Cuộc sống không tưởng của cụ bà bán nước ở ven hồ Giảng Võ

16/04/2016 10:35 AM | Sống

Nằm thư thái trên chiếc võng cũ đã sờn rách, tay phe phẩy chiếc quạt giấy, cụ Nhẫn chậm rãi kể về cuộc đời đầy cơ cực của mình...

Những ngày tháng Tư, thời tiết Hà Nội bắt đầu chuyển mình giao mùa với những ngày nắng oi ả.

Trong dòng người đang “chạy trốn” cái nắng, chúng tôi bắt gặp hình ảnh một cụ già bán hàng nước, mái tóc bạc phơ, miệng móm mém cười, gương mặt hiện rõ những nếp nhăn đi cùng năm tháng.

Cụ ngồi trầm ngâm bên điếu thuốc, tay phe phẩy chiếc quạt giấy, chốc chốc lại dặn dò đứa con trai mặt mũi ngờ nghệch ngồi chơi bên cạnh.

Cuộc đời cơ cực của cụ bà bán nước 13 năm ở ven hồ Giảng Võ.

Cụ già ấy tên Nguyễn Thị Nhẫn, sinh năm 1931 tại Hưng Yên. Đúng như cái tên “Nhẫn” của cụ, dù đã bước sang tuổi 86 gần đất xa trời nhưng hàng ngày cụ vẫn cùng đứa con trai bệnh tật ngồi bán nước tại ven hồ Giảng Võ (Hà Nội).

Ở cái tuổi mà đáng lẽ ra phải được an hưởng tuổi già, hạnh phúc bên con cháu thì cụ Nhẫn vẫn vất vả mưu sinh, nhọc nhằn bên hàng nước với dăm ba gói thuốc lá, vài gói kẹo lạc, vài đĩa trái cây. Với cụ Nhẫn, có đủ sức khỏe để kiếm tiền đã là một niềm vui lớn.


Cụ bà 83 tuổi ngày ngày bán nước ở ven hồ Giảng Võ (Hà Nội) mưu sinh.

Cụ bà 83 tuổi ngày ngày bán nước ở ven hồ Giảng Võ (Hà Nội) mưu sinh.

Lắng nghe câu chuyện của cụ, chúng tôi càng thêm cảm phục nghị lực của cụ - một con người tần tảo, chịu thương chịu khó.

“Năm 14 tuổi, gia đình quá nghèo khó, cụ phải đi làm thuê để nuôi 4 đứa em. Không trừ một công việc nặng nhọc nào, kể cả gánh nước thuê, giặt đồ thuê, cụ đều xin làm để nhận được mấy lạng gạo nuôi các em.

Suốt ngày chỉ dám uống nước cầm hơi. Ngày nào cũng gõ cửa từng nhà, hỏi thăm: Bà ơi bà có cần giặt đồ không cháu giặt cho, cháu chỉ dám xin vài lạng gạo về nấu cháo cho em”, cụ Nhẫn nhớ lại.

Đến tuổi cập kê, cụ cưới và sinh 6 người con trai, một cô con gái. Cuộc sống vốn dĩ đã khó khăn, nay càng khó khăn hơn khi nhà đông con, nhiều miệng ăn mà công việc lại chẳng có.

Không những vậy, chồng cụ còn qua đời sớm, để lại cho cụ nhiều gánh nặng cuộc đời. Trong 7 người con, 2 người con trai đã qua đời.

5 người con còn lại cũng có cuộc sống bấp bênh, bữa đói bữa no sống qua ngày. Người mẹ già nuôi con khôn lớn, nhưng đến cuối đời cũng không đành lòng ngửa tay xin tiền con, vì cụ biết, "chúng còn chẳng nuôi nổi thân chúng, huống chi là thêm cả cụ".


Người dân xung quanh khu vực này đã quá quen thuộc với hình ảnh bà cụ.

Người dân xung quanh khu vực này đã quá quen thuộc với hình ảnh bà cụ.

Cụ bán nước ở ven hồ Giảng Võ đã hơn 13 năm nay và hiện đang ở trong một căn nhà trọ rộng 30m2 cùng hai người con - người con út bệnh tật cùng một người con trai làm xe ôm.

Cụ Nhẫn tự nuôi mình, và nuôi người con út. Đứa con trai út lúc tỉnh lúc mơ, ngơ ngẩn cả ngày, đến 20 tuổi còn chưa biết nói.

Ở cái tuổi 42, khi mà những người đàn ông khác đã làm chồng làm cha từ lâu, thì với anh, mọi thứ trong cuộc sống dường như chỉ bó hẹp bên gánh nước của mẹ, trong căn nhà trọ bữa đói bữa no, bên những con đường anh chẳng “nhớ mặt đặt tên”.

Ở cái tuổi 42, cuộc sống của anh chỉ như một đứa trẻ lên 10.

“20 tuổi nó còn chưa biết nói, chưa biết đi. Cụ phải cõng con lên chợ Đồng Xuân, đợi người ta đang ăn quà ăn bánh thì chạy đến giật rồi đút vào miệng con để nó biết nói.

Cụ phải cầm con cá quả, dọa con: Mày có đi không, mày có đi không? để con sợ mà biết đi lại. Cụ cứ phải dùng những mẹo dân gian này, dần dần con cũng biết bập bẹ nói, cũng từ từ biết đi”, cụ Nhẫn trầm ngâm kể.


Người con trai bệnh tật, đã 42 tuổi nhưng sống cuộc sống của một đứa trẻ.

Người con trai bệnh tật, đã 42 tuổi nhưng sống cuộc sống của một đứa trẻ.

Để nuôi đứa con bệnh tật, cụ cố gắng thức khuya dậy sớm, vất vả kiếm tiền mưu sinh, đôi mắt đã không còn nhìn rõ, một bên mù hẳn, còn một bên mắt thị lực 2/10.

Cái giá của sự hi sinh không nhỏ, nhưng với cụ, con cái sống khỏe mạnh, tự lực cánh sinh sống đường hoàng cũng khiến cụ tự hào.

“Mỗi ngày cụ bán được trung bình 100 ngàn, nhiều ngày chỉ được 50 – 60 ngàn đồng.

Những hôm trở trời, thời tiết lạnh cắt da cắt thịt nhưng cụ vẫn ra ven hồ Giảng Võ để bán, chỉ khi trời mưa thì chịu, không thể ra được thì cụ mới nghỉ bán. Thiếu thốn lắm, cụ vẫn phải thường xuyên đi mượn tiền mua gạo, sống qua ngày”.

Hút một hơi thuốc, phe phẩy quạt giấy, thư thái nằm trên võng – cuộc sống vốn dĩ khó khăn cơ cực của cụ Nhẫn hóa ra lại nhẹ nhàng như một cơn gió đầu Hạ.

Theo Công Tuấn

Cùng chuyên mục
XEM