Đại gia một thời trong ngành kềm, mất công ty khi không biết ngoại ngữ, không biết đọc email, tuổi 60 tái khởi nghiệp với niềm hăng say công nghệ

17/02/2018 14:00 PM | Kinh doanh

“Ngày xưa tôi từng nghĩ, người trẻ buông thả, không có kinh nghiệm. Thế mà giờ đây, tôi rất thích nói chuyện với các bạn sinh viên. Nhiều bạn rất giỏi. Tôi từng ngạo mạn, suy nghĩ hạn hẹp về người trẻ, vơ đũa cả nắm”.

Đó là chia sẻ của ông Trần Vĩnh Bảo, CEO Tek Nails, về người trẻ, về khởi nghiệp, về công nghệ. Thỉnh thoảng trong câu chuyện giữa chúng tôi, ông Bảo lại nói chèn vài câu tiếng Anh vào. Đó cũng không phải là hành động gì quá đặc biệt nhưng với người đàn ông gần 60 tuổi này là cả quá trình “giác ngộ”, chuyển mình lớn lao vì ông từng không biết đọc mail, không biết vi tính là gì và “nửa chữ tiếng Anh” cũng không biết.

Ông kể, ông quê ở Cần Thơ, từng mở cửa hàng sửa xe đạp ở quê nhà. Sau đó, ông xách xe đạp lên Sài Gòn lập nghiệp. Ông làm thợ sản xuất kềm trong nhiều năm ở Sài Gòn để mưu sinh. Nhờ nắm bắt cơ hội và học hỏi nhanh, đam mê, năm 2000, ông Bảo thành lập Kềm Viba (Viba viết tắt của Vĩnh Bảo).

Năm 2006, Kềm Viba đã có tới 400 nhân sự. Viba đã có một thời huy hoàng và ông Bảo là một trong những đại gia trong làng kềm ngày đó.

Đại gia một thời trong ngành kềm, mất công ty khi không biết ngoại ngữ, không biết đọc email, tuổi 60 tái khởi nghiệp với niềm hăng say công nghệ - Ảnh 1.

“Ngã ngựa” liên tiếp

Và rồi ngày đó, một nhà đầu tư Singapore tìm đến Kềm Viba. Ông bán 30% cổ phần công ty cho nhà đầu tư này. “Tôi nghĩ tôi còn 70% là an toàn”, ông Bảo tâm sự.

Nhưng rồi, ông chia cho người thân 35% và trao quyền đại diện pháp lý cho người này. Do “một chữ tiếng Anh, tiếng Hoa bẻ đôi” không biết, nên người thân này giúp ông giao dịch với đối tác nước ngoài.

Với 35% cổ phần còn lại, nhà đầu tư Singapore và người thân của ông đã cùng nhau tìm cách để mua lại công ty. Kết quả ông phải ra đi trong một tình thế khá nhạy cảm, liên quan đến tình cảm.

“Lúc đó, tôi chỉ nghĩ đến cái chết”, ông Bảo kể về những ngày tháng khó khăn khi công ty gắn liền với tên tuổi của ông phải bán cho người khác. Và theo giao ước, 5 năm sau ông Bảo mới được làm kềm nếu muốn.

Buồn bã, thất vọng, ông Bảo không muốn gặp ai. Ông thuê một căn nhà ở Hóc Môn và cắt đứt liên lạc với mọi người. Ông ở đó với một chú chó.... Ông chiêm nghiệm lại những gì vừa mới xảy ra.

Đại gia một thời trong ngành kềm, mất công ty khi không biết ngoại ngữ, không biết đọc email, tuổi 60 tái khởi nghiệp với niềm hăng say công nghệ - Ảnh 2.

Ông Trần Vĩnh Bảo say sưa với cây kềm. Ảnh: Vnexpress

“Tôi chiêm nghiệm lại và thấy mình hưởng thụ mấy năm mà mọi thứ biến mất tiêu. Tôi cô độc lắm. Và tôi bắt đầu sắm dàn âm thanh, TV to để hưởng thụ với số một số tiền còn lại. Tôi vào diễn đàn đua mô tô ở Sài Gòn, tham gia với toàn người trẻ. Ở đây, tôi thử xe tốc độ chứ không phải đua xe”, ông Bảo kể.

“Lúc đầu tôi thấy rất sung với xe cộ. Nhưng sau đó, thấy hoạt động không có ý nghĩa. Tôi bắt đầu dừng việc tham gia các hoạt động liên quan đến xe. Tôi bắt đầu nghĩ lại đến kềm”, ông Bảo chia sẻ những chuyển biến trong suy nghĩ của ông.

Ông trăn trở, làm sao để thay thế công nghệ bằng thủ công trong việc làm kềm. Vì kềm đã ăn vào máu ông và ông hiểu trong sản xuất kềm khi công nhân đình công là chết.

“Tôi nhớ từng giao hàng trễ 1 ngày và bị phạt 1 ngàn đô. Nỗi ám ảnh ấy quay trở lại. Tôi nghĩ quay lại làm kềm nhưng làm sao đó để không phụ thuộc vào con người. Bài toán đó gần như bế tắc vì ngành kềm phụ thuộc vào nghệ nhân. Nhưng tôi tin không gì không thể. Và thế là tôi đi mua cơ khí, chế tạo thử máy móc. Lúc đó, tôi nghĩ lại rằng trong tương lai sau 5 năm nhất định phải làm kềm. Tôi đi đăng ký chữ Tek cho ngành Nails”, người đàn ông Cần Thơ nhớ lại.

5 năm theo giao hẹn ông không làm kềm nhưng vẫn ngày đêm nghiên cứu về nó với câu hỏi “Làm sao để áp dụng công nghệ thay thế con người?”. Ông mày mò và biết rằng trong ngành kềm không hề có máy chuyên dụng mà phải tự chế tạo ra máy mà thôi.

Sau nhiều lần đi phượt trong tình trạng sức khỏe giảm sút, ông Bảo bắt đầu đầu tư chất xám, tìm cách hợp tác 5 lần nhưng đều đổ bể.

Bí mật nằm trong WWW (WorldWideWeb)

Một trong những thương vụ thất bại là doanh nghiệp làm nước sơn tìm đến ông, ông kể. “Do tôi đàm phán kém nhưng lại tưởng mình khôn” nên góp phần tạo nên thất bại.

Một lý do nữa mà ông chiêm nghiệm ra là “không rành về máy tính”. “Mẫu số chung thời của chúng tôi là không rành về máy vi tính. Nói thật, có card visit nhưng tôi không biết đến email là gì. Có mail của đối tác tôi cũng chỉ nói luôn với trợ lý: Em in ra, rồi tôi đọc bản in”, CEO Tek Nails thừa nhận.

“Tôi chiêm nghiệm và bắt đầu nghĩ ra rằng, thất bại nằm ở chữ WWW, nơi có thể tra cứu đủ thứ thông tin. Tôi không biết một chữ tiếng Anh nào nhưng mày mò, xem qua video và hình dung ra được”, doanh nhân họ Trần kể.

Ông cũng thừa nhận rằng bản thân chỉ chuyên về sản xuất. Và muốn phát triển, không thể thuê được mà phải hợp tác.

“Tôi ngày đêm mày mò học marketing online mà không hiểu nổi. Tôi gặp Vina Group và họ nói cây kềm quá hay. Tôi đã “đo máu” với Vina Group 1 năm trước khi hợp tác. Tôi là con thú bị thương nên rất cảnh giác. Nhưng tôi nhận thấy, họ ủng hộ ước mơ của tôi, họ làm hình ảnh và thương hiệu nên chúng tôi đã hợp tác”, người đàn ông say sưa kể.

Đại gia một thời trong ngành kềm, mất công ty khi không biết ngoại ngữ, không biết đọc email, tuổi 60 tái khởi nghiệp với niềm hăng say công nghệ - Ảnh 3.

“Tôi từng coi người trẻ là buông thả, coi họ như trẻ con nhưng tôi đã vơ đũa cả nắm”

“Tôi từng cho rằng thế hệ trẻ rất buông thả. Nhưng suy nghĩ đó là quá hạn hẹp, tôi đã vơ đũa cả nắm. Tôi gặp nhiều sinh viên và thực sự nể phục họ vì những suy nghĩ và cách làm táo bạo. Tôi thích nói chuyện với sinh viên”, ông chiêm nghiệm.

Ông cho biết thêm rằng khi ông nói chuyện với những người bạn cùng trang lứa về công nghệ, về app, họ “sờ trán” ông và giơ ngón tay hình chữ V lên hỏi: “Ê Bảo, đây là số mấy?”. Bởi với nhiều người, ở tuổi của ông mà nói đến chuyện công nghệ là chuyện không bình thường lắm.

“Gần lục tuần, tôi không còn suy nghĩ nhiều nữa. Tôi không đeo đồng hồ, không biết chủ nhật. Tôi không thích nói về thời gian. Tôi nỗ lực trừ khi gục thì thôi”, ông nói.

Năm 2015, ông Bảo tái khởi nghiệp sản xuất kềm ở tuổi gần 60 và sau đó nhận được đầu tư của Vina Group. Ông đang mở rộng sản xuất, hoàn thiện quy trình sản xuất bằng công nghệ. Năm 2018 sẽ nỗ lực để hoàn thiện 90% về công nghệ và chuẩn bị cho dự án kềm sạch năm 2019.



Thế Trần

Cùng chuyên mục
XEM