Cựu Phó Thủ tướng Đức, Tiến sĩ gốc Việt Philipp Rösler: Việt Nam đại thắng chặng đầu trong cuộc chiến chống COVID-19 toàn cầu

21/05/2020 15:51 PM | Kinh doanh

Cựu Phó thủ tướng Đức, Tiến sĩ Y khoa Philipp Rösler, hiện đang ở Đức và tham gia vào chiến dịch phòng chống đại dịch COVID-19 với vai trò là bác sĩ. Đây cũng là công việc ông từng làm trước khi tham gia vào giới chính trị.

Từ trường Đại học Y dược Hannover - nơi Cựu Phó Thủ tướng Đức, Tiến sĩ Y khoa Philipp Rösler làm việc để hỗ trợ chống dịch tại Đức, vị Tiến sĩ gốc Việt cho biết Chính phủ Đức đang nỗ lực hết mình trong việc ngăn chặn bùng phát đại dịch và chữa trị cho bệnh nhân. Tiến sĩ Rösler hiện cũng đang đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Quỹ đầu tư VinaCapital Ventures, quỹ đầu tư mạo hiểm trong lĩnh vực công nghệ thuộc tập đoàn VinaCapital.

Dưới đây là những dòng chia sẻ của ông về tình hình Covid-19 tại Đức và những ghi nhận về thành tựu bước đầu của Việt Nam.


Tính đến ngày 13/5, tình hình dịch bệnh ở Đức đã được hoàn toàn kiểm soát rất tốt. Đức ghi nhận trên 175.000 ca nhiễm Covid-19 và trên 147.000 bệnh nhân đã hồi phục, tỷ lệ tử vong dưới 4,5%, điều này cho thấy Chính phủ và hệ thống y tế Đức đã và đang làm tốt công tác phòng chống lây lan và điều trị các ca nhiễm bệnh. Tuy vẫn còn một số biện pháp giãn cách xã hội được áp dụng như các sự kiện lớn chưa được phép tổ chức, các tụ điểm vui chơi còn khá hạn chế, nhưng các cửa hàng cũng đã mở lại từ cuối tháng 4, trường học sẽ dần mở lại trong tháng 5…

Chính phủ khuyến khích nhân dân nên đeo khẩu trang khi tham gia giao thông công cộng và mua sắm nhưng không bắt buộc và khuyến cáo việc hạn chế du lịch thăm hỏi … Cuộc sống ở Đức đang dần cân bằng ở một trạng thái bình thường mới…

Tôi rất vinh dự vì góp một phần sức nhỏ bé của mình vào sự hiệu quả của chiến dịch này.

Cựu Phó Thủ tướng Đức, Tiến sĩ gốc Việt Philipp Rösler: Việt Nam đại thắng chặng đầu trong cuộc chiến chống COVID-19 toàn cầu - Ảnh 2.

TS. Philipp Rösler

Những đồng nghiệp hiện tại của tôi đều là bạn bè quen biết nhau từ 15 - 20 năm trước, khi tôi còn làm việc tại bệnh viện và trong lần đầu tiên tham gia phục vụ cộng đồng. Biết tôi là người gốc Việt, rất nhiều đồng nghiệp đã bày tỏ sự công nhận với những biện pháp y tế hiệu quả trong phòng chống dịch Covid-19 tại Việt Nam.

Động thái của Chính phủ Việt Nam với dịch Covid thật xuất sắc. Chính phủ ngay lập tức đã lập ra Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng Chống dịch bệnh Covid-19 và các cơ quan kiểm soát dịch bệnh đã kịp thời xác lập hệ thống sàng lọc và cách ly ngay khi phát hiện những dấu hiệu đầu tiên của dịch bệnh vào đầu tháng 1. Với ưu tiên hàng đầu là sức khỏe của người dân, chính phủ Việt Nam đã quyết đoán khi thực hiện các biện pháp bảo vệ sức khỏe cộng đồng để ngăn ngừa virus lây lan. Những biện pháp kịp thời đã giúp Việt Nam giữ được số lượng ca nhiễm bệnh ở mức thấp và tránh được tử vong.

Tôi muốn gửi lời chúc mừng tới Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng phụ trách Bộ Y tế và là người đứng đầu Ban Chỉ đạo Quốc Gia Phòng chống Dịch bệnh Covid-19 – ông Vũ Đức Đam, và Chính phủ Việt Nam đã đạt được những thành công to lớn trong chặng đầu của công cuộc phòng chống đại dịch toàn cầu. Hiện nay, Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ người dân tin tưởng vào các biện pháp ứng phó dịch bệnh Covid-19 của chính phủ cao nhất thế giới và toàn thế giới ngưỡng mộ thành công của Chính phủ Việt Nam.

Quang cảnh tại một bệnh viện dã chiến ở Hannover, Đức.

Những doanh nghiệp như Vingroup đã bắt đầu tham gia vào công cuộc chung, điển hình là nhãn xe Vinfast đang chuyển hướng qua việc sản xuất máy thở cung cấp cho các bệnh viện.

Cuộc chiến này không có người chiến thắng, nhưng Việt Nam chắc chắn đã thu hút được sự quan tâm quốc tế nhờ sự hiệu quả của chính sách y tế cộng đồng và tinh thần sẵn sàng hỗ trợ các quốc gia khác trong cuộc chiến chống dịch

Việt Nam đang đẩy mạnh sản xuất khẩu trang và đồ bảo hộ lao động cá nhân cho đội ngũ y, bác sĩ tại Đức và một số quốc gia khác, điều này khiến thế giới chú ý tới Việt Nam nhiều hơn. Cuộc chiến này sẽ không có người chiến thắng, nhưng Việt Nam chắc chắn đã thu hút được sự quan tâm quốc tế nhờ sự hiệu quả của chính sách y tế cộng đồng và tinh thần sẵn sàng hỗ trợ các quốc gia khác trong cuộc chiến chống dịch.

Tất cả chúng ta đều biết rằng, cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 sẽ có thể kéo dài hàng năm cho tới khi có vắc-xin hoặc có thuốc đặc trị, và chúng ta phải chấp nhận sống chung với thực tế đó để tìm cách khởi động lại nền kinh tế trong và hậu đại dịch. Chính phủ các nước châu Âu cũng đang nhóm họp để tìm các biện pháp phục hồi kinh tế, nhất là ngành du lịch tuy nhiên vẫn phải rất thận trọng khi nới lỏng các biện pháp hạn chế dịch bệnh. Tôi cũng thấy rằng các biện pháp chống dịch quyết đoán và kịp thời của Chính phủ Việt nam sẽ giúp kinh tế trong nước mở cửa trở lại sớm hơn so với các quốc gia khác.

Đây là thời điểm khó khăn và thách thức đối với doanh nghiệp, đặc biệt là khối startup. Tôi khuyến nghị các nhà sáng lập doanh nghiệp nên tập trung bảo tồn nguồn lực, và trong trường hợp cần thiết, nên trao đổi với nhà đầu tư, hội đồng quản trị và ban cố vấn để đánh giá lại mục tiêu và kế hoạch kinh doanh trong giai đoạn nền kinh tế bị ảnh hưởng như hiện nay.

Chúng ta đã thành công trong việc hạn chế sự lây lan khủng khiếp của dịch bệnh, mọi việc đang ở trong tầm kiểm soát. Tôi rất mong chờ chuyến công tác tiếp theo tới Việt Nam.

Cựu Phó Thủ tướng Đức, Tiến sĩ gốc Việt Philipp Rösler: Việt Nam đại thắng chặng đầu trong cuộc chiến chống COVID-19 toàn cầu - Ảnh 5.

Tiến sĩ Philipp Rösler

Cùng chuyên mục
XEM