Đà tăng 'shock' của CFV hé lộ một tay chơi trong 'game' thoái vốn Vilico

28/08/2022 11:47 AM | Kinh doanh

Gia đình ông Đỗ Hoàng Phúc cùng với CTCP Việt Xuân Mới là các tay chơi chính trong đợt thoái vốn Nhà nước vào nửa cuối năm 2016 tại Tổng công ty Chăn nuôi Việt Nam (Vilico).

Đà tăng 'shock' của CFV hé lộ một tay chơi trong 'game' thoái vốn Vilico - Ảnh 1.

Cổ phiếu CFV của CTCP Cà phê Thắng Lợi tăng gấp gần 3 lần chỉ trong 2 tuần. Ảnh: CFV

Đóng cửa phiên 26/8, cổ phiếu CFV của CTCP Cà phê Thắng Lợi (UPCoM:CFV) ghi nhận phiên tăng trần thứ 10 liên tiếp lên 15.800 đồng/CP, tương ứng tăng 270% từ mức 4.300 đồng/CP cách đây tròn 2 tuần.

Trước đà tăng mạnh của cổ phiếu, lãnh đạo CFV cho biết công ty không có bất kỳ thông tin có lợi liên quan làm ảnh hưởng đến biến động giá giao dịch cổ phiếu, thêm vào đó, nửa đầu năm CFV còn báo lỗ. Do đó, CFV khẳng định không có căn cứ giải trình liên quan đến việc giá cổ phiếu tăng trần nhiều phiên liên tiếp.

Như Nhadautu.vn đã từng đề cập, CFV tiền thân là Công ty TNHH MTV Cà phê Thắng Lợi, được cổ phần hoá vào đầu năm 2019. Đơn vị hoạt động chính trong lĩnh vực trồng, khai thác và chế biến kinh doanh cà phê.

Về tình hình kinh doanh, giai đoạn 2015-6T2022, doanh thu thuần của CFV đạt đỉnh vào năm 2021 với 352 tỷ đồng. Song lợi nhuận sau thuế qua các năm chỉ duy trì dưới mức 10 tỷ. Riêng trong nửa đầu năm 2022, công ty còn báo lỗ gần 3 tỷ.

Cụ thể, 6 tháng đầu năm 2022, Cà phê Thắng Lợi thu về 221,6 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 6% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu bán hàng hoá chiếm phần lớn với 214,4 tỷ đồng, tăng 5,3%. Giá vốn hàng bán tăng 10,4% lên 217,6 tỷ đồng. Theo đó, lợi nhuận gộp còn bằng 34,7% cùng kỳ với 4 tỷ đồng. Biên lãi gộp giảm từ 5,6% xuống 1,8%. Sau khi trừ đi các khoản chi phí, đơn vị lỗ sau thuế gần 3 tỷ đồng sau nửa đầu năm, còn cách xa so với mục tiêu lãi 4 tỷ đồng được đề ra tại ĐHĐCĐ 2022.

Vốn điều lệ của doanh nghiệp hiện ở mức 126,5 tỷ đồng, trong đó UBND tỉnh Đắk Lắk nắm giữ 36% và bà Phạm Thị Linh sở hữu 61,36% VĐL. Tại Đắk Lắk, Cà phê Thắng Lợi sở hữu diện tích đất đai lên đến 2.081,19 ha, trong đó 1.822,39 ha là đất trồng cây lâu năm; 258,81 ha đất sản xuất nông nghiệp; 18,63 ha là đất lâm nghiệp.

Đà tăng 'shock' của CFV hé lộ một tay chơi trong 'game' thoái vốn Vilico - Ảnh 2.

Cuối năm 2020, Cà phê Thắng Lợi từng gây xôn xao giới đầu tư khi đề xuất triển khai dự án điện mặt trời nổi Thắng Lợi tại xã Cuôr Đăng, huyện Cư M’gar, quy mô 140 ha, tổng công suất 200 MW, vốn đầu tư 3.000 tỷ đồng. Đồng thời, UBND tỉnh Đắk Lắk có văn bản đề nghị Bộ Công Thương bổ sung dự án nhà máy điện gió Thắng Lợi Đắk Lắk (xã Hòa Đông, huyện Krông Pắc) của Cà phê Thắng Lợi vào Quy hoạch Điện VII điều chỉnh. Dự án có quy mô công suất 49,5 MW, tổng mức đầu tư 2.090 tỷ đồng.

Về phần mình, cổ đông lớn nhất tại CFV - bà Phạm Thị Linh chính là phu nhân của Chủ tịch HĐQT CFV - ông Đỗ Hoàng Phúc, người từng có thời gian dài công tác tại các cơ quan Nhà nước. Theo đó, từ năm 1975 – 2008, ông giữ các chức vụ từ chiến sỹ, hạ sỹ đến đại tá, trưởng phòng nghiệp vụ tại Công an tỉnh Ninh Bình. Giai đoạn 2009 - 2011, ông chuyển công tác làm Phó chánh Văn phòng Tỉnh ủy Ninh Bình. Vị trí cuối cùng mà ông Phúc nắm giữ tại cơ quan Nhà nước là Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải Ninh Bình (2011-2017).

Từ những ngày còn là công chức, ông Phúc cùng vợ là bà Phạm Thị Linh đã gây dựng sự nghiệp kinh doanh riêng.

Tháng 7/2016, ông Phúc cùng các pháp nhân liên quan thành lập CTCP Xuất nhập khẩu thực phẩm toàn cầu, hoạt động trong lĩnh vực bán buôn thực phẩm. Cũng trong thời gian ông Phúc còn tại nhiệm, hai vợ chồng doanh nhân này đã tích cực tham gia nhiều phiên đấu giá cổ phần IPO đáng chú ý, như đăng ký mua 3,64 triệu cổ phần CTCP Du lịch Khách sạn Kim Liên (tháng 11/2015), tương đương tỷ lệ 52,43%; 1,38 triệu cổ phần CTCP Toa xe Hải Phòng (tháng 4/2016), ứng với tỷ lệ 71,97%, mua đấu giá thành công hơn 1,66 triệu cổ phần Công ty TNHH MTV Giống cây trồng Hải Dương (hiện là CTCP Giống cây trồng Hải Dương) vào cuối năm 2015.

Chưa dừng lại ở đó, ông Phúc cùng vợ cũng sở hữu cổ phiếu của nhiều công ty nổi danh như 2,13 triệu cổ phiếu CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn (UpCom: BSR); Công ty Bảo hiểm Quân đội (HoSE: MIG)...

Ngoài ra, ông Phúc còn là Chủ tịch HĐQT CTCP Khu công nghiệp Cái Lân – QNC (VĐL 600 tỷ đồng), đây là pháp nhân góp 90 tỷ đồng, tương ứng 3% vốn dự án điện mặt trời nổi Thắng Lợi. Trong khi, Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Nam Phương – nơi bà Phạm Thị Linh đảm trách vai trò Chủ tịch HĐQT, góp 16% tổng mức đầu tư dự án này, 80% vốn còn lại của dự án là tín dụng ngân hàng.

Thương mại Nam Phương là doanh nghiệp kín tiếng với giới truyền thông, nhưng lại là một trong 6 đơn vị được Ninh Bình đánh giá là có nhiều đóng góp, đem lại nguồn thu lớn cho tỉnh.

Với gốc gác Ninh Bình, công ty này sở hữu nhiều dự án trên địa bàn tỉnh, có thể kể đến một số cái tên tiêu biểu như: Dự án đầu tư xây dựng cảng và bãi chứa hàng đường thủy, tổng mức đầu tư hơn 187,4 tỷ đồng, quy mô hơn 1,1 ha; Dự án xây dựng nhà máy sản xuất phân bón Nam Phương;…Mặt khác, Nam Phương cũng là doanh nghiệp nổi danh với lĩnh vực kinh doanh xuất nhập khẩu các mặt hàng công nghiệp như: xi măng, clinke, thép, xăng, dầu, than.

Ngoài ra, hệ sinh thái của bộ đôi doanh nhân này còn có loạt pháp nhân khác là CTCP Xi măng Thanh Long; Công ty TNHH Đầu tư và thương mại dịch vụ Nam Hải; Công ty TNHH Trường Thịnh Phát Ninh Bình; Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Materials Nam Phương; CTCP Xuất nhập khẩu Nam Phương IMEX.

Tại Đắk Lắk, không chỉ Cà phê Thắng Lợi, vợ chồng doanh nhân Đỗ Hoàng Phúc tiếp tục mở rộng tầm ảnh hưởng. Sau khi mua lại từ nhóm DNP Water, gia đình ông Phúc hiện đang sở hữu 59,17% CTCP Cấp nước Đắk Lắk (UpCOM: DWC), trong khi UBND tỉnh Đắk Lắk sở hữu 36%. Vào đầu năm nay, ông Đỗ Hoàng Phúc đã được bầu làm Chủ tịch HĐQT DWC, con trai ông - ông Đỗ Hoàng Phương làm Phó Chủ tịch HĐQT còn bà Phạm Thị Linh làm Thành viên HĐQT.

Ông Đỗ Hoàng Phương và bà Phạm Thị Linh, nên biết, cùng với CTCP Việt Xuân Mới là các "tay chơi" trong đợt thoái vốn Nhà nước vào nửa cuối năm 2016 tại Tổng công ty Chăn nuôi Việt Nam (Vilico). 2 vị này từng chia đều sở hữu 10 triệu cổ phần VLC, tương đương 16% vốn tại Vilico.

Theo Khánh An

Cùng chuyên mục
XEM