Đại biểu Quốc hội: Có nên tách đặc khu kinh tế ra trực thuộc Trung ương luôn không?
Đại biểu Trần Thanh Mẫn nhận định, dự thảo luật đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt vẫn còn nhập nhằng khi một số quy định phải thông qua tỉnh, một số lại thông qua Trung ương. Nếu đặc khu chịu quá nhiều rằng buộc, sẽ mâu thuẫn với ý định xây luật để tạo cơ chế thông thoáng, cởi mở.
Chiều nay (10/11), Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ xung quanh dự thảo luật đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt. Dự thảo luật này thu hút được sự quan tâm của cử tri cũng như người dân, bởi ban hành nhiều cơ chế đột phá, khác biệt so với các luật trước đây.
Đại biểu Trần Văn Minh cho biết, về bộ máy tổ chức cơ quan quản lý, đặc khu kinh tế nên ưu tiên phương án chọn ra một thiết kế trưởng, người đứng đầu khu kinh tế đặc biệt, mà không cần xây dựng bộ máy của hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân. Theo ông, ngay từ tên gọi là đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt, nghĩa là không chỉ đặc biệt về kinh tế mà còn phải đặc biệt về hành chính.
“Chúng ta cần sự đổi mới. Đây là cơ hội để thực hiện nghị quyết TƯ 5 đã đề ra, đó là đổi mới trong bộ máy hành chính”, ông Minh nhận định.
Trả lời liệu sự đổi mới này có phù hợp với pháp luật không, ông Minh cho rằng, luật mới có đôi chỗ mâu thuẫn với luật tổ chức chính quyền địa phương, song không trái với hiến pháp. Việc lựa chọn một người làm thiết kế trưởng sẽ đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu. Đây là yếu tố quan trọng để thu hút các nhà đầu tư, bộ máy tổ chức mới cũng sẽ đảm bảo sự tinh gọn, tăng tính hiệu quả.
“Thực tế chứng minh cái mới, dám làm cái mới đều xuất phát từ cá nhân. Vì vậy, chúng ta cần có khung quyền lực đủ để cá nhân đó có quyền hạn thực hiện tốt nhiệm vụ được giao”, ông Minh đánh giá.
Ủng hộ phương án chọn ra một trưởng đặc khu, song đại biểu Minh cũng nhấn mạnh, bên cạnh quyền lực lớn, cũng phải có cơ chế giám sát đặc biệt, tránh tình trạng lạm quyền. Về mặt này, ông Minh cho rằng, các quy định trong dự thảo luật vẫn chưa đảm bảo giám sát hiệu quả. Cần phân định rõ thẩm định rõ công việc, trách nhiệm giữa đặc khu với UBND tỉnh, từ đó mới xác định rõ được vai trò, trách nhiệm của mình. Cần tránh cả 2 khuynh hướng là giám sát hình thức hoặc giám sát tràn lan.
Đồng tính với đại biểu Trần Văn Minh về việc xây dựng cơ chế quản lý trưởng đặc khu, nhưng đại biểu Trần Minh Mẫn cho rằng, không phải là quản lý trưởng sẽ đảm nhiệm tất cả các công việc mà vẫn phải có sự góp mặt của chính quyền, của Đảng, mặt trần Tổ quốc,…
Ngoài ra, theo ông Mẫn, dự thảo luật vẫn còn nhập nhằng, có quy định thông qua tỉnh, cái thông qua trung ương.
“Mục đích của chúng ta khi xây luật này muốn làm sao cho nó thông thoáng, nó mở ra, để khu vực này phát triển. Muốn đây là nơi phải tự chủ, tự chủ về tài chính, nhân dân,… nên để nhiều ràng buộc thì rất là khó. Liệu những đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt này có nên tách ra trực thuộc Trung ương luôn không?”, đại biểu Mẫn đặt câu hỏi.
Bên cạnh những vấn đề liên quan đến ban quản lý đặc khu, cơ chế hỗ trợ đầu tư của Nhà nước vào các đặc khu trong dự thảo luật cũng được các đại biểu quan tâm.
Cụ thể, khoản 6 điều 22, lưu ý Ngân sách trung ương bổ sung các mục tiêu cho đặc khu để xây dựng kết cấu hạ tầng. Theo đại biểu Minh, đây là quy định rất định tính, không rõ ràng. Luật nên nghiên cứu theo hướng cụ thể mức hỗ trợ ngân sách, cụ thể về mức và cụ thể về thời gian.
“Trong bối cảnh hiện nay chúng ta đang rất khó khăn về bội thu, nợ công, mà không có quy định cụ thể thì mỗi lần cân đối chúng ta lại đắn đo với bài toán dồn tiền vào làm việc gì. Nếu đã quyết tâm, chúng ta nên thể hiện sự quyết tâm bằng quy định cụ thể băng mức chi, mức hỗ trợ cụ thể, thời gian cụ thể. Như vậy đặc khu mới có thể chủ động. Tôi nghĩ rằng như vậy các nhà đầu tư mới yên tâm”, đại biểu Minh góp ý.
Về mặt lao động, việc làm, các đại biểu cũng có ý kiến luật không nên mở quá. Đại biểu Trần Hồng Nguyên chia sẻ, đặc khu phải là nơi thu hút được nhân tài trên cả nước đổ về. Tuy nhiên, dự thảo luật hiện quy định quá mở dành cho lao động nước ngoài, cho phép cả lao động nước ngoài phổ thông đến đây làm việc.
“Cần xem xét kỹ quy định này, nếu chúng ta làm vậy sẽ thu hẹp cơ hội việc làm cho chính lao động trong nước. Đây cũng là vấn đề bị cử tri nhiều nơi bức xúc”, đại biểu Nguyên phản ánh.
Dự thảo luật đơn vị - hành chính kinh tế đặc biệt được trình bàn thảo trong kỳ họp Quốc hội lần này và dự kiến sẽ được thông qua trong kỳ họp thứ 5. Dự kiến, các đặc khu kinh tế Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc sẽ hình thành cơ chế mở, thông thoáng để thu hút vốn đầu tư nước ngoài, trở thành đầu tàu phát triển kinh tế cả nước, đồng thời là phòng thí nghiệm để thử các chính sách, cơ chế mới.