Đã có người ở Singapore mắc cúm Vũ Hán, giới chuyên gia hoài nghi lệnh cách ly có thể gây phản tác dụng

24/01/2020 08:19 AM | Xã hội

Áp lực kiểm soát dịch bệnh là rất lớn khi mà hàng trăm triệu người Trung Quốc di chuyển trong tuần này nhân dịp nghỉ Tết nguyên đán, khiến nguy cơ dịch bệnh nhanh chóng lan rộng là rất lớn.

Dịch cúm do virus corana mới gây ra khiến 17 người thiệt mạng cho đến nay đã xuất hiện ở trung tâm tài chính châu Á Singapore, trong bối cảnh cơ quan y tế Trung Quốc ráo riết ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Không chỉ thành phố Vũ Hán, nơi ca bệnh đầu tiên được phát hiện, bị cách ly hoàn toàn, các địa phương gần đó cũng ra lệnh hạn chế sử dụng phương tiện giao thông công cộng và đến nơi đông người. Trường học ở tỉnh Hồ Bắc hoãn khai giảng học kỳ xuân. Mặt hàng bán chạy nhất ở Trung Quốc hiện là khẩu trang và dung dịch sát trùng tay.

Áp lực kiểm soát dịch bệnh là rất lớn khi mà hàng trăm triệu người Trung Quốc di chuyển trong tuần này nhân dịp nghỉ Tết nguyên đán, khiến nguy cơ dịch bệnh nhanh chóng lan rộng là rất lớn.Hồng Kông và Bắc Kinh đã hủy bỏ các hoạt động kỷ niệm ngày lễ, theo truyền thông địa phương và nhà nước đưa tin.

Tổ chức Y tế thế giới cho đến thời điểm hiện tại vẫn chần chừ chưa công bố đây là tình trạng khẩn cấp quốc tế về y tế công cộng, nhưng đã cử đoàn công tác tới Trung Quốc. Đã có tổng cộng 571 ca mắc bệnh và 17 người đã chết ở Trung Quốc.

Sau khi mắc sai lầm trong việc xử lý dịch SARS cách đây 17 năm, giờ Trung Quốc muốn chứng minh với thế giới rằng họ đang đối mặt với cuộc khủng hoảng hiện nay một cách minh bạch và hiệu quả. Khi dịch SARS bùng nổ, Trung Quốc rất chậm chễ trong việc chia sẻ thông tin, thậm chí ban đầu còn bác bỏ việc dịch bệnh lây lan.

Loại coronavirus mới đã lây lan từ trung tâm thành phố Vũ Hán ra khắp Trung Quốc đại lục và sang cả Hồng Kông. đến Thái Lan, Mỹ, và giờ là Singapore. Việt Nam cũng mới phát hiện ra 2 trường hợp dương tính với virus mới.

Theo Ủy ban y tế quốc gia Trung Quốc, tính đến ngày 22/1 có 571 trường hợp khẳng định mắc bệnh. Con số có thể nhanh chóng vượt quá mốc 6.000, theo nguồn tin từ những bác sĩ ở các bệnh viện chủ chốt tại Vũ Hán.

Chứng khoán châu Á và giá dầu giảm mạnh, trong khi các tài sản an toàn tăng giá do lo ngại dịch bệnh bùng phát mạnh hơn. Chỉ số CSI giảm 3,1%, mạnh nhất kể từ tháng 5/2019.

Tại thành phố 11 triệu dân Vũ Hán, tình trạng hỗn loạn đã xảy ra sau khi người dân tỉnh dậy và nhận được tin tức hạn chế di chuyển. Những hàng dài người xếp hàng nhanh chóng hình thành tại các điểm trung chuyển khi mọi người cố gắng ra khỏi thành phố trước khi lệnh cấm ra ngoài có hiệu lực. Hàng trăm chuyến bay bị hoãn. Các thành phố gần đó là Huanggang, Ezhou, Xiantao và Chibi cũng áp đặt lệnh hạn chế.

Trên khắp Trung Quốc, đề tài được bàn tán sôi nổi là tại sao các quan chức lại chờ đợi đến tận bây giờ mới ban hành lệnh cách ly, và liệu biện pháp này có hiệu quả hay không.

Theo chuyên gia Jeremy Konyndyk, người từng phục vụ trong nội các của ông Obama, những lệnh cách ly như Trung Quốc đang triển khai từng được áp dụng trong quá khứ không tỏ ra hiệu quả, thậm chí có thể gây phản tác dụng. Rất khó để thực thi nghiêm ngặt, mà những lệnh cách ly như thế này có thể dẫn đến nhiều trường hợp giấu bệnh, không hợp tác với các biện pháp y tế cộng đồng.

Giáo sư Adam Kamradt-Scott cũng cho rằng có thể xảy ra rối loạn trật tự xã hội ở những thành phố bị cách ly.

Các công ty nước ngoài hoạt động ở Trung Quốc đều phải thay đổi kế hoạch, hạn chế di chuyển và hủy bỏ những hoạt động thường niên để bảo vệ người lao động.

Cho đến nay chưa phát hiện trường hợp lây nhiễm thứ cấp giữa các bệnh nhân đã rời khỏi Trung Quốc. Các trường hợp lây từ người sang người đều là giữa những nhân viên y tế hoặc giữa những người tiếp xúc quá gần người bệnh, theo báo cáo của WHO.

Các triệu chứng của căn bệnh viêm phổi lạ bao gồm sốt, ho hoặc đau ngực và khó thở. Tuy nhiên có một số người không bị sốt - điều khiến việc kiểm soát tại các sân bay trở nên phức tạp hơn.

Theo Thu Hương

Cùng chuyên mục
XEM