Cuộc sống của một phóng viên công nghệ “mắc kẹt” tại tâm dịch viêm phổi Vũ Hán

02/02/2020 12:45 PM | Sống

Jane Zhang – cây bút công nghệ của tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng – đã có bài viết mô tả cuộc sống của mình tại quê nhà Hồ Bắc – tâm dịch viêm phổi Vũ Hán.

ICTnews xin lược dịch bài viết của Jane Zhang đăng tải trên báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng ngày 1/2/2020:

Cuộc sống của một phóng viên công nghệ “mắc kẹt” tại tâm dịch viêm phổi Vũ Hán - Ảnh 1.

Đường phố vắng hoe tại tỉnh Ân Thi, nằm phía tây tỉnh Hồ Bắc. Ảnh: Jane Zhang

Là phóng viên chuyên đưa tin về ngành công nghệ thay đổi chóng mặt và đổi mới, chưa bao giờ tôi nghĩ có thể nếm trải cuộc sống về hưu ở tuổi 20.

Dậy sớm, tự nấu ăn, đọc sách, xem tivi trước khi đi ngủ - đây là cuộc sống của tôi trong 10 ngày qua tại Hồ Bắc, tâm dịch viêm phổi Vũ Hán.

Chỉ một thời gian ngắn sau khi từ Hồng Kông về quê nhà Ân Thi, gần biên giới Hồ Bắc với Trùng Khánh để ăn Tết, tôi cùng hàng triệu người khác bị mắc kẹt sau khi nhà chức trách ra lệnh “nội bất xuất, ngoại bất nhập” để chống dịch bệnh lây lan. Bây giờ, mọi sân bay, nhà ga, đường cao tốc, thậm chí đường làng cũng bị đóng hoặc chặn.

Cuộc sống của một phóng viên công nghệ “mắc kẹt” tại tâm dịch viêm phổi Vũ Hán - Ảnh 2.

Một con đường bị chặn tại Ân Thi. Ảnh: Jane Zhang

Tết Nguyên đán thường là thời gian giải trí trực tuyến nhường chỗ cho các hoạt động như karaoke, chơi bài, mạt chược với bạn bè, người thân. Tuy nhiên, năm nay, các hoạt động tập thể đã bị hủy bỏ để tránh truyền nhiễm virus.

Sự cô lập này khiến mọi người tìm tới công nghệ - cả mới và cũ – để giết thời gian và liên lạc với người khác. Cha mẹ tôi, người gần đây quen với đọc tin tức trên điện thoại qua ứng dụng Jinri Toutiao của Bytedance, quay lại xem tivi giữa biển tin giả mạo và tin đồn về virus corona trên mạng.

Cả gia đình giờ đây quây quần bên chiếc tivi lúc 7 giờ tối hàng ngày để xem Xinwen Lianbo, chương trình tin tức hàng ngày của đài quốc gia CCTV, được chiếu đồng thời trên tất cả đài truyền hình địa phương. Nhiều đài truyền hình Trung Quốc khác cũng sản xuất các chương trình đặc biệt về cuộc khủng hoảng sức khỏe.

Dù không phải “fan” của game, tôi quay lại chơi Candy Crush, game di động phổ biến vài năm trước, khoảng 1 tới 2 giờ mỗi ngày. Tôi cũng chơi Werewolf cùng với những người khác đang mắc kẹt trong nhà.

Cuộc sống của một phóng viên công nghệ “mắc kẹt” tại tâm dịch viêm phổi Vũ Hán - Ảnh 3.

Thùng rác dành cho khẩu trang đã qua sử dụng. Ảnh: Jane Zhang

Trên khắp Trung Quốc, những game thủ thực thụ làm cho máy chủ của một trong các game lớn nhất của Tencent quá tải vào cuối tuần. Một số người dùng gặp khó khăn khi đăng nhập Game for Peace – phiên bản mới của PUBG Mobile, còn số khác không thể tham gia các trận đấu.

Trong khi đó, Plague – game chiến thuật có nội dung về bệnh truyền nhiễm – đứng đầu bảng xếp hạng ứng dụng trả tiền tại Trung Quốc, theo App Annie.

Nhiều nơi, hàng triệu người – trong đó có tôi – theo dõi livestream của CCTV về việc xây dựng hai bệnh viện dã chiến tại Vũ Hán.

Dù gia đình tôi không sử dụng các nền tảng video dạng ngắn như Douyin, Kuaishou, chúng lại trở thành nguồn tin phổ biến cho những người ở bên ngoài đang “khát” tin tức.

Một nỗi thất vọng lớn là tiền lì xì giảm. Như nhiều người trẻ khác, tôi không thể đến gặp ông bà vì lệnh cấm và chỉ có thể gửi lời chúc cho họ qua điện thoại. Dù gửi lì xì điện tử qua WeChat Pay và Alipay không phải mới, năm nay nó dự kiến sẽ tăng vọt.

Ngày trôi qua chậm chạp, bầu trời thì xám xịt. Tia nắng hiếm hoi tuần này cho phép tôi ngồi bên cửa sổ và tận hưởng chút không khí trong lành – tất nhiên là với khẩu trang trên mặt.

Xe của chính quyền đi trên đường phố với loa to, hối thúc mọi người không ra ngoài, hủy các cuộc gặp mặt, đeo khẩu trang, rửa tay, báo cáo bất kỳ trường hợp nào nghi nhiễm virus.

Tôi cũng không chắc khi nào lệnh cấm được dỡ bỏ. Kể cả nếu có, tôi cũng sẽ đối mặt với sự bất an tại biên giới khi cố gắng quay lại làm việc ở Hồng Kông. Chính quyền Hồng Kông đã cấm nhập cảnh với bất kỳ ai gần đây tới Hồ Bắc, ngoại trừ công dân của họ.

Vì đang làm việc ở Hồng Kông, tôi nên được cho phép nhập cảnh theo chính sách hiện hành, dù có nhiều bên – như liên đoàn y tế - kêu gọi đóng cửa biên giới hoàn toàn.

Dù vậy, ngay lúc này, tôi cảm thấy một trận game Candy Crush nữa đang chờ tôi.

Theo Du Lam

Cùng chuyên mục
XEM