Cựu lãnh đạo Bitel kể chuyện chinh phục thị trường Peru, đưa số thuê bao lên 5,1 triệu và chiếm gần 14% thị phần

15/12/2018 08:05 AM | Kinh doanh

Những ngày đầu đến Peru, bản thân ông Hoàng Quốc Quyền, CEO Bitel, không biết tiếng Tây Ban Nha, thứ ngôn ngữ mà dân địa phương sử dụng. Những khó khăn khác cũng chồng chất.

Ông Hoàng Quốc Quyền, cựu CEO của Bitel (Viettel tại Peru), nay là Tổng Giám đốc VinFast Service, đã có những chia sẻ về quá trình ông cùng các cộng sự gây dựng Bitel ở Peru trong một sự kiện vừa diễn ra tại TP HCM.

“Chúng tôi mang sự độc, lạ đến Peru”

Ông Quyền cho biết, ông đã làm CEO của Bitel trong vòng 4 năm. Trước khi ông đảm nhận vị trí CEO này, đã có 6 đồng nghiệp đảm nhận vị trí tổng giám đốc Bitel nhưng đều bỏ ngang.

Ông Quyền kể, người Peru nói tiếng Tây Ban Nha, thứ tiếng mà ông không hề biết khi đến Peru. Người Peru cũng chưa biết nhiều về đất nước, con người Việt Nam. Tại thời điểm đó, hai ông lớn Movistar và Claro tại thị trường Peru đã chiếm thị phần gần 100%.

Ông còn nhớ, lãnh đạo của Peru từng hỏi rằng: Viettel mang gì đến cho Peru? Vì thực tế khi đó, ở Peru đã có 2 ông lớn đang chiếm lĩnh thị trường. Ông Quyền đáp lại rằng, đó là sự độc, lạ, khác những dịch vụ đang có tại Peru.

Cựu lãnh đạo Bitel kể chuyện chinh phục thị trường Peru, đưa số thuê bao lên 5,1 triệu và chiếm gần 14% thị phần - Ảnh 1.

Ông Hoàng Quốc Quyền, cựu CEO Bitel.

Chinh phục Peru, bắt đầu từ những việc nhỏ: Cuối tuần, xách ba lô đến ở cùng với dân

Ông Quyền cho rằng những khó khăn mà Bitel gặp phải trong thời gian đầu cũng giống như một startup.

“Việc đầu tiên là phải biết thị trường cần gì. Việc thứ hai là tổ chức bộ máy gồm gần 2.000 con người tại nước sở tại. Khi có mô hình rồi thì tìm cách điều hành công ty”, ông Quyền chia sẻ.

Theo ông, tiếp đó là tìm các cửa hàng và nhân rộng trên quy mô lớn.

Sau đó, ông Quyền cùng các cộng sự tính đến chiến lược, cách tấn công vào các đối thủ đã hiện hữu trên thị trường.

“Thị trường Peru rất đỏng đảnh và khó tính, chúng tôi giống như những người làm dâu. Và điều cần thiết là phải tìm ra cách giải quyết”, ông Quyền nói thêm.

Thời gian đó, ông cùng cộng sự đã đến ở cùng với dân để tìm hiểu văn hóa, con người của dân bản địa. Đồng thời học luôn tiếng Tây Ban Nha.

Với những thành công hiện tại, ông Quyền rút ra bài học: Tiền, cách làm chỉ là một phần tạo nên thành công. Quan trọng nhất là ý chí của con người.

Bitel đang chiếm gần 14% thị phần của Peru

Trong 3 năm liên tiếp (2015-2017), Bitel là công ty có tốc độ tăng trưởng thuê bao nhanh nhất Peru và hiện đã có 5,1 triệu thuê bao, tương đương với thị phần 13,5% ở thị trường này.

Theo Cơ quan Quản lý Viễn thông Peru (OSIPTEL), hết quý II/2018, Bitel đã có 5,1 triệu thuê bao, tương đương với thị phần 13,5%. Trong 3 năm liên tiếp (2015-2017), Bitel là công ty có tốc độ tăng trưởng thuê bao nhanh nhất Peru. Đây cũng là nguyên nhân giúp cho tốc độ tăng trưởng thuê bao của toàn Peru giai đoạn 2014-2018 lên tới 30%, trong khi con số này tại các nước trong khu vực chỉ là 6%.

Chính thức cung cấp dịch vụ ngày 15/10/2014, Bitel là thương hiệu quốc tế đầu tiên của Viettel kinh doanh ở một quốc gia có trình độ phát triển kinh tế cao hơn Việt Nam.

Thế Trần

Cùng chuyên mục
XEM