Cựu CEO Mai Linh Taxi: Thị trường ứng dụng gọi xe Việt Nam không còn cơ hội cho các doanh nghiệp mới

17/05/2020 13:26 PM | Kinh doanh

Theo ông Trần Bằng Việt, viết một ứng dụng gọi xe chỉ mất vài tỷ đồng nhưng để đạt đến quy mô có lợi nhuận phải đốt cả nghìn tỷ và không phải ai cũng làm được.

Tại tọa đàm trực tuyến chủ đề "Rủi ro bong bóng khởi nghiệp Việt Nam" do VnExpress tổ chức tối ngày 16/5, ông Trần Bằng Việt - Chủ tịch Liên đoàn các nhà lãnh đạo và doanh nhân trẻ toàn cầu tại Việt Nam (JCI Vietnam), cựu CEO Mai Linh Taxi đã có một số chia sẻ về thị trường gọi xe nói riêng và mô hình nền kinh tế chia sẻ nói chung.

“Với tư cách là người gắn bó với ngành này khá lâu, tôi thấy không còn thị trường cho các doanh nghiệp làm gọi xe ứng dụng nữa”, ông Việt nêu quan điểm.

Theo cựu CEO Mai Linh Taxi, Grab hiện chiếm 78% thị phần thị trường gọi xe Việt Nam. Bên cạnh đó, công ty này không chỉ đơn thuần là một ứng dụng gọi xe mà đã phát triển thành hệ sinh thái rất lớn, hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau.

“Nếu bạn nào định ‘nhảy’ vào thị trường này, tôi nghĩ là không nên. Viết một ứng dụng như Uber, Grab có thể mất 1-3 tỷ đồng nhưng để vận hành, chuyển đổi nó, liên kết với các đối tác, thuyết phục người tiêu dùng đến quy mô có lợi nhuận có thể đốt cả nghìn tỷ và không phải ai cũng có thể làm được”, ông Việt nói.

“Bạn có thể làm được khi xung quanh chưa có gì cả, còn khi đã có một doanh nghiệp ‘dominate’ (chi phối) đến mức độ hiện tại, không còn bất kỳ cơ hội nào cho dù là ai và có bao nhiêu tiền”, ông Việt chia sẻ thêm.

Cựu CEO Mai Linh Taxi: Thị trường ứng dụng gọi xe Việt Nam không còn cơ hội cho các doanh nghiệp mới - Ảnh 1.

Ông Trần Bằng Việt - Chủ tịch Liên đoàn các nhà lãnh đạo và doanh nhân trẻ toàn cầu tại Việt Nam (JCI Vietnam). Ảnh: VnExpress

Mô hình nền kinh tế chia sẻ sẽ hết “hot” trong thời gian tới?

Theo bà Lê Diệp Kiều Trang, nhà sáng lập quỹ đầu tư Alabaster, với mô hình nền kinh tế chia sẻ, khi được bơm tiền vào, các doanh nghiệp sẽ hạ giá rất nhanh và chiếm được ưu thế trên thị trường. Nhưng nếu dừng bơm tiền thì người tiêu dùng cũng rất nhanh bỏ doanh nghiệp đó để chuyển sang công ty có mức giá tốt hơn.

“Dựa vào người dùng không sai nhưng nếu không tạo được điểm riêng để giữ chân người dùng thì rất khó tồn tại”, bà Trang nói.

Cựu CEO Go-Viet cho rằng, với các công ty gọi xe, mục đích của họ không chỉ là car-sharing mà sẽ lấn sân sang các lĩnh vực khác để trở thành siêu ứng dụng – một ứng dụng dùng được nhiều dịch vụ khác nhau.

“Điểm đến của siêu ứng dụng là nghĩ đến fintech – chiếm lĩnh được thị trường tài chính, nhưng đây lại là thị trường nhiều nước trên thế giới đánh giá rất nhạy cảm, cả người dùng và các quốc gia đều không muốn một doanh nghiệp nào đó độc quyền”, bà Trang nêu quan điểm.

Theo nhà sáng lập quỹ đầu tư Alabaster, “mô hình kinh doanh này vẫn chưa được kiểm chứng nhưng nhà đầu tư và các công ty khởi nghiệp đều có lý do của họ trong việc đặt cược vào hướng đi, và không có ai ngây thơ ở đây cả”.

“Thế giới của nền kinh tế chia sẻ cuối cùng sẽ quay lại nhu cầu của người dùng như thế nào, nó không phải bài toán được giải quyết bằng các công cụ tài chính”, bà Trang nói.

Trong khi đó, ông Trần Bằng Việt nhận định rằng mô hình nền kinh tế chia sẻ tại Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung trong thời gian tới sẽ không còn “hot”.

“Nó gắn rất chặt với câu chuyện có thể tạo ra giá trị cho đối tượng sử dụng hay không?”, ông Việt nhấn mạnh.

Theo Trần Bằng Việt

Cùng chuyên mục
XEM