Đặc sản làng, xã: Chỉ cần mộc mạc, tự nhiên là đủ?

08/09/2017 10:32 AM | Kinh doanh

Tôi có chút lo ngại khi các doanh nghiệp OCOP ở đây thường bày tỏ rất hồn nhiên: “Là đặc sản mà bác, là “của ngon vật lạ” trời cho thì mình cứ như tự nhiên, mộc mạc chân quê vậy mà khách hàng chuộng lắm bác ạ”.

Đó là cảm nhận của bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc Trung tâm BSA, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, khi tham dự OCOP (Chương trình mỗi phường xã một sản phẩm) tại Quảng Ninh đầu tháng 9.

Chúng tôi xin đăng lại những cảm nhận, đánh giá của bà Kim Hạnh về OCOP tại Quảng Ninh vừa qua.


"… Vì có biết bao nhiêu câu chuyện hay, cảm động, lấp lánh đã không được kể ra. Những câu chuyện thật từ thôn bản, núi rừng hay cả những câu chuyện tưởng tượng mà chỉ có người trong cuộc mới chắp nối được từ những câu chuyện thật.

Nơi hội tụ những câu chuyện xúc cảm

Tôi đi chầm chậm trong không gian hội chợ OCOP, nơi bán sản phẩm từ làng, mà người bán hầu hết cũng chính là người làm ra sản phẩm, mộc mạc chân quê. Lạ lùng thay những cái tên đẹp, gợi, cứ nghe là đã nghĩ ra được những câu chuyện. Gạo Séng Cù, trầu tiên Yên Tử, ổi Hoành Bồ, sá sùng Vân Đồn, mắc khén Sa Pa, chiếu Nga Sơn… lại không hề được nghe ai kể. Tức quá, sao tôi chỉ nghe: bác cứ tin em đi, em chưa hề nói dối khách hàng bao giờ. Ô thế bác nghĩ là em nói dối bác à? Em bán hàng cho người đi trên bộ còn bác đi máy bay thì sao mà em biết được?...

Tôi cầm gói muối ngâm chân của HTX Cát Cát, Sa Pa, Lào Cai, lên hỏi muối này ở đâu, người bán hàng ngơ ngác. Sáng đó (2.9.2017) tôi có tham luận một bài về giải pháp xúc tiến thương mại cho hàng OCOP tại hội thảo cùng tên và có kể chuyện về gói muối ngâm chân này. Vừa xong, một anh xưng là cán bộ sở Nông nghiệp Lào Cai lại cám ơn và nói, hay nhỉ, về chúng tôi sẽ hỗ trợ bạn trẻ Má A Nủ này. Đó là chàng trai người Hmông, mê đi tìm lá thuốc quý trên rừng và thích kinh doanh thảo dược, anh đã “dụ” mẹ bán hết đàn trâu của nhà, vay thêm trăm triệu nữa đem xuống Hà Nội đặt ĐH Bách khoa làm cho hệ thống nồi nấu khối lượng lớn và lập ra HTX Cát Cát; đến giờ những gói muối và lá thuốc Sa Pa ngâm chân đã theo anh chu du khắp mọi miền đất nước.

Tại phiên chợ Xanh – Tử tế tổ chức tại trụ sở hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao mỗi cuối tuần, nhiều “cô Tây” thích thú đến ngồi ngâm chân, rồi mua mang về. Còn rượu Bâu Hoành Bồ là một câu chuyện cũng thật vui. Các bạn trẻ tiếp thị rượu rất tự tin trả lời các câu hỏi của tôi, đúng cách marketing, lại cùng mặc áo blouse trắng. “Công ty các cháu chọn đồng phục thế này à?”, tôi hỏi. Một bạn lắc đầu, không ạ, chúng cháu đều là sinh viên ĐH Dược Hà Nội. À, đây đúng là học trò thầy Trần Văn Ơn đây mà. Cả bên gian hàng đông dược của HTX Đông Triều cũng có các bạn trẻ mặc blouse trắng như vậy. “Vâng, thầy Ơn của cháu cũng giúp cho huyện Đông Triều ạ”.

Trên chặng đường mới hơn ba năm của mình, Quảng Ninh đã đi những bước cơ bản rất thành công. Bạn phải đứng ngay các gian hàng, chứng kiến người tiêu dùng cầm sản phẩm lên hỏi, đâu, dấu OCOP đâu, được công nhận chưa, 4 sao à, thế à, sao không bảo từ đầu để khỏi hỏi và tìm, mua ngay, 5 sao hả, thì mua chứ sao… Đó là giá trị của OCOP trong đời sống, giá trị hiển nhiên nhất, con dấu “sang chảnh” nhất cho một danh hiệu. Đó là công nhận dễ dàng nhất, tự động nhất, sự nhìn nhận một quá trình làm thiệt, chứng nhận thiệt.

Tuy vậy, người làm xúc tiến như tôi lại vẫn chưa bằng lòng.Tôi nhìn những chai rượu tiên Yên Tử rất đẹp, đạt tới 5 sao OCOP và thèm nghe họ kể câu chuyện của sản phẩm. Tôi nói, Quảng Ninh có nhiều địa danh được yêu quý như Yên Tử, Vân Đồn, lại có khối câu chuyện thật.

OCOP cần những bạn đồng hành hết lòng


Muối ngâm chân đã bán hết veo tại hội chợ OCOP Quảng Ninh 2017. Ảnh: BSA

Muối ngâm chân đã bán hết veo tại hội chợ OCOP Quảng Ninh 2017. Ảnh: BSA

Bên cạnh câu chuyện về sản phẩm, còn một câu chuyện đặc biệt. Đó là chuyện những người phu khuân vác và tài xế, tạp vụ quốc doanh. Đó chính là những cán bộ lãnh đạo của trung tâm Xúc tiến thương mại Quảng Ninh. Các anh giành lái xe chở hàng miễn phí để giảm chi phí cho doanh nghiệp, hay tự lắp ráp bục kệ trang trí cho các gian hàng, giúp doanh nghiệp sắp xếp lau dọn khi hàng lên kệ. “Chỉ có dựng gian tiêu chuẩn, phải cần thiết bị là chúng tôi không làm được”. Tôi lý giải được một phần, vì sao OCOP ở Quảng Ninh duy trì và phất lên được. Vì có những lãnh đạo ở ủy ban nhớ rành mạch từng chặng công việc cụ thể của dự án và tên sản phẩm mới của các địa phương, và luôn theo sát hoạt động xúc tiến từng bước. Và vì có những bạn đồng hành với doanh nghiệp ở trung tâm xúc tiến.

Buổi tối ngày 2/9, chúng tôi gọi là ăn mừng lễ và ngày hoạt động tưng bừng thứ hai của hội chợ, nhưng rồi câu chuyện toàn xoay quanh “vận mệnh” OCOP. Tôi nói, tôi tiếc là mỗi doanh nghiệp hay HTX không biết kể câu chuyện. Nhưng điều ấy có vẻ hơi xa xỉ chăng khi việc trình bày bao bì mẫu mã còn chưa đạt, và sắp xếp hàng hóa chưa thuận mắt, thuận tay khách hàng?

Điều bàn sâu nhất là bối cảnh mới và thuận tiện cần phát huy kịp thời. Từ bối cảnh hội nhập, sản xuất kinh doanh đặc sản làng nghề không còn là hoạt động đơn độc mưu sinh của người Việt, mà nay, đã thành một trong những xu thế nổi bật của thị trường thế giới là đề cao tính bản địa và công thức phổ biến là: phát triển tài nguyên bản địa bằng cách kết hợp với sức mạnh công nghệ. Ngoài ra, nên kết hợp phong trào khởi nghiệp đang được phát động rộng rãi trên khắp nước. Những nông dân trẻ luôn đầy năng lượng, ham thích sáng tạo, xông xáo vào rủi ro và cũng dám đột phá trong chọn những hướng đi mới.

Tôi có chút lo ngại khi các doanh nghiệp OCOP ở đây thường bày tỏ rất hồn nhiên: “là đặc sản mà bác, là “của ngon vật lạ” trời cho thì mình cứ như tự nhiên, mộc mạc chân quê vậy mà khách hàng chuộng lắm bác ạ”. Không, là đặc sản, chỉ mới thỏa điều kiện cần. Còn điều kiện đủ phải là có đầy đủ tiêu chuẩn, đảm bảo chất lượng an toàn, hình thức hấp dẫn từ mẫu mã đến bao bì, dịch vụ đi kèm thuận lợi, giá cả cạnh tranh, dễ mua… Chặng đường gập ghềnh và xa thẳm, từ đầu vào, với công nghệ, kỹ thuật giúp cải tiến sản xuất, đổi mới sáng tạo nâng cao chuẩn chất và độ an toàn, luôn tạo nên sản phẩm mới; còn đầu ra cũng lại cần kiến thức và công nghệ mang lại cách làm mới, hình thức mới cho tiếp thị và cả tổ chức chuỗi cung ứng, mạng phân phối.

Nông dân được tạo điều kiện học từ thực tế, thực tập và tận dụng tìm kiếm cơ hội rất nhiều. Và chúng ta cần đứng bên cạnh những nông dân cùng những nhà kinh doanh OCOP, để giúp họ.

Ngày 3.9, trên chuyến bay về lại TP.HCM, tôi đọc thấy bài "Người trẻ quay lại với nông nghiệp" trên báo Thanh Niên. Tôi rất đồng tình với ý kiến chị Nguyễn Thị Kim Hạnh, đồng sáng lập dự án khởi nghiệp thương hiệu kimchi Ông Kim tại Việt Nam: “Không có tâm đừng khởi nghiệp nông nghiệp”. Và nếu anh chưa hiểu “nghề nông dân” đang là nghề nhiều cực khổ rủi ro nhất, thì nhảy vào nông nghiệp theo phong trào, dù anh thừa bản lĩnh kinh doanh xu hướng, kinh doanh cơ hội thì coi chừng… Bởi đồng hành với nhà nông lúc này là phải hiểu sâu, cảm nhận sâu những khó khăn, giới hạn, cay cực mà họ trải qua”.

Vũ Kim Hạnh

Cùng chuyên mục
XEM