“Đại gia” Hưng Gimiko xuất hiện, 2 cổ phiếu KSB và TCM cùng chinh phục đỉnh

25/05/2017 09:41 AM | Kinh doanh

Một điểm chung thú vị của Bimico và Dệt may Thành Công là 2 doanh nghiệp vừa cùng xuất hiện một cái tên mới trong danh sách cổ đông lớn, đó là ông Lê Quốc Hưng.

Cổ phiếu KSB của CTCP Khoáng sản và xây dựng Bình Dương (Bimico) vừa tăng lên mức giá 49.000 đồng vào ngày 24/05/2017 – mức giá cao nhất lịch sử (theo giá điều chỉnh). TCM – cổ phiếu của CTCP Dệt may - Đầu tư – Thương mại Thành Công cũng vừa chinh phục mức đỉnh mới trong 2 năm qua tại 31.500 đồng.

Cả KSB và TCM đều đã tăng bền vững từ đầu năm đến nay. Nhưng đó không phải là điểm chung duy nhất của 2 cổ phiếu này. Một điểm chung thú vị khác là cả Bimico và Dệt may Thành Công vừa cùng xuất hiện một cái tên mới trong danh sách cổ đông lớn, đó là ông Lê Quốc Hưng.

Tính đến hiện tại, ông Lê Quốc Hưng đang sở hữu 3,28 triệu cổ phiếu KSB, tương đương 7,01% và hơn 2,6 triệu cổ phiếu TCM tương đương 5,32% vốn điều lệ.

Giới đầu tư biết đến ông Lê Quốc Hưng với một cái tên khác, là Hưng Gimiko. Ông Hưng nổi danh trên “chứng trường” đã lâu với những phi vụ quy mô và thường mua hàng từ trước khi cổ phiếu lên sàn niêm yết chính thức. Ông từng là cổ đông lớn của TNT, ASM, CTA, TDC … Gần nhất, vào cuối năm 2016, ông đã bán bớt CVT và không còn là cổ đông lớn của công ty này.

Với vụ đầu tư vào TNT, năm 2010, ông Hưng từng bị Ủy ban Chứng khoán nhà nước xử phạt 20 triệu đồng vì bán “chui” hơn 1 triệu cổ phiếu trong giai đoạn từ 21/05/2010 – 31/05/2010, tức ngay khi TNT lên sàn. Dù vậy, sau đợt bán của cổ đông lớn Lê Quốc Hưng, TNT vẫn tăng từ 32.000 đồng lên 39.000 đồng trước khi hạ nhiệt đảo chiều.

Giai thoại về ông Hưng Gimiko trên thị trường là tài khoản chứng khoán cả nghìn tỷ đồng nhưng sau một số cú ngã thì chỉ còn … vài trăm tỷ. Đó có thể là câu chuyện trước năm 2010, chứ sau những năm qua, khi thị trường chứng khoán phục hồi thì tài sản của ông Hưng không khó để trở về con số nghìn tỷ. Tính riêng giá trị thị trường của số lượng cổ phiếu KSB và TCM nói trên cũng đã hơn 240 tỷ đồng, chưa kể giá trị cổ phiếu của nhiều “deal” khác mà ông Hưng tham gia.

Nói về nguồn gốc cái tên “Gimiko”, người ta sẽ nghĩ ngay đến hãng đồng hồ Gimiko với đoạn phim quảng cáo là đàn ngựa phi rất nổi tiếng những năm 90 trên truyền hình. Hãng đồng hồ này được doanh nhân Lê Trung Hiếu thành lập vào năm 1989 tại Tp.Hồ Chí Minh và nhanh chóng phát triển rất mạnh mẽ, theo một số thông tin trên báo chí thì hãng đã từng chiếm tới 60% thị phần.

Với truyền thống kinh doanh của gia đình họ Lê là chiếc đồng hồ Gimiko như vậy, Gimiko cũng trở thành cái tên gắn liền với ông Hưng trong những câu chuyện kể.

Theo Mai Linh

Cùng chuyên mục
XEM