Đặc sản từng có giá trăm nghìn/kg giờ không ai mua, dân để rụng đầy gốc

03/10/2020 10:32 AM | Xã hội

Trước thực trạng bơ booth rớt giá thê thảm, không có thương lái hỏi mua, nông dân Đắk Lắk đành để quả rụng đầy gốc.

Trước đây, giá bơ booth cao, có khi lên đến 100.000/kg. Thế nhưng, từ đầu tháng 9/2020 đến nay, giá bơ booth tại Đắk Lắk “tụt dốc” thê thảm. Hiện Đắk Lắk đang vào mùa bơ booth (từ tháng 9 đến tháng 11), nhưng nhiều vườn không có thương lái mua bơ, dân đành bỏ mặc cho quả rụng đầy gốc.

 Đặc sản từng có giá trăm nghìn/kg giờ không ai mua, dân để rụng đầy gốc - Ảnh 1.

Vườn bơ trái rụng đầy gốc không thu hoạch vì không có khách mua.

Theo ghi nhận của PV, nhiều vườn bơ tại xã Ea Kao, Buôn Ma Thuột gần như bị người dân “bỏ mặc”. Bơ bắt đầu chín nhưng vắng chủ, quả bơ rụng thối, hỏng lăn lóc đầy vườn, rẫy.

Tại thị trấn Quảng Phú, huyện Cư M’Gar (Đắk Lắk), bà Nguyễn Thị Gác buồn rầu cho biết, đầu tháng 9, thương lái vào nhẩm tính vườn bơ booth của bà ước đạt khoảng 7-8 tạ quả nên trả giá 3 triệu đồng. Thấy rẻ, bà Gác không đồng ý bán. Nào ngờ, giá bơ ngày càng giảm, thương lái thì chẳng thấy đâu còn vườn bơ của bà ngày càng rụng dần vì chín.

Bà Gác chia sẻ: “Năm trước, bơ xấu cũng bán được 5 - 6.000/kg mà không có để bán. Năm nay, bơ loại 1 chỉ có giá 5.000 đồng/kg nhưng cũng chẳng có thương lái nào đến hỏi mua”.

 Đặc sản từng có giá trăm nghìn/kg giờ không ai mua, dân để rụng đầy gốc - Ảnh 2.

Bà Gác rầu rĩ vì vườn bơ booth không bán được, ngày càng nhiều quả rụng.

Còn ông Nguyễn Sơn (thôn Cao Thành, xã Ea Kao, TP Buôn Ma Thuột) cho biết, mấy năm trước, thương lái chạy đầy đường để tìm mối thu mua bơ. Thậm chí, khi bơ booth mới ra quả non, đã có người tới đặt cọc để giữ vườn.

Năm nay, thương lái vắng bóng hoàn toàn, dăm ba ngày, có khi cả tuần mới có người tới hỏi, lại trả giá rất thấp, chỉ 5.000 đồng/kg bơ booth loại 1. Ông Sơn dự tính, năm nay 5 sào bơ của ông sẽ cho khoảng 5 tấn quả. Thế nhưng, hiện nay ông chỉ mới bán được 1 tấn, còn lại để rụng xuống vườn.

Cũng theo ông Sơn, vì giá bơ booth quá rẻ không bán được nên đa số các vườn đều để bơ tự rụng. Một số hộ thì nhặt hạt bơ để bán, còn vỏ và thịt bơ vun vào gốc cây để làm phân bón.

Bà Phạm Thị Thảo, một thương lái chuyên mua bơ cho biết: “Năm trước, mỗi ngày tôi xuất khoảng 7 tạ bơ booth. Thế nhưng năm nay, cả tuần chỉ có vài mối mua bơ đặt hàng và chỉ xuất đi lẻ tẻ, có khi cả tuần chỉ bán được 2-3 tạ bơ”.

 Đặc sản từng có giá trăm nghìn/kg giờ không ai mua, dân để rụng đầy gốc - Ảnh 3.

Vườn bơ của ông Nguyễn Sơn rụng đầy gốc

Trong khi nhiều hộ dân đang lao đao vì bơ booth rớt giá thì anh Trịnh Xuân Mười, người được ví là "vua bơ" Tây Nguyên, chủ của 10ha bơ, cho hay, mặc dù bơ rớt giá nhưng do anh đã ký kết hợp đồng với các đối tác từ trước nên hiện anh vẫn xuất bán bơ booth với giá từ 18-20 ngàn đồng/kg.

Theo anh Mười, người dân chủ yếu trồng bơ và bán theo cảm tính, quy mô nhỏ lẻ, không có đầu ra ổn định nên chịu ảnh hưởng rất nhiều của giá cả thị trường.

Ngoài ra, năm nay nhiều vườn bơ bị ong chích, sâu bệnh khiến mẫu mã quả bơ không được đẹp; việc phát triển diện tích bơ booth quá nhiều trong những năm qua cũng là một nguyên nhân khiến giá loại quả này hiện đang xuống thấp.

Anh Mười cho rằng, việc nông dân liên kết với các doanh nghiệp là rất quan trọng. Bởi lẽ, khi đó bà con sẽ có đầu ra ổn định cho nông sản, giảm thiểu ảnh hưởng của giá cả thị trường.

Còn về lâu dài, theo anh Mười việc thành lập nhà máy chế biến sâu, đa dạng hóa các sản phẩm về cây công nghiệp trong đó có quả bơ tại Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng là rất cần thiết.

Tuy nhiên, muốn được như vậy, cần phải có sự hỗ trợ, định hướng, quy hoạch của Nhà nước về vùng chuyên canh tập trung, nông dân phải gắn kết với doanh nghiệp, với các Hợp tác xã lâu dài.

Một lãnh đạo tại Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Đắk Lắk cho hay, hiện tổng diện tích cây bơ trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk khoảng gần 7.000 ha. Trong khi đó, định hướng chung của tỉnh Đắk Lắk đến năm 2030 có khoảng 6.000 ha trồng bơ (nói chung các loại bơ).

Năm nay, bơ booth bất ngờ xuống giá. Điều này có thể do nhiều nguyên nhân như cung vượt quá cầu, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên thị trường tiêu thụ giảm.

Vị này nói thêm, ngoài việc thực hiện kết nối thị trường, xúc tiến thương mại, giới thiệu các mặt hàng thế mạnh trên địa bàn với tỉnh khác để hỗ trợ nông dân tìm đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp, lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Lắk, lãnh đạo Sở NN&PTNT đang xúc tiến để thu hút đầu tư, thành lập nhà máy chế biến sâu nhằm đa dạng mặt hàng các loại quả, trong đó có quả bơ.

Theo lãnh đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Đắk Lắk: “Vấn đề bơ booth xuống giá có thể chỉ là tạm thời. Hiện, lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo Sở NN&PTNT xác định, bơ là một cây trồng có thế mạnh, chủ lực của tỉnh nên bà con không nên quá lo lắng mà chặt bỏ cây bơ, chuyển sang cây trồng khác”.

Trần Nhân

Cùng chuyên mục
XEM