Cuộc sống ở Hồng Kông đang khốn khó hơn bao giờ hết - trừ khi bạn là 1 tỷ phú!

14/06/2017 20:12 PM | Xã hội

Richard Florida, tác giả của cuốn “Cuộc khủng hoảng mới ở thành thị”, cho rằng Hồng Kông là ví dụ điển hình nhất về tình trạng chênh lệch giàu nghèo lên đến cùng cực, có rất ít giải pháp để cải thiện tình hình”.

Lau nhìn vào tờ lịch treo trên tường với vẻ bồn chồn lo lắng. 1 tuần nữa cô mới có lương, đồng nghĩa cả nhà 4 người đang sống trong căn hộ chật hẹp ở Hồng Kông (Trung Quốc) sẽ không đủ ăn. Chồng của cô không thể làm việc, và hai đứa con chưa thể hiểu tại sao mẹ chúng lại tiếp tục mua về những đồ ăn không còn tươi mới.

“Chúng tôi sẽ phải ăn 3 bữa cháo vì đã hết tiền”, người mẹ 42 tuổi đang làm thu ngân tại một siêu thị nói. Lau là người chu cấp duy nhất cho cô con gái 7 tuổi và cậu con trai 15 tuổi bởi chồng cô đang bị thương ở lưng. Lau kiếm được 5,4 USD mỗi giờ, thấp hơn mức lương trung bình 15 USD/giờ ở những thành phố như Seattle (Mỹ) vốn có chi phí sinh hoạt ở mức thấp hơn.

Câu chuyện của Lau không phải là hiếm ở Hồng Kông, thành phố có những tòa nhà chọc trời tráng lệ cùng với các cửa hàng sang trọng đã trở thành biểu tượng của tình trạng chênh lệch giàu nghèo trong thế giới của những nền kinh tế phát triển. 20 năm sau khi Anh trao trả Hồng Kông cho Trung Quốc, những người dân giàu có nhất của đặc khu kinh tế này (như các tỷ phú Li Ka-shing và Lee Shau Kee) ngày càng giàu lên nhờ sự phát triển của những ngành như bán lẻ, bất động sản, viễn thông và cảng. Nhưng đối với những người như Lau thì ngược lại, cuộc sống của họ ngày càng khó khăn.

Cuộc khủng hoảng mới ở thành thị

Richard Florida, tác giả của cuốn “Cuộc khủng hoảng mới ở thành thị”, cho rằng Hồng Kông là ví dụ điển hình nhất về tình trạng chênh lệch giàu nghèo lên đến cùng cực, có rất ít giải pháp để cải thiện tình hình”.

Nhìn cách Hồng Kông chật vật cải thiện cuộc sống của người nghèo sẽ thấy được thách thức lớn nhất mà mô hình kinh tế độc nhất vô nhị này đang gặp phải. Từ nhiều thập kỷ nay, Hồng Kông vẫn được các chuyên gia kinh tế ca ngợi là hình mẫu cho 1 nền kinh tế hoàn toàn tự do, có rất ít luật lệ và gần như không có thuế. Nhưng hơn một nửa người lao động Hồng Kông (trong đó có Lau) đang sống trong cảnh tiền lương không thể đuổi kịp chi phí sinh hoạt, khiến hàng trăm nghìn người phải sống trong cảnh chật vật.

Hệ số Gini – chỉ số thường được sử dụng để đo mức độ chênh lệch giàu nghèo – của Hồng Kông hiện ở mức 0,539, cao nhất trong lịch sử. 20 năm qua, nền kinh tế Hồng Kông đã biến đổi chóng mặt, từ vị thế là “thủ đô sản xuất đồ chơi của thế giới” nay trở thành nơi tập trung những nhân viên ngân hàng với mức lương cao ngất ngưởng bên cạnh những người bồi bàn và nhân viên vệ sinh được trả lương rẻ mạt.

Với mục đích ban đầu là thúc đẩy tinh thần doanh nhân, cơ chế của Hồng Kông lại tạo ra một vài tập đoàn lớn độc quyền. Kể cả những công ty nước ngoài có tiềm lực tài chính mạnh cũng gặp nhiều khó khăn khi thâm nhập thị trường này. Chuỗi siêu thị Carrefour của Pháp đã mất tới 4 năm để xây dựng dấu ấn ở Hồng Kông trước khi từ bỏ vào năm 2000 với lý do không tìm được địa điểm.

Nếu muốn miêu tả chênh lệch giàu nghèo ở Hồng Kông, chỉ cần nói 1 từ duy nhất: đất đai. Giá nhà ở đây đã tăng 400% trong 14 năm trở lại đây. Theo số liệu của Demographia, giá nhà Hồng Kông đắt đỏ hơn nhiều so với các thành phố có thu nhập trung bình ở mức tương tự như Sydney, London và San Francisco.

Ở Hồng Kông, người nghèo sống trong những căn nhà “quan tài” hay “nhà lồng” có diện tích chỉ vỏn vẹn vài mét vuông, đủ kê 1 chiếc giường đơn và bếp ăn ở ngay sát nhà vệ sinh. Các công ty bất động sản xây dựng những căn hộ siêu nhỏ, căn bé nhất có diện tích 11m2 nhưng cũng có giá lên tới hơn 400.000 USD.

Đối lập với tình trạng này, hầu hết các tỷ phú giàu nhất Hồng Kông làm giàu từ lĩnh vực bất động sản. Người giàu nhất là Li Ka-shing, ông chủ của Cheung Kong Property – tập đoàn ghi nhận lợi nhuận 18 tỷ đôla Hồng Kông trong năm ngoái. Đứng ngay sau là Lee Shau Kee, ông chủ của Henderson Land Development (đạt lợi nhuận 14,2 tỷ đôla Hồng Kông).

Tổng tài sản mà 10 người giàu nhất Hồng Kông nắm giữ tương đương với 47% GDP của thành phố này.

Bài toán hóc búa

Các nhà lãnh đạo Hồng Kông đã có một vài động thái để giải quyết vấn đề. Bắt đầu từ năm 2011, Hồng Kông duy trì mức lương tối thiểu 4,43 USD/giờ. Nhưng đây là mức quá thấp, mức lương trung bình của Mỹ đã vượt qua con số này từ năm 1996. Năm 2015, Hồng Kông lần đầu tiên ban hành luật chống độc quyền. Bà Carrie Lam, người vừa đắc cử để trở thành đặc khu trưởng, đã cam kết sẽ có nhiều hơn những căn hộ có giá cả phải chăng cũng như cải thiện hệ thống giáo dục đào tạo để người lao động có thể tìm được công việc có mức lương cao hơn.

Hồng Kông vẫn có những thành tựu kinh tế đáng ngưỡng mộ. GDP bình quân đầu người đạt 45.000 USD, cao hơn cả Đức, Nhật Bản hay Pháp (theo số liệu của IMF). Tuổi thọ trung bình của người dân Hồng Kông cao hơn cả Tây Âu, và họ cũng được hưởng hệ thống đường sá, sân bay thuộc hàng tốt nhất thế giới.

“Bạn sẽ không nhìn thấy người dân Hồng Kông chết vì đói hay vì lạnh, nhưng khó có thể chịu đựng được cuộc sống như vậy”, Michael Tien, 1 nhà làm luật cũng là chủ sở hữu của chuỗi quần áo G2000 nói. Năm 2010, Tien từng tham gia một chương trình truyền hình thực tế trải nghiệm cuộc sống của một người nghèo ở Hồng Kông: ngủ trong nhà lồng và làm công việc của 1 người lao công trong 2 ngày.

Hồng Kông vẫn đang tiếp tục xây dựng những căn hộ trợ giá. Trung bình hơn 2 triệu trong tổng số hơn 7 triệu người Hồng Kông đang đi thuê nhà phải trả số tiền 220 USD/tháng. Họ sống trong những tòa nhà giống hệt nhau, chất cao 50 tầng hoặc hơn. Đó không phải là những căn hộ xa xỉ nhưng khá hiện đại và quan trọng là hợp túi tiền.

Với cuộc sống chật vật ở Hồng Kông, một số người ở đây đã bắt đầu nghĩ đến việc trước đây chưa ai nghĩ đến: liệu có nên chuyển đến sống ở đại lục để bớt khổ? Bà Yu Wen – mei (61 tuổi) là 1 ví dụ. Bắt đầu làm việc trong 1 nhà máy dệt ở Hồng Kông từ những năm 1970, bà nhớ lại xưa kia thường tiếp tế thực phẩm và đồ gia dụng cho những người họ hàng ở Quảng Đông. Dần dần những việc làm tương tự biến mất ở Hồng Kông, bà chuyển sang làm việc tại 1 nhà máy của hãng điện thoại Motorola nhưng đến năm 2000 thì nhà máy này đóng cửa. Hiện tại, bà đang làm bảo vệ và chỉ kiếm được số tiền bằng với mức lương tối thiểu.

“Giờ thì họ đã có tất cả mọi thứ”, bà nói về những người bà con ở đại lục.

Còn đối với Lau, người đang làm thu ngân tại siêu thị đã được nhắc đến ở đầu bài viết, cuộc sống mòn mỏi đợi chờ tiền lương hàng tháng đã cải thiện chút ít. Trước khi đủ tiêu chuẩn mua căn hộ trợ giá cách đây 2 năm, cô từng phải làm tới 3 công việc một lúc mới có đủ 5.000 đôla Hồng Kông mỗi tháng để thuê 1 căn hộ ở Sham Shui Po (một trong những vùng nghèo nhất của thành phố) với diện tích chỉ bằng một nửa căn hộ hiện tại.

Theo Thu Hương

Cùng chuyên mục
XEM