Đại úy công an chơi game một tuần để bắt trộm
Đấu tranh với tội phạm công nghệ cao, đại úy Nguyễn Trung Đức (SN 1988) – Phó Trưởng phòng An ninh kinh tế (PA04) Công an tỉnh Phú Thọ cùng đồng đội nhiều lần áp dụng các “chiêu lạ” để tóm đối tượng. Anh là một trong 2 đề cử Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2020 ở lĩnh vực An ninh trật tự.
Tự học để phá án
Học cấp 3, Nguyễn Trung Đức đạt giải Học sinh giỏi quốc gia môn Tin học nên được tuyển thẳng vào Học viện An ninh chuyên ngành công nghệ thông tin (CNTT). Tại đây, anh có 4 năm liền tham gia đội tuyển tin học của Học viện dự các kỳ thi cấp quốc gia, quốc tế về CNTT và đạt được nhiều thành tích.
Ra trường năm 2011, Đức muốn xin vào làm tại kênh truyền hình ANTV bởi có chút yêu thích nghề báo nhưng được cấp trên phân công về Đội Bưu chính viễn thông Internet thuộc PA04 theo đúng chuyên ngành đào tạo.
Đại úy Nguyễn Trung Đức
“Năm 2011, tội phạm công nghệ cao bắt đầu nở rộ nhưng trong đội chỉ có mình được đào tạo chuyên ngành CNTT nên thiếu thốn nhiều mặt. CNTT là lĩnh vực phát triển rất nhanh, nhiều vấn đề không có ở giáo trình, trong khi tội phạm công nghệ cao luôn có những hình thức, thủ đoạn mới.
Do vậy, mình thường xuyên phải tự học, tranh thủ kiến thức, kinh nghiệm từ những chuyên gia CNTT trong và ngoài ngành. Họ thường có những kiến thức rất quý để mình vận dụng vào tình hình thực tế. Theo tôi, việc tự học rất quan trọng, học từ những cái nhỏ nhất”, đại úy Đức chia sẻ.
Nhận công tác không lâu, anh Đức được giao phụ trách điều tra về ổ nhóm trộm cước điện thoại để nạp tiền vào game online. “Ngày xưa, VTC có hình thức nạp coin (tiền) vào nhân vật game bằng hình thức gọi điện đến tổng đài, để bao nhiêu phút tương ứng với lượng tiền nhất định được nạp. Do vậy, một số đối tượng đi câu móc, chích dây điện thoại và chúng chiếm đoạt được hơn 100 triệu đồng.
Người dân thì bất ngờ, bởi cước điện thoại tăng đột biến. Các lãnh đạo lúc đó cũng chưa hình dung game online và cách thức nạp tiền thế nào, mình là người từng chơi game nên biết. Mình lần mò rồi cùng đồng đội đi chơi game gần 1 tuần liền tại các quán nét mới phát hiện ra ổ nhóm này”, đại úy Đức kể lại.
Bị đưa về đồn khi theo dõi đối tượng
Chia sẻ về những vụ án “để đời”, đại úy Nguyễn Trung Đức nhớ lại vụ triệt phá sàn cho nhận GOLD 889. Anh cùng đồng đội vào TPHCM và cứ đến đêm 2 người vác thang ra đường, trèo cột điện để trinh sát.
“Thấy khả nghi, công an địa phương có mặt, yêu cầu về đồn. Lúc đó, mình không thể nói ra thân phận vì sợ bị lộ, chấp nhận để các anh đưa đi. Đến khi thích hợp mới mang thẻ ngành ra nói chuyện.
Sau đó, chúng tôi khám phá được đường dây sàn cho nhận GOLD 889 hoạt động kiểu lấy tiền người sau trả cho người trước, và bắt giữ một số đối tượng”.
Trong công tác, đại úy Nguyễn Trung Đức, Phó Trưởng phòng An ninh kinh tế (PA04) Công an tỉnh Phú Thọ, cho rằng cần chú trọng đào tạo đoàn viên và cán bộ trẻ với phương châm "cần cù, chịu khó, sẵn sàng chia sẻ, tin tưởng đồng đội".
Anh từng được bầu làm Bí thư Chi đoàn An ninh kinh tế, Ủy viên BCH Đoàn Thanh niên Công an tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2012 – 2017. Với những chiến công xuất sắc, năm 2020, anh được trao tặng Huân chương Chiến công hạng Nhì.
Một vụ án khác là đường dây cờ bạc Rikvip/Tipclup với số tiền “khủng”, lên tới gần 10.000 tỷ đồng. Để triệt phá thành công, anh cùng đồng đội đã tự đi tìm hiểu, thăm dò và sau đó vào miền Trung bắt giữ một số đối tượng đúng dịp sinh nhật của mình. “Ngày 27/7/2017, tôi lái xe 960km từ 5h sáng đến gần 24h đêm đi các tỉnh dọc miền Trung, chuyến đi đạt hiệu quả tốt. Vào tới Đà Nẵng, đoàn công tác của Công an tỉnh Phú Thọ đợi sẵn ở Cầu Rồng để đến lúc đúng 0h, mọi người tổ chức chúc mừng sinh nhật cho tôi”, đại úy Đức nhớ lại.
Để đấu tranh với tội phạm, đại úy Đức từng phải giả làm “hotboy”, nhắn tin “thả thính”, thậm chí nhận lời yêu đối tượng nữ. “Ngại nhất là nằm cạnh vợ nhưng nhắn tin cho các cô ở ngoài cả đêm. Vợ tôi rất thông cảm, chia sẻ với công việc của chồng nhưng bảo rằng, là phụ nữ không tò mò, không ghen một chút chắc sẽ khó. Bản thân tôi thường có những chuyến công tác dài hàng tháng và nhiều khi vì bí mật, đi Quảng Trị lại nói với vợ là đi Yên Bái…
Do nhiệm vụ, tôi xin phép được “báo cáo không trung thực với vợ” và có thể khi hoàn thành công việc sẽ đính chính lại”, đại úy Đức chia sẻ.
Bốn đề cử Gương mặt trẻ VN tiêu biểu giao lưu trực tuyến
Ngày 3/3, tại tòa soạn báo Thanh Niên diễn ra buổi giao lưu trực tuyến với sự tham gia của 4 cá nhân được đề cử Giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2020.
Đây là những gương mặt đang làm việc, học tập tại TPHCM, gồm: Đoàn Lê Hoàng Tân (Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu vật liệu cấu trúc nano và phân tử, ĐHQG TPHCM); Nguyễn Văn Đương (Trung tâm Huấn luyện thể thao Quốc gia II); Bùi Thanh Nghị (Tổng công ty Công nghiệp - In - Bao bì Liksin); Hoàng Tuấn Anh (Giám đốc Công ty CP Vũ Trụ Xanh).
Tại buổi giao lưu, các đề cử đã chia sẻ với bạn đọc cả nước về quá trình phấn đấu, nỗ lực vượt qua khó khăn để đóng góp vào sự phát triển của đơn vị, tổ chức.