoặc người vợ, gia đình có thêm thành viên mới và cầu mong tổ tiên phù hộ cho vợ chồng được hòa thuận, hạnh phúc”, Linh chia sẻ thêm.
Được biết, hôn lễ này có tổng cộng 300 khách mời và tổng chi phí khoảng 300 triệu đồng bao gồm cả đãi tiệc nhà hàng, trang trí lễ đường, makeup và trang phục.
Sau khi thành hôn được 3 ngày, cô dâu chú rể sẽ về lại mặt gia đình bên ngoại. Với người Hoa, nó là lễ phản bái. Ngày hôm đó, Linh cùng chú rể mới cưới mua một cặp vịt về nhà mẹ đẻ để làm lễ, sau khi cúng bái thì ngồi ăn cơm với gia đình.
Có thể nói rằng những đám cưới mang đậm dấu ấn văn hóa lúc nào cũng có thật nhiều ý nghĩa. Chúc mừng cho cô dâu chú rể và hi vọng rằng họ sẽ có cuộc sống thật nhiều niềm vui, hạnh phúc!
Ảnh: Nhiếp ảnh gia Vương Đình Khang