Đại học ở Thượng Hải, Trung Quốc khai trừ 21 nghiên cứu sinh: 20 tuổi bạn không nỗ lực, 30 tuổi bước nửa bước cũng khó khăn
Hôm nay bạn lựa chọn bất cần đời, ngày mai đời cũng sẽ chẳng cần bạn nữa.
01
Người không nỗ lực, sẽ không ai tha thứ cho sự lười biếng của bạn
Hai hôm trước, một người bạn ở Trung Quốc có kể với tôi rằng: gia sư tiếng Anh của cậu ấy, người đang học thạc sỹ tại Đại học Giao thông Thượng Hải đã bị đuổi học.
Tôi cảm thấy rất kinh ngạc. Đại học Giao thông Thượng Hải là một ngôi trường khá có tiếng tăm, bằng thạc sỹ ở đây vô cùng có giá trị. Sao lại để bị đuổi như vậy?
Thì ra, cậu gia sư nước ngoài đó trong thời gian đi học đã không lên lớp cho tử tế, ngược lại đi làm đủ việc để kiếm tiền, và thường đi chơi các club.
Một hôm về nhà, mở mail ra, quả nhiên…
Tên của cậu gia sư ấy nằm trong danh sách 21 sinh viên, cả quốc tế lẫn sinh viên Trung Quốc bị đình chỉ việc học thạc sỹ, trong danh sách thậm chí có cả những người đã học khá nhiều năm nhưng vẫn chưa thể tốt nghiệp, hay có những sinh viên thậm chí bỏ dở giữa chừng khiến nhà trường không thể liên lạc lại được nữa.
Tin tức vừa đưa lên, cư dân mạng đã vào bình luận: bất kể là ai, dù là sinh viên Trung Quốc hay sinh viên nước ngoài, "không có compa, thước kẻ, thì làm sao vẽ được hình vuông hình tròn", không ép mình vào khuôn khổ thì làm sao có thể thành tài!
Tất nhiên, Đại học Giao thông Thượng Hải không phải là trường duy nhất làm điều này, và tất cả nói với chúng ta một điều rằng: Đại học không phải là một thị trấn hiền hòa, vào thì khó ra thì dễ như chơi chỉ còn là quá khứ mà thôi.
Nếu bạn cho rằng vào đại học là có thể an nhàn hưởng thụ cuộc sống, không cần phải cố gắng vất vả học hành nữa, vậy thì bạn quá sai rồi.
Suy cho cùng thì thiên hạ cũng chẳng có bữa ăn nào là miễn phí cả, ở độ tuổi nên phấn đấu, mà bạn vẫn cố chấp lựa chọn sự an nhàn, vậy thì rồi bạn sẽ phải trả giá đắt cho nó.
02
Xin lỗi, nhưng bạn vẫn chưa đủ trình độ để có thể lựa chọn cuộc sống an nhàn đâu!
Ngày học cấp 2, ở phía đối diện nhà tôi có một bạn nữ rất xinh đẹp.
Bất kể đi tới đâu, bóng lưng đẹp đẽ của cậu ấy cũng toát lên một bức tranh tuyệt đẹp, cậu ấy luôn luôn rất nổi bật giữa các bạn nữ.
Khi đó thành tích của tôi khá tốt, tôi luôn muốn thi vào trường chuyên của thành phố, còn cậu ấy thì tới lớp 9 bắt đầu không có hứng thú học hành, cả ngày chỉ nghĩ cách trốn tiết.
Ba mẹ cậu ấy mấy lần bị gọi lên trường nói chuyện, về nhà lại đánh rồi mắng, nhưng dù có bị nói thế nào, cậu ấy cũng nhất quyết không chịu bước chân vào trường nữa.
Sau này, khi tình cờ gặp nhau, tôi đã khuyên cậu ấy vài câu.
Tôi nói: "Giờ cậu không muốn đi học, sau này làm sao thi đại học được?"
Cậu ấy hỏi ngược lại: "Cuộc sống hiện tại của tớ rất thoải mái, không áp lực, sao lại phải vất vả để thi đại học?"
Tôi nói: "Thế còn tương lai thì sao? Chúng ta dù sao thì cũng vẫn phải lớn mà phải không?"
Cậu ấy cười nói: "Chuyện sau này, sau này rồi nói đi."
16 tuổi, nhờ sự giới thiệu của một người thân, cậu ấy đi xuống thành phố lớn làm việc.
Kể từ sau đó, tôi không còn gặp lại cậu ấy nữa.
Cho tới Tết năm ngoái, trên đường về nhà, tôi tình cờ gặp cậu ấy, chớp mắt đã hơn 10 năm.
Lúc đầu tôi quả thực không nhận ra, cô gái có phần thô kệch và hốc hác kia, chính là cô bạn xinh đẹp và thuần khiết năm nào.
Hỏi han nhau vài câu xong, cậu ấy thở dài nói với tôi: "Tớ ngưỡng mộ cậu thật, được đi học đại học."
Sau này tôi mới biết, vài năm đầu ra thành phố lớn làm việc, cô bé ở một thị trấn nhỏ bắt gặp sự huyên náo nơi phố thị, đã trở nên buông thả hơn, thường xuyên tụ tập bạn bè chơi bời thâu đêm.
Công việc cũng không ổn định, làm đủ các nghề, cũng không để ra được cho mình bao nhiêu tiền tiết kiệm.
Cứ như vậy 7,8 năm trời, không còn trẻ trung nữa, cậu ấy gả cho một anh chàng cũng giống mình, bỏ học đi làm.
Hai vợ chồng sau khi lấy nhau, thường xuyên vì chút tiền bạc mà cãi nhau, người chồng thậm chí còn vung tay đánh vợ.
Hai người trình độ học vấn không cao, cũng chẳng có năng khiếu gì đặc biệt, người chồng làm shipper, cậu ấy thì làm nhân viên tại một quán ăn, làm toàn những công việc phải nhìn sắc mặt người khác mà sống.
Vì muốn tiết kiệm tiền, cả nhà 3 người sống trong một căn nhà trọ nhỏ bé, chật chội, vì hàng ngày ở gần nhà bếp nhiều nên chưa tới 30 tuổi mà da dẻ, quần áo lúc nào cũng cảm giác đầy mùi đồ ăn dầu mỡ.
Thay vì nói họ đang sống, chi bằng nói họ đang nỗ lực chỉ để mưu sinh thì đúng hơn.
Nghĩ lại thì, nếu biết có ngày hôm nay, vì sao khi đó lại như vậy?
Nếu không phải ở độ tuổi 10, 20 tuổi quá ham chơi, không học hành tử tế, vậy thì làm sao có thể rơi vào hoàn cảnh khó khăn như vậy ở tuổi 30? Vừa không có bằng cấp, lại vừa không có năng khiếu hay món nghề gì, vậy làm sao có thể sống được một cuộc sống sung sướng?
Đáng tiếc, đời người nào đâu có thuốc hối hận, ai cũng phải tự chịu trách nhiệm cho chính hành vi của mình.
Có người nói, thế giới có một loại định luật mang tên: định luật bảo toàn đau khổ.
Đau khổ, khó khăn, là đặc trưng của đời người, tổng lượng khó khăn mà mỗi người phải chịu đựng trong đời là bất biến.
Nó không tự nhiên biến mất, mà cũng chẳng tự nhiên sinh ra.
Nó chỉ chuyển từ giai đoạn này sang giai đoạn khác, hoặc chuyển từ hình thức này sang hình thức khác.
Nói cách khác thì không phải ai cũng có thể bước lên đỉnh vinh quang, nhưng cái khổ mà đời người nên chịu thì nó cũng sẽ không ít đi chút nào.
Đặc biệt là trong xã hội ngày nay, áp lực lớn, nhưng cơ hội cũng nhiều.
Tầng lớp trên có thể có người không cầu tiến, tầng lớp dưới cũng có thể có những anh hùng có chí hướng, không chịu khuất phục số phận.
Khi còn trẻ, nếu bạn nghiêm túc phấn đấu, dù vận may không tốt đi chăng nữa, thì ít nhất bạn cũng sẽ không phải sống quá vất vả.
Đáng sợ nhất chính là, hôm nay bạn lựa chọn sự an nhàn trước mắt, kết quả là bạn sẽ bị dày vò trong sự vất vả mà bạn không có quyền lựa chọn trong tương lai.
Nguyên tắc thiết thực nhất trên thế giới này chính là: hôm nay bạn lựa chọn bất cần đời, ngày mai đời cũng sẽ chẳng cần bạn nữa.
03
Nỗ lực mỗi ngày, mới là chân lý sống của mỗi một người bình thường
Những năm gần đây, luôn có người nói rằng học hành là vô dụng, còn lấy Henry Ford hay Walt Disney ra để làm bằng chứng, nói rằng không học đại học vẫn có thể thành công, mà không biết rằng Henry Ford ngay từ nhỏ đã bộc lộ tài năng về máy móc hơn người, còn Walt Disney lại có tài năng thiên bẩm về vẽ tranh.
Còn phần lớn chúng ta thì sao? Đừng nói là học hành không ra đâu với đâu, mà ngay cả những phương diện tài năng khác cũng chẳng có gì hơn người.
Đối với người bình thường mà nói, nỗ lực chính là một liều thuốc, dù nó đắng nhưng nó chữa được bệnh; còn nhàn hạ chính là mật ong, và mật ngọt thì chết ruồi.
Nhiều khi, không nỗ lực một lần, bạn sẽ không thể biết giới hạn của mình ở đâu.
Người bạn đại học của tôi H., sinh ra trong một gia đình nghèo khó.
Ba suốt ngày cờ bạc, nợ đầm đìa, đến giờ vẫn phải trốn đông trốn tây, mẹ thì mở một gánh hàng rong để kiếm tiền, ngay cả tiền đi học cấp 3 cũng đều là nhờ họ hàng giúp đỡ.
Ảnh hưởng tiêu cực của một gia đình như vậy lên H. là điều mà ai cũng có thể nhìn ra, hồi cấp 2 thì lúc học lúc phải nghỉ vì thiếu tiền, lên cấp 3 thì khi mới bắt đầu đã không thể theo kịp được bạn bè, thầy cô giáo thậm chí còn muốn bỏ cuộc với cậu.
Nếu bản thân cậu ấy cũng chấp nhận số mệnh, vậy thì có lẽ giờ chắc đang chỉ lăn lộn tại một công trường nào đó mà thôi.
Nhưng, H. không khuất phục số phận, cậu cho rằng học hành, chính là cơ hội thay đổi vận mệnh duy nhất của mình.
Không có tiền, thế thì vừa học vừa làm; không theo kịp các bạn thế thì dành nhiều thời gian học hơn các bạn một chút.
Đến thầy giáo cũng từng nói rằng: nền tảng của em quá kém, muốn theo kịp chương trình học sợ là không thể, thầy sợ em sẽ rất mệt.
Vận mệnh ban cho cậu ấy xuất phát điểm kém, vậy thì chỉ có thể nỗ lực, đó mới gọi là sống.
Cuối cùng, cậu ấy thi đỗ vào trường đại học top đầu trong sự ngỡ ngàng của nhiều người.
Có người từng nói: "Nhiều người không nên được việc gì, không phải vì năng lực không đủ, cơ hội không có, mà là bởi họ lựa chọn dừng bước vì những khó khăn của cuộc sống."
Bất kể quá khứ của bạn ra sao, ai trong chúng ta cũng đều có cơ hội để tạo ra những kì tích nho nhỏ thuộc về mình. Chúng ta sở dĩ thất bại, đó là bởi chúng ta có thói quen tìm cớ để cúi đầu trước cuộc sống.
Thực ra, những người trông có vẻ như có cả thế giới trong tay, cũng đều từng có giai đoạn một mình lạc lõng giữa đêm khuya vừa lau nước mắt vừa nỗ lực phấn đấu; những người tưởng như được vận mệnh chiếu cố đều đã từng trải qua không ít khó khăn và thất vọng, chỉ có điều họ không chia sẻ chúng với ai mà thôi.
Cuộc sống chính xác là một chiến trường khốc liệt, bạn và tôi đều là người phàm, không thể nào một bước lên ngôi vua, càng không thể nào ước gì được nấy.
Nhưng bạn cần tin tưởng rằng, trên thế giới này có hai loại sức mạnh, một loại là pháo hoa rực rỡ, một loại là dòng nước yên ả, loại trước chói sáng nhưng ngắn ngủi, loại sau trầm ổn và dài lâu.
Mỗi ngày đi từng bước nhỏ, dần dần, bạn sẽ tới được nơi mà mình muốn tới, đây mới là chân lý sống của những người bình thường.
04
Mỗi một miếng mật ngọt của đời người, đều là dùng mồ hôi đổi lấy
Có câu nói rất hay rằng: 20 tuổi không nỗ lực, 40 tuổi bước nửa bước cũng khó khăn.
Giai đoạn 20-30 là giai đoạn đẹp nhất đời người.
Khi đó, khả năng ghi nhớ, khả năng học tập, sự tò mò, sức sáng tạo của bạn đều đang đạt đỉnh, là giai đoạn học hỏi dễ tiếp thu nhất, quan trọng đó là giai đoạn không có quá nhiều thứ phải gánh vác, có thể thử và sai.
Học hành tử tế, làm việc nghiêm túc, cuộc đời bạn dù không có đỉnh, thì ít nhất cũng sẽ không xuống vực.
Một khi bước qua tuổi 40, tiền nhà, tiền dưỡng lão, tiền học cho con, ba bốn ngọn núi đè nặng lên vai khiến bạn không kịp thở.
Tới lúc đó, muốn liều một lần, tất nhiên là vẫn có thể, nhưng chắc chắn sẽ khó khăn hơn rất nhiều. Có người trung niên nào không phải kéo theo cả gia đình rồi âm thầm tiến về phía trước?
Có người nói: "Mỗi một người đều có một giai đoạn thức tỉnh, thức tỉnh sớm hay muộn quyết định vận mệnh của bạn."
Trong xã hội biến hóa như hiện này, vùng an toàn đã ngày một ít đi. Củng cố lại con đập của mình, bạn mới có thể trụ vững trước từng đợt sóng lớn của cuộc sống.
Nói cho cùng, đời người giống như bốn mùa, "xuân hoa thu quả, hạ mưa đông tuyết", có làm thì mới có ăn, mọi thứ đều có quy luật của nó.
Giống như một tác gia từng nói: mùa xuân là mùa gieo hạt, bạn chần chừ tới mùa hè mới đi làm, dù cũng đều chăm chỉ chăm sóc vất vả như nhau, nhưng mùa thu thu hoạch ắt sẽ không cho ra được sản phẩm tốt nhất, đông tới cũng chưa chắc đã đủ ăn.
Ngược lại, nếu nghiêm túc nỗ lực trong độ tuổi cần phấn đấu, bạn sẽ phát hiện ra cuộc sống đâu đâu cũng là món quà của xuân hạ thu đông.