Đại sứ Phạm Quang Vinh nói về điểm khác biệt giữa hai cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016 - 2020 và khả năng "lội ngược dòng" của ông Trump trong các cuộc thăm dò dư luận

30/09/2020 21:19 PM | Kinh tế vĩ mô

Theo phân tích của nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, cựu Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh, năm 2016, ông Trump đã khơi dậy được sự chán nản của người dân với nền chính trị, họ muốn sự thay đổi khác biệt. Thời điểm đó, sự thay đổi chính là nhu cầu chính của cử tri. Vậy năm 2020, nhu cầu gì là chính? Phải chăng, cử tri đang chán nản bởi đại dịch, bởi phong tỏa, đình trệ kinh tế?

Đại sứ Phạm Quang Vinh nhận định, một đại dịch nặng nề như Covid-19, với hơn 6 triệu người nhiễm, 200 nghìn người thiệt mạng, nhưng có lẽ trong lòng nước Mỹ, câu chuyện đó không nặng nề bằng câu chuyện đóng cửa hay không đóng cửa. Việc hai ứng cử viên đưa ra giải pháp nào để có thể kiểm soát được đại dịch, nhưng sớm mở cửa để có cơ hội phục hồi kinh tế là bài toán rất lớn, rất hóc búa trong lòng nước Mỹ.

Trong lòng nước Mỹ, vào giai đoạn chủ chốt và quyết liệt của cuộc tranh cử này, bất cứ một vấn đề nào cũng phải nhìn cả hai mặt và nhiều chiều tác động hướng tới cử tri.

Đại sứ Phạm Quang Vinh nêu ra hai ví dụ. Thứ nhất, nếu chúng ta thấy phân biệt chủng tộc và bạo loạn liên quan đến phân biệt chủng tộc là bất lợi cho ông Trump thì mới chỉ là một vế. Vấn đề phân biệt chủng tộc, đảng Dân chủ sẽ khai thác. Nhưng việc biểu tình, có bạo loạn trộm cắp sau đó, lại có lợi cho ông Trump – người đề cao trật tự và luật pháp. Rất nhiều nhóm cử tri của ông Trump cần điều đó. Nhất là những vùng đang thanh bình, yên ổn làm ăn.

Thứ hai là câu chuyện về kiểm soát dịch bệnh. Khi ông Biden phát biểu rằng, nếu là Tổng thống, ông sẽ lắng nghe ý kiến của các nhà chuyên môn, hàm ý là các bác sĩ. Nghe rất thuận nhưng lập tức sẽ có một nhóm đặt câu hỏi: "Vậy thì suốt ngày phải cách ly xã hội suốt à? Tiền ở đâu? Lương ở đâu? Phúc lợi ở đâu?" - cựu Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Mỹ nói.

Sẽ là những câu chuyện giằng xé đó, các bên phải đưa ra thông điệp khác nhau, tranh thủ được cử tri của mình mà không được làm mất lòng những người trung dung. Cả ông Biden và ông Trump đều phải để ý đến điều đó.

Ông Vinh cũng nhấn mạnh việc luôn luôn chú ý đến cá nhân hai ứng viên trong bầu cử Tổng thống Mỹ. Có lẽ, năm 2016, ông Trump là nhân tố bất ngờ. Nhưng năm 2020, cả hai ứng viên không còn là nhân tố bất ngờ nữa. Ông Biden đã từng là Phó tổng thống hai nhiệm kỳ và có 47 năm làm chính trị, cả bộ hồ sơ đó cử tri đã biết. Ông Trump là một bất ngờ vào năm 2016, nhưng đã có 4 năm cầm quyền, cử tri cũng biết rồi. Câu chuyện ở đây là sự lựa chọn của họ ra sao.

Trông đợi của cử tri là gì? Đó là những vấn đề lâu nay vẫn nói: công ăn việc làm, thuế khóa, phúc lợi xã hội, giáo dục, y tế, thậm chí là môi trường, nhập cư. Nhưng đặt cuộc bầu cử này đặt trong hoàn cảnh đặc biệt là đại dịch. Chúng ta luôn nhớ rằng, đại dịch dẫn đến phong tỏa, trì trệ kinh tế, công ăn việc làm.

Phải chăng, đằng sau tất cả tranh cử và vận động đó, lợi thế của ông Biden đang là: tình trạng khủng hoảng kép kéo dài đến ngày 3/11 thì có lợi? Thông điệp của ông Biden và đảng Dân chủ sẽ là về đoàn kết, về đạo đức nước Mỹ, về một tương lai tươi sáng sẽ là an dân, trong bối cảnh bức tranh u ám của cuộc khủng hoảng kép này.

Đại sứ Phạm Quang Vinh nói về điểm khác biệt giữa hai cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016 - 2020 và khả năng lội ngược dòng của ông Trump trong các cuộc thăm dò dư luận  - Ảnh 1.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, cựu Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh

Còn ông Trump thì sao? Chuyên gia này cho rằng, thứ nhất, nếu có diễn biến đột phá về dịch, ông có thể nói rằng, 3 năm vừa qua, kinh tế đã khác mà chỉ ông Trump mới làm được. Hai là nếu có tín hiệu mở cửa khôi phục kinh tế, sự hứng khởi trong lòng dân Mỹ sẽ khác.

Từ nay đến này 3/11, rất nhiều thứ có thể xảy ra. Chuyện kiểm soát dịch, mở cửa hay không mở, phục hồi hoạt động kinh tế xã hội đến mức nào không chỉ thuộc thẩm quyền tổng thống, mà còn thuộc thẩm quyền các bang. Nếu khai thác các vấn đề này sâu hơn, tính toán lại, thì nhiều bang bị ảnh hưởng Covid-19 nặng, thống đốc bang lại là người Dân chủ.

Thăm dò dư luận nếu đi vào kỹ hơn, có thể thấy hai việc. Một là ông Biden đang dẫn. Hai là, nếu hỏi rằng bạn tin ai hơn trong kiểm soát dịch thì ông Biden được nhiều sự ủng hộ, nhưng nếu hỏi bạn tin ai hơn về quản lý kinh tế thì cử tri lại thiên về ông Trump. Ba là, thăm dò dư luận cho thấy, những người ủng hộ ông Trump thì nói rõ là thích ông Trump, còn trong số những người ủng hộ ông Biden, có nhiều người là vì ghét ông Trump.

Câu chuyện này cho thấy rằng, nói đơn giản, ông Biden đang dẫn trước trong thăm dò dư luận, nhưng dường như phần đa số đó còn mong manh và chưa bảo đảm chắc chắn. Ông Trump ở thiểu số trong thăm dò dư luận, nhưng thiểu số đó vốn có từ 2016 và trong dần 4 năm qua thường giao động ở 38-40%. Dường như 40% đó lại ít thay đổi.

Sâu vào chiến lược các bên có lẽ còn thấy thêm một ý. Ông Phạm Quang Vinh cho rằng, nếu ông Biden duy trì được đà thăm dò dư luận thì lợi thế và cơ hội rất lớn. Nhưng nếu ông Trump giữ được thiểu số của mình và thay đổi được ý kiến của phần "mong manh" để họ quay về cơ sở của mình, không biết chừng kịch bản 2016 lại xảy ra. Ông Trump phải ngăn chặn việc cử tri vì ghét mình mà bỏ phiếu cho ông Biden: nếu ghét ông Trump thì không bỏ phiếu cho ông, nhưng đừng bỏ phiếu cho người khác.

Theo Hoàng An

Cùng chuyên mục
XEM