"Cứu" chuỗi cung ứng, công ty Trung Quốc tìm đường ra khỏi đại lục: Những công ty nào sẽ đến Việt Nam?

24/04/2023 09:07 AM | Kinh tế vĩ mô

Trung Quốc đã là công xưởng của thế giới trong hơn bốn thập kỷ - nhưng điều đó có thể sớm thay đổi, vì ngay cả các công ty Trung Quốc cũng đang chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi đất nước.

"Cứu" chuỗi cung ứng, công ty Trung Quốc tìm đường ra khỏi đại lục: Những công ty nào sẽ đến Việt Nam? - Ảnh 1.

Các nước phương Tây đã làm điều này từ năm 2018 sau khi Tổng thống Donald Trump phát động cuộc chiến thương mại chống lại Trung Quốc, đến nay, các công ty trong nước đang theo bước.

Chắc chắn là các nhà sản xuất Trung Quốc sẽ không chuyển toàn bộ hoạt động sản xuất của họ ra khỏi đại lục. Nhưng sự kết hợp của các rủi ro địa chính trị - chẳng hạn như căng thẳng với Mỹ - và chi phí gia tăng đang thúc đẩy họ tìm kiếm các giải pháp thay thế.

"Chúng tôi đã thấy rất nhiều nhà sản xuất có trụ sở tại Trung Quốc đang tích cực tìm cách thiết lập các cơ sở sản xuất ở nước ngoài với dự đoán về những thách thức về chuỗi cung ứng và rủi ro chính trị", Shay Luo từ công ty tư vấn Kearney nói với Business Insider.

Trong khi Ấn Độ - quốc gia dự kiến vượt Trung Quốc trở thành nước đông dân nhất vào giữa năm 2023 - có thể sẽ là nước hưởng lợi chính từ sự thay đổi, phần lớn sự chuyển dịch đang hướng đến các nước Đông Nam Á lân cận như Việt Nam, Thái Lan, Malaysia và Indonesia.

Xa hơn nữa, các thiên đường chi phí thấp hơn nhưng có vị trí địa lý gần các thị trường tiêu thụ quan trọng - chẳng hạn như Mexico cho thị trường Mỹ và Đông Âu - cũng đang trở nên phổ biến, Luo nói.

Dưới đây là 6 quốc gia mà các chuỗi cung ứng này đang chuyển đến:

Ấn Độ và Bangladesh

Hấp dẫn nhờ có đất đai rộng lớn và dân số trẻ, các quốc gia Nam Á như Ấn Độ và Bangladesh là những ứng cử viên hàng đầu cho các nhà sản xuất Trung Quốc chuyển đến.

"Cứu" chuỗi cung ứng, công ty Trung Quốc tìm đường ra khỏi đại lục: Những công ty nào sẽ đến Việt Nam? - Ảnh 2.

Bangladesh đã thu hút được khoản đầu tư trực tiếp 770 triệu USD từ Trung Quốc.

Trong khi Ấn Độ chủ yếu định vị mình là một giải pháp thay thế cho các nhà sản xuất quốc tế muốn đa dạng hóa sản phẩm khỏi Trung Quốc, thì nước này cũng đang cố gắng thu hút các công ty Trung Quốc nhắm vào thị trường Ấn Độ.

Các công ty Trung Quốc đã vận hành cơ sở sản xuất ở Ấn Độ bao gồm các nhà sản xuất điện thoại thông minh Oppo và Vivo, bên cạnh nhà sản xuất ô tô SAIC.

Bangladesh, một gã khổng lồ sản xuất hàng may mặc, đã thu hút được khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài trị giá 770 triệu USD từ Trung Quốc - số tiền cao nhất trong số các nhà đầu tư nước ngoài - Md Sirazul Islam, chủ tịch điều hành Cơ quan Phát triển Đầu tư Bangladesh, nói với hãng truyền thông Dhaka Tribune vào tháng 6/2022.

Việc thành lập cơ sở sản xuất ở Bangladesh đã hấp dẫn ngay cả trước khi đại dịch xảy ra và căng thẳng gia tăng do tiền lương ở Trung Quốc ngày càng tăng.

Sự khác biệt về chi phí là đáng kể - mức lương trung bình hàng tháng của một công nhân ở Bangladesh là khoảng 120 USD, chưa bằng 1/5 so với 670 USD của một công nhân nhà máy ở Quảng Châu, miền nam Trung Quốc.

Thái Lan

Là nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á, Thái Lan đã và đang nâng cao chuỗi giá trị trong sản xuất và là trung tâm sản xuất phụ tùng ô tô, xe cộ và thiết bị điện tử, với các công ty đa quốc gia như Sony và Sharp đang thiết lập cơ sở tại đây.

"Cứu" chuỗi cung ứng, công ty Trung Quốc tìm đường ra khỏi đại lục: Những công ty nào sẽ đến Việt Nam? - Ảnh 3.

Thái Lan được xem là một trung tâm sản xuất phụ tùng ô tô.

Và các công ty Trung Quốc cũng không ở quá xa.

Ví dụ, các công ty Trung Quốc đã chuyển một phần chuỗi cung ứng của họ sang Thái Lan. Các công ty sản xuất tấm pin mặt trời, chẳng hạn như JinkoSolar của Thượng Hải, đang chuyển sản xuất sang Thái Lan để tận dụng chi phí thấp hơn và tránh căng thẳng địa chính trị - báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) đưa tin vào tháng 7/2022.

Các nhà sản xuất phụ tùng ô tô Trung Quốc cũng đang tìm đường đến Thái Lan do áp lực từ các khách hàng nước ngoài hiện đang cảnh giác với việc phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc, Bloomberg đưa tin vào ngày 11/4, trích dẫn các nhà cung cấp phụ tùng ô tô.

Việt Nam

Việt Nam đang chứng kiến làn sóng quan tâm từ các nhà sản xuất tấm pin mặt trời Trung Quốc.

Với việc nền kinh tế Trung Quốc mở cửa trở lại sau 3 năm áp dụng các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt do đại dịch COVID-19, đã có rất nhiều công ty Trung Quốc đặt cơ sở sản xuất tại Việt Nam - Reuters đưa tin vào ngày 16/3.

"Cứu" chuỗi cung ứng, công ty Trung Quốc tìm đường ra khỏi đại lục: Những công ty nào sẽ đến Việt Nam? - Ảnh 4.

Việt Nam đã chứng kiến luồng đầu tư lớn vào nền kinh tế.

“Nhu cầu về đầu tư sản xuất tại Việt Nam của các công ty Trung Quốc đã tăng theo cấp số nhân trong quý cuối cùng của năm ngoái,” Michael Chan, giám đốc cấp cao về cho thuê của "ông lớn" bất động sản công nghiệp BW Industrial Development, nói với Reuters.

Chẳng hạn, ngành công nghiệp tấm pin mặt trời đang thu hút các nhà cung cấp hỗ trợ phụ trợ như nhà sản xuất khuôn nhựa, nhà sản xuất khuôn đúc và nhà cung cấp lưu trữ năng lượng, Reuters trích dẫn các nguồn tin trong ngành.

Các công ty Trung Quốc đã chuyển đến Việt Nam bao gồm Growatt, một công ty lưu trữ năng lượng có trụ sở tại Thâm Quyến và Hangzhou First Applied Material, một nhà sản xuất linh kiện bảng điều khiển năng lượng mặt trời.

Mexico

Mexico đang trở thành một địa điểm đắc địa cho các nhà sản xuất Trung Quốc di dời, vì một nguyên nhân lớn: ở cạnh thị trường tiêu thụ chính là Mỹ.

Kearney, công ty tư vấn, cho biết trong báo cáo công bố vào ngày 13/4: “Chúng tôi ngày càng thấy các công ty Trung Quốc sản xuất hàng hóa thành phẩm ở Mexico để phục vụ khách hàng Mỹ của họ”.

Theo sau họ, các nhà cung cấp Trung Quốc cấp hai và cấp ba đang đến Mexico để tiếp tục phục vụ khách hàng sản xuất phụ tùng gốc (OEM), Kearney nói thêm.

Các công ty Trung Quốc xuất khẩu từ Mexico sang Mỹ cũng có thể giảm giá cước và bỏ qua mức thuế cao của Mỹ đối với một số sản phẩm từ Trung Quốc, theo Bloomberg.

Ba Lan

Các quốc gia như Ba Lan mang đến cơ hội cho Trung Quốc thâm nhập vào châu Âu, đặc biệt là đối với xe điện.

Các nhà sản xuất phụ tùng  Trung Quốc chuyên cung cấp cho các nhà sản xuất ô tô châu Âu cũng đang tìm kiếm các địa điểm đặt nhà máy ở nước ngoài.

Minth, công ty phụ tùng ô tô có trụ sở tại phía đông thành phố Ninh Ba, đã động thổ xây dựng một nhà máy ở Ba Lan vào tháng 9/2022.

"Tất cả chúng ta đều đã thấy một số xu hướng toàn cầu hóa đảo ngược gần đây. Chúng tôi sẽ có nhiều quân bài để chơi và sẽ không bao giờ bị chiếu bí”, Liu Yanchun, giám đốc điều hành của Minth, phát biểu.

Bên cạnh đó, nhà sản xuất xe điện BYD có trụ sở tại Thâm Quyến đang lên kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất xe điện (EV) đầu tiên của mình ở châu Âu.

Chúng tôi đang thực hiện các nghiên cứu khả thi để xem kế hoạch của mình cho tương lai", Stella Li, phó chủ tịch điều hành của BYD nói với Bloomberg vào tháng 2. Nhà sản xuất xe điện chưa quyết định về các quốc gia cụ thể, nhưng đã công bố các kế hoạch đầy tham vọng nhằm mở rộng doanh số bán hàng trên khắp lục địa vào cuối năm 2022.

Theo Minh Khôi

Cùng chuyên mục
XEM