Daisugi: Kỹ thuật trồng cây tưởng lạ mà quen của người Nhật vừa giúp giảm biến đổi khí hậu, vừa tạo ra cảnh quan phi thường
Kỹ thuật cắt tỉa Daisugi tưởng lạ mà quen của người Nhật giúp ta vừa có gỗ để sử dụng cho mục đích sản xuất, lại vừa có thể tái trồng rừng.
Tình trạng cháy rừng hoành hành khắp nơi cùng với tốc độ tan chảy nhanh chóng của các tảng băng đã làm dấy lên hồi chuông báo động về việc Trái Đất nóng lên ngoài tầm kiểm soát. Trước tình hình đó, việc trồng rừng đang trở thành một giải pháp khả thi để giải quyết cuộc khủng hoảng môi trường này. Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT) ước tính rằng nỗ lực tái trồng rừng của họ có thể loại bỏ 70 tỷ tấn cacbon trong vòng 30 năm tới.
Nhưng liệu thực tế có được như vậy không? Việc trồng rừng không hề đơn giản như tưởng tượng vì chúng ta đang sử dụng một lượng lớn gỗ. Theo Reuters, nhiều nhà hoạt động vì môi trường, thậm chí là cả Liên Hiệp Quốc cũng khuyến nghị rằng thay vì nhựa, chúng ta nên sử dụng các sản phẩm làm từ gỗ để thân thiện với môi trường hơn.
Trước tình hình này, có một phương pháp vừa giúp chúng ta có thể lấy được gỗ, vừa không phải đốn chặt cây, đó là một kỹ thuật lâm nghiệp cổ xưa của Nhật Bản có tên Daisugi, được ứng dụng nhiều trên loại cây tuyết tùng Nhật.
Tuy đã được sử dụng tại Nhật Bản từ thế kỷ 14, nhưng cho đến thời điểm gần đây thì phương pháp này mới thu hút sự chú ý của giới truyền thông trên toàn thế giới như một giải pháp hiệu quả cho tình trạng phá rừng.
Phương pháp Daisugi được áp dụng nhiều trên cây tuyết tùng Nhật.
Phương pháp tưởng mới mà cũ
Nhật Bản vốn nổi tiếng với nhiều du khách quốc tế bởi những loài cây có hình thù kỳ lạ. Kể từ khi nghệ thuật Bonsai (nghệ thuật trồng, chăm sóc và cắt tỉa các loại cây nhỏ có dáng cổ thụ trong chậu) du nhập vào nước này từ Trung Quốc, những người làm vườn Nhật Bản đã trở thành những bậc thầy trong lĩnh vực này.
Ra đời vào khoảng thế kỷ 14, kỹ thuật Daisugi sử dụng các phương pháp cắt tỉa tương tự như cây Bonsai, nhưng trên các loại cây có kích thước lớn hơn. Ngày nay, các cây tuyết tùng được áp dụng phương pháp Daisugi thường được tìm thấy tại nhiều khu vực quanh Kyoto, nơi bắt nguồn của phương pháp này.
Theo Open Culture, gỗ của cây tuyết tùng vừa bền lại vừa dễ chế tác, vì vậy nên chúng được sử dụng rộng rãi trong kiến trúc Nhật Bản hàng trăm năm qua.
Theo đó, cây tuyết tùng Nhật sẽ được cắt tỉa cẩn thận bằng tay hai năm một lần, chỉ để lại những nhánh mọc tốt nhất trên cùng để đảm bảo chúng mọc theo chiều thẳng đứng. Việc thu hoạch các nhánh sẽ mất khoảng 20 năm và mỗi gốc cây mẹ có thể tạo ra đến 100 cây con.
Cùng với tính thẩm mỹ và công dụng thiết thực của phương pháp này trong sản xuất gỗ, nó còn được đánh giá là mang lại rất nhiều lợi ích trong việc bảo vệ môi trường. Bên cạnh việc cho phép người làm rừng sản xuất cây giống nhanh hơn nhiều, kỹ thuật này còn giúp người dân có thể khoanh vùng rừng một cách nhanh chóng. Do đó, nếu làm đúng, Daisugi có thể cung cấp số lượng gỗ lớn, hạn chế tình trạng phá rừng để lấy gỗ sản xuất.
Ngoài ra, khả năng sản xuất gỗ của cây được ứng dụng phương pháp Daisugi cũng khiến cho nhiều người kinh ngạc: một cây tuyết tùng mẹ có thể cho ra hàng chục cây gỗ con mỗi đợt, và những cây mẹ này có thể sản xuất từ 200 đến 300 năm trước khi kiệt sức.
Điểm sáng trong du lịch Nhật Bản
Không chỉ dừng lại ở vấn đề môi trường, các cây trồng sử dụng phương pháp Daisugi còn thu hút nhiều khách du lịch nhờ vào hình dạng độc đáo. Nhiều người không thể tin vào mắt mình khi nhìn thấy các cây này, thậm chí còn cho rằng đây chỉ là đồ giả “Xin lỗi nhưng đây chắc chắn chỉ là cây giả, làm sao có thể trồng cây trên tán lá của một cây khác như vậy được?”
Hình dáng đặc biệt của loại cây truyền thống này đã giúp thu hút không ít người đến tham quan, chụp ảnh, từ đó đóng vai trò không nhỏ trong việc thúc đẩy du lịch.Tuy nhu cầu sử dụng gỗ từ loại cây này đã giảm dần, nhưng du khách vẫn có thể dễ dàng bắt gặp những cây tuyết tùng đặc biệt này tại các vườn cảnh hoặc công viên trên khắp đất nước Nhật Bản.
Một phiên bản khác của phương pháp quen thuộc
Mặc dù thu hút được rất nhiều sự quan tâm trong thời gian gần đây, kỹ thuật Daisugi này có vẻ không hề xa lạ đối với các chuyên gia lâm nghiệp phương Tây. Từ thời cổ đại, các nước phương Tây cũng đã thực hiện phương pháp mang tên “coppicing" (hay ghép rừng) với các bước thực hiện tương tự như Daisugi.
Đối với phương pháp coppicing, sau khi đốn hạ cây, người trồng sẽ giữ lại phần gốc và rễ của cây cũ, sau đó chăm sóc cẩn thận để kích thích chúng phát triển các chồi mới ngay trên gốc đã chặt.
Lợi ích của phương pháp này trong việc biến đổi khí hậu cũng đã được ghi nhận ở một số nơi thuộc Châu Âu. Vào năm 2018, Reforesting Scotland đã bắt đầu quảng bá phương pháp coppicing như một cách hữu hiệu để phục hồi những mảnh rừng cằn cỗi của quốc gia này. Tương tự như vậy, tại Áo, kỹ thuật này cũng được đánh giá cao trong công cuộc bảo vệ động vật hoang dã và chống lại biến đổi khí hậu.
Nguồn: Grunge