Đà Nẵng chi hơn 92 tỉ đồng hỗ trợ người bị ảnh hưởng dịch Covid-19
Trong nhóm đối tượng được hỗ trợ có người lao động không có giao kết hợp đồng, bị mất việc bao gồm giáo viên ở các trường tư thục, người làm việc trong ngành du lịch ... với mức đề xuất thấp nhất là 1.500.000 đồng/người.
Ngày 9-7, Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP Đà Nẵng đã có tờ trình gửi UBND TP về hỗ trợ cho người có công cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội, người thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ kinh doanh và người lao động.
Theo đó, sở này đề xuất đối tượng hỗ trợ và mức hỗ trợ cụ thể, gồm: Người có công cách mạng và đối tượng bảo trợ xã hội: 1.000.000 đồng/người/lần; người thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo: 500.000 đồng/người/lần.
Đối với người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm, bao gồm:
Giáo viên, nhân viên trường mầm non tư thục, nhân viên, bảo mẫu nhóm trẻ; thuyền viên phục vụ tàu du lịch, lái xe, phụ xe của 12 tuyến xe buýt trợ giá của thành phố, lái xe, phụ xe các tuyến cố định, xe taxi, xe hợp đồng dưới 9 chỗ ngồi hoạt động; làm việc ở đơn vị lữ hành, lái xe, phục vụ vận chuyển du lịch, làm việc ở các khu điểm du lịch, các cơ sở lưu trú, các điểm kinh doanh dịch vụ tại các bãi tắm; làm công việc cắt tóc, dọn vệ sinh, giúp việc gia đình và bán vé số: 1.500.000 đồng/người/lần.
Hướng dẫn viên du lịch được cấp thẻ hành nghề hướng dẫn du lịch: 3.710.000 đồng/người/lần. Đối với hộ kinh doanh tại các chợ đêm có đăng ký kinh doanh: 3.000.000 đồng/hộ/lần. Tổng kinh phí dự kiến đề xuất hỗ trợ là hơn 92,8 tỉ đồng.
Theo đề xuất của Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP Đà Nẵng, hướng dẫn viên du lịch được cấp thẻ hành nghề được hưởng hỗ trợ 3.710.000 đồng/người/lần
Về biện pháp, cách thức tổ chức thực hiện, Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP Đà Nẵng cho hay, đối với người lao động không có giao kết hợp đồng lao động, hộ kinh doanh chợ đêm, sở có trách nhiệm hướng dẫn thủ tục và hồ sơ đề nghị hỗ trợ của người lao động, hộ kinh doanh trên cơ sở danh sách do các sở, ngành, địa phương lập và có sự giám sát, xác nhận của Tổ thẩm định xã, phường.
Đối với người có công cách mạng, các đối tượng bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, sở có trách nhiệm hướng dẫn các địa phương lập danh sách, xác nhận và đề nghị hỗ trợ. Đối với hộ kinh doanh chợ đêm thì thực hiện trên cơ sở danh sách hộ kinh doanh đăng ký hoạt động tại các chợ đêm, địa phương lập danh sách và hướng dẫn chủ hộ làm đơn đề nghị hỗ trợ.
Các đối tượng được giải quyết hỗ trợ 1 lần trong năm 2021. Mỗi hộ kinh doanh, người lao động, mỗi đối tượng chỉ được nhận một suất hỗ trợ. Đối với đối tượng đang hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội tại cộng đồng, nếu một người mà nhận nhiều suất trợ cấp thì chỉ được nhận một suất hỗ trợ duy nhất.
Theo Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP Đà Nẵng, dịch Covid-19 bùng phát trở vào cuối tháng 4 khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của nhiều đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục… trên địa bàn bị ảnh hưởng rất lớn. Cụ thể, các doanh nghiệp, cơ sở phải tạm ngừng hoạt động, thu hẹp sản xuất, không bố trí đủ việc làm dẫn đến một bộ phận lao động phải nghỉ việc, ngừng việc, không có nguồn thu nhập, nhất là lao động làm việc trong các đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở hoạt động ở lĩnh vực vận tải, du lịch, lưu trú, giáo dục ngoài công lập.
Ngoài ra, có một số đối tượng thuộc diện người có công cách mạng, các đối tượng bảo trợ xã hội, người thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo và một bộ phận nhân dân, người lao động do ảnh hưởng dịch Covid-19 cũng gặp phải rất nhiều khó khăn. Theo lãnh đạo sở Lao động Thương binh và Xã hội TP Đà Nẵng, việc đề ra chính sách hỗ trợ khó khăn đột xuất cho số đối tượng nêu trên là hết sức cần thiết và cấp bách